Cảnh giác trước những quảng cáo thổi phồng về dịch vụ tiêm filler làm đẹp để lại hậu quả khó lường

Nhiều người cho rằng tiêm filler là phương pháp làm đẹp an toàn, nhanh chóng. Nếu có biến chứng cũng chỉ gây viêm, sưng đỏ... Tuy nhiên theo các chuyên gia, không được phép tiêm filler với số lượng lớn để nâng ngực, độn mông.

Tiêm filler vào cơ thể có thể gây chết người

Mới đây, cô gái 27 tuổi (Cà Mau) đến một khách sạn ở phường 2, quận 10 (TP.HCM) để tiêm filler nâng ngực. Chỉ sau ít phút khi tiêm filler, cô bất ngờ bị sùi bọt mép, tím tái rồi ngưng tim, ngưng thở. Dù đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cô đã không qua khỏi. TS.BS Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) cho biết, trường hợp cô gái trên có thể do sốc phản vệ, nhưng rất hiếm gặp. Khả năng cao hơn là nạn nhân bị phù phổi cấp, thuyên tắc mạch phổi dẫn đến tử vong. BS Hải cho biết, tiêm filler nâng ngực có thể dẫn đến nhiều hậu quả, nhẹ thì bệnh nhân bị sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực.

Trường hợp nặng nếu tiêm vào mạch máu, động mạch có thể gây tắc mạch và hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến vú núm vú, về sau gây biến dạng vú trầm trọng. "Nếu tiêm vào tĩnh mạch, filler có thể theo về phổi gây thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Các trường hợp bị sốc phản vệ do tiêm filler khá hiếm gặp", BS Hải phân tích. Ngoài ra, các nạn nhân có thể bị biến chứng muộn là hoại tử vùng ngực (hoại tử tuyến sữa, mô mềm, da, núm vú), có thể nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.

canh-giac-truoc-nhung-quang-cao-thoi-phong-ve-dich-vu-tiem-filler-lam-dep-de-lai-hau-qua-kho-luong

Khi quyết định làm đẹp, chị em cần lựa chọn các cơ sở uy tín, đặc biệt không được phép tiêm filler để nâng ngực, độn mông. Ảnh minh họa

Chất làm đầy không dùng để nâng ngực, độn mông

Theo chuyên gia thẩm mỹ, tiêm filler, nhất là tiêm với lượng lớn để nâng ngực, độn mông, nguy cơ cao dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Chất làm đầy được cơ thể chuyển hóa và hấp thu từ từ. Cụ thể, silicon dạng tiêm không được FDA chấp thuận cho bất kỳ quy trình thẩm mỹ nào. Tiêm silicon có thể dẫn đến tình trạng đau kéo dài, nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng như sẹo và biến dạng vĩnh viễn, tắc mạch, đột quỵ và tử vong.

Bên cạnh đó FDA cũng cảnh báo silicon dạng tiêm không phải là chất làm đầy da dạng tiêm. FDA đã phê duyệt một số chất làm đầy da dạng tiêm để sử dụng trên mặt (như để làm đẹp môi, má…) và mu bàn tay. FDA cảnh báo không tiêm silicon hoặc chất làm đầy dạng tiêm để nâng ngực, độn mông… Tiêm filler, chất làm đầy mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai... không phù hợp để độn mông, ngực.

Lựa chọn làm đẹp tại những cơ sở uy tín vớ những phương pháp an toàn

Bác sĩ Hải khuyên chị em khi có nhu cầu thẩm mỹ nên xác định rõ bản thân muốn làm gì, gặp chuyên gia tư vấn (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ da liễu thẩm mỹ…), hỏi tất cả các câu hỏi mình thắc mắc, đặc biệt là nguy cơ biến chứng. Sau đó, chị em cần chuẩn bị thời gian, sức khỏe và kinh tế. Chị em lưu ý lựa chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để làm. Đồng thời, sau khi làm thủ thuật chị em cũng cần được theo dõi, chăm sóc chuẩn y khoa, không phải cứ làm xong là đẹp. Bên cạnh đó là theo dõi xa những vấn đề nguy cơ gây tác động đến quá trình can thiệp vào cơ thể. "Chất làm đầy được cơ thể chuyển hóa và hấp thu từ từ, vì thế trước khi thực hiện thủ thuật không cần test. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ, chúng ta nên sử dụng chất làm đầy đã được cơ quan quản lý cấp phép", Bác sĩ Hải nhấn mạnh. Để nâng ngực, chị em có thể chọn các phương pháp khác như tiêm mỡ tự thân, sử dụng túi độn ngực, phẫu thuật chuyển vạt vi phẫu đối với một số trường hợp mất tuyến vú do cắt bỏ...

Theo VietQ