Trẻ bị lõm lồng ngực ồ ạt nhập viện phẫu thuật

Liên tục trong những ngày gần đây, số trẻ bị dị tật lõm ngực nhập viện để phẫu thuật rất đông. Nhiều trẻ chỉ mới 3, 4 tuổi nhưng do tình trạng lõm quá nặng gây chèn ép tim, phổi buộc các bác sĩ phải phẫu thuật để cứu sống các bé.

Trẻ bị lõm lồng ngực ồ ạt nhập viện phẫu thuật
Bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương - Chỉnh hình , Bệnh viện Nhi đồng 1
kiểm tra vết thương của một bé gái sau khi phẫu thuật lõm ngực.

Lõm ngực là tình trạng bất thường ở xương ức và xương sườn, trong đó xương bức bị lõm xuống. Những trường hợp này nếu thời gian kéo dài, ngực sẽ lõm sâu gây chèn ép tim và làm sa van tim 2 lá và van tim 3 lá; đồng thời chèn ép phổi gây khó thở nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy theo tình trạng lõm ngực nhiều hay ít, tùy theo biến chứng của lõm gây ra mà  đưa ra chỉ định phù hợp. Hiện nay phương pháp phẫu thuật là cách duy nhất để chữa trị dứt điểm tình trạng lõm ngực ở trẻ. Trong những tháng hè qua, số trẻ bị dị tật lõm ngực đến phẫu thuật tăng lên bất ngờ.

Chiều 28.7, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết chỉ tính riêng tại bệnh viện này đến cuối tháng 7 này đã có đến gần 100 trẻ bị dị tật lõm ngực đến đây phẫu thuật; con số này cao gần gấp đôi so với cả năm 2015. Nếu không có gì thay đổi, trong những ngày hè còn lại số trẻ đến nhập viện phẫu thuật dị tật lõm ngực còn tăng lên nữa.

“Nguyên nhân có thể do các bậc phụ huynh nắm bắt được nhiều thông tin về căn bệnh này cũng như thấy được sự nguy hiểm nên đã đưa trẻ đến khám và phẫu thuật nhiều như vậy”, bác sĩ Hiếu giải thích.

Theo bác sĩ Hiếu, độ tuổi tốt nhất để phẫu thuật căn bệnh này là từ 8 tuổi đến 20 tuổi. Để quyết định trẻ bị lõm ngực đó có cần phải phẫu thuật hay chưa, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT Scan để đánh giá chỉ số, nếu chỉ số vượt quá 3.2 thì phải can thiệp phẫu thuật ngay.

Ở trường hợp này, nếu không phẫu thuật ngực lõm quá mức sẽ chèn ép vào các cơ quan bên trong của trẻ, nguy hiểm nhất là chèn ép vào tim, chèn ép vào phổi. Nếu chèn ép tim sẽ làm sa van tim 2 lá hoặc van 3 lá; còn chén ép vào phổi sẽ gây tình trạng khó thở, tím tái, ngất xỉu.

Bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, trẻ mắc bệnh lõm lồng ngực có tỷ lệ khá cao, trung bình cứ 300 đến 400 trẻ sinh ra có 1 trẻ mắc dị tật lõm lồng ngực. Tỷ lệ trẻ bị dị tật lõm lồng ngực ở nam và nữ cũng khác nhau, nam giới mắc dị tật này nhiều hơn nữ giới với tỷ lệ là 3/1.

Bác sĩ Minh cho rằng, dù độ tuổi phẫu thuật lõm lồng ngực tốt nhất là từ 8 tuổi trở lên nhưng trong trường hợp trẻ chỉ mới 3, 4 tuổi nhưng lõm sâu quá buộc phải phẫu thuật, nhất là tình trạng lõm ngực đó gây cho trẻ khó thở, tím tái, thường xuyên ngất xỉu.

“Đây là một bệnh lý bẩm sinh, thường phát triển theo sự phát triển của xương nên khi mới sinh ra nhiều trẻ bị dị tật lõm ngực vẫn chưa phát hiện được, đến khi 1 hoặc 2 tuổi xương của trẻ phát triển chúng ta mới phát hiện. Cá biệt có những trường hợp trẻ bị dị tật lõm ngực quá nặng mới sinh ra có thể phát hiện bệnh ngay”, bác sĩ Minh cho biết.

Bác sĩ Minh khuyến cáo, khi phát hiện trạng lõm ngực ở trẻ các bậc phụ huynh nên đưa ngay đến bệnh viện khám. Thường những trẻ dưới 5 tuổi bị dị tật lõm ngực chưa ảnh hưởng đến các cơ quan khác, nhất là tim, phổi nhưng các bậc phụ huynh phải đưa trẻ đến khám để bác sĩ hướng dẫn tập luyện cũng như làm công tác tâm lý chờ đến khi được phẫu thuật. Đối với những trẻ mắc bệnh này, các bậc phụ huynh nên cho trẻ thường xuyên chơi những trò chơi vận động, đặc biệt là bơi lội để giúp cho lồng ngực của bé giãn nở tốt, tạo thuận lợi cho việc phẫu thuật sau này.

Theo Hồ Quang (một thế giới)