Hiểm họa mất mạng từ việc đua nhau “thẩm mỹ vùng kín”

Nhiều phụ nữ sau khi sinh nở muốn “tân trang vùng kín” lại như thời thanh xuân nên đã tìm đến kỹ thuật may thẩm mỹ tầng sinh môn. Thế nhưng, theo khuyến cáo của bác sĩ, đây là thủ thuật rất dễ xảy ra tai biến.

thẩm mỹ vùng kín

Thủng ruột vì “tân trang vùng kín”

Ngày 31.12.2014, chị T.H.Ph. (27 tuổi, tạm trú Q.Tân Phú, TP.HCM) đã phải đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, không thể cầm máu do sai sót “chết người” của bác sĩ đã khiến chị bị thủng ruột. Đây có thể là trường hợp tai biến mới nhất xảy ra trong quá trình thực hiện may thẩm mỹ tầng sinh môn tại TP.HCM.

Chị Ph. cho biết, chị đã có con trai 7 tuổi với người chồng trước. Gần đây, chị muốn đi bước nữa và có kế hoạch đổi “công việc” mới, nên đã quyết định đi may thẩm mỹ tầng sinh môn, thu hẹp âm đạo. Nghe bạn bè mách rằng họ đã từng đi thực hiện kỹ thuật này tại một phòng khám trên đường Trường Chinh, P.Tân Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, nên chị đã âm thầm đến đây để “tân trang vùng kín” trong những ngày nghi lễ cuối năm.

Khoảng 15 giờ ngàỵ 31.12.2014, chị Ph. đến phòng khám, ở đây thực hiện may thẩm mỹ tầng sinh môn với giá 3 triệu đồng. Chị không mang đủ tiền, bác sĩ phòng khám đồng ý phẫu thuật cho chị với giá 2,5 triệu đồng. Chị Ph. cho biết, dù đã được bác sĩ gây tê nhưng khi phẫu thuật, chị vẫn thấy rất đau. 

Sau khi may xong, chị bị tụt huyết áp, người lơ mơ. Bác sĩ đặt thuốc vào hậu môn, nhưng máu vẫn chảy, trôi cả thuốc ra ngoài. Phòng khám đã chuyển chị đến Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức gần đó để cấp cứu. Sau đó, chị tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ tại đây cho biết, bệnh nhân Ph. nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều, thủng trực tràng, bất tỉnh. Chị Ph. đã được cấp cứu, cầm máu, khâu vết thủng trực tràng.

Ngoài ra, các bác sĩ còn phải mở hậu môn nhân tạo ở thành bụng nhằm tránh đi tiểu qua hậu môn gây nhiễm trùng vết thương trực tràng. Chi Ph. sẽ phải mang hậu môn nhân tạo trong khoảng 2 tháng, chờ vết khâu trực tràng lành, bác sĩ mới có thể đóng hậu môn nhân tạo. Chị Ph. nói: “Nghe mấy người bạn nói, may cái này đơn giản, không đau lắm và giá rẻ nên mới dám đi làm. Tôi cũng chỉ muốn thu hẹp lại một chút thôi. Ai ngờ...”.

Theo bác sĩ Lâm Việt Trung - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy -may thẩm mỹ tầng sinh môn được xem là một kỹ thuật rất dễ xảy ra tai biến. Bởi tầng sinh môn và trực tràng nằm rất gần nhau, đòi hỏi bác sĩ phải hết sức khéo léo, có chuyên môn cao, để tránh chạm vào trực tràng. Hơn nữa, kỹ thuật này gây chảy máu nhiều và đau, nên phải hết sức chú ý đến việc gây tê cho người bệnh. Vì lý do nào đó mà việc gây tê không phát huy tác dụng sẽ khiến bệnh nhân đau, gồng mình thì thao tác của bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng, không còn chuẩn xác, dễ xâm phạm trực tràng.

Đua nhau may thẩm mỹ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tình trạng may thẩm mỹ tầng sinh môn cho sản phụ sau sinh diễn ra khá phổ biến tại hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ ở TP.HCM. Nhiều sản phụ cho biết ngay sau khi họ sinh xong, nhân viên y tế đã gợi ý họ may thẩm mỹ mà không yêu cầu ký cam kết phẫu thuật. Thậm chí có trường hợp sản phụ không yêu cầu, nhưng bác sĩ vẫn may. Trong đó, không ít người đã bị biến chứng chảy máu liên tục, dị ứng chỉ may, nhiễm trùng, may xấu, mất cảm giác, bị khô, đau khi quan hệ tình dục...

Một thành viên Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ giải thích, khi sinh thường, để thuận lợi cho giai đoạn xổ thai, hầu hết thai phụ đều được chỉ định cắt tầng sinh môn nhằm mục đích chủ động mở rộng âm hộ - âm đạo - tầng sinh môn cho em bé dễ ra đời. Chỉ định này có lợi cho thai phụ và cần thiết phải may phục hồi tầng sinh môn sau khi cắt. 

Tuy nhiên, các chuyên gia sản phụ khoa khác cũng lưu ý, cần phân biệt việc may phục hồi tầng sinh môn sau sinh nói trên hoàn toàn khác với may thẩm mỹ. May thường là may lại vết đã rạch, không cắt bỏ mô, da và chỉ may khôi phục hiện trạng. May thẩm mỹ - tức làm đẹp, làm nhỏ lại - phải cắt bỏ da, niêm mạc, chỉnh gọn và nhỏ thành âm đạo... Đây là kỹ thuật có xâm lấn. 

Do đó, để giảm nguy cơ tai biến đến mức tối đa, kỹ thuật này phải thực hiện sau sinh ít nhất 2-3 tháng. Bởi khi đó cơ thể người phụ nữ đã trở về hiện trạng bình thường giúp việc phẫu thuật chính xác, an toàn hơn là thực hiện ngay sau khi sinh.

Cũng theo giới chuyên môn, việc “tư vấn” may thẩm mỹ cho sản phụ vừa sinh xong là một cách lập lờ của các cơ sở y tế vì lúc đó sản phụ không thể tỉnh táo để suy nghĩ thấu đáo. Thứ hai, việc để bệnh nhân ký chung cam kết may thẩm mỹ trong hồ sơ sinh, mà không làm cam kết riêng, sẽ khiến cho quyền lợi người bệnh chưa được bảo vệ. Theo thông tin mà chúng tôi có được, với giá tiền từ 3-8 triệu đồng/ca may thẩm mỹ, thì đây là công việc mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho bác sĩ sản khoa. 

Theo Khôi Nguyên (Theo Tuổi trẻ & Đời sống)