Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo 12 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành quyết định về kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục.
Theo đó, ngành giáo dục đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục:
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục - đào tạo.
Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn; đẩy mạnh tự chủ...
Thứ 2, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên:
Nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025"; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.
Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025...
Thứ 3, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp:
Tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để báo cáo bổ sung biên chế.
Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy ngoại ngữ và tin học...
Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu. Đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng...
Thứ 4, bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục:
Có giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo.
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu.
Tham mưu các cấp, ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để bảo đảm chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỉ lệ tối thiểu 19% tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí).
Thứ 5, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.
Thứ 6, tăng cường giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Thứ 7, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo:
Xây dựng, thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; ổn định phương thức tuyển sinh; thực hiện chuẩn chương trình đào tạo...
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Thứ 8, hội nhập quốc tế trong giáo dục:
Chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước hợp tác với các cơ sở nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Khuyến khích kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế được công nhận; khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tham gia xếp hạng ĐH của các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới...
Thứ 9, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
Thứ 10, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo:
Tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND các cấp; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023; việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; tự chủ giáo dục ĐH...
Thứ 11, tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Thứ 12, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Miền Bắc sắp đón khối không khí lạnh và dự báo thời tiết dịp lễ Quốc khánh 2/9
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan, khối không khí lạnh đang dịch chuyển theo hướng Đông - Bắc sang Tây Nam đã tiếp cận và gây mưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Khối không khí lạnh này có xu hướng dịch chuyển từ Bắc vào Nam, dự báo ngày mai (28/8) sẽ đi qua Hà Nội rồi tới Bắc Trung Bộ gây mưa ở các khu vực này.
Ngày 29/8, khối không khí lạnh sẽ đi tới các tỉnh miền Trung và gây mưa từ 29-30/8.
TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, do khối không khí lạnh đi nhanh nên thời gian mưa chỉ khoảng từ 1,5-2 ngày mỗi điểm.
Giai đoạn từ 1/9-5/9, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế ra ngoài Bắc trời rất đẹp, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, phù hợp cho các hoạt động du lịch, dã ngoại và lễ hội trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn vừa phát đi bản tin thời tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, từ 1-4/9.
Theo đó, trong khoảng thời gian này, thời tiết khu vực Bắc Bộ đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ, có nơi trên 34 độ.
Ở Trung Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến ít mưa, ngày có nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày 32-35 độ.
Riêng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và giông rải rác. Nhiệt độ cao nhất ngày 31-34 độ.
Trong khi đó, thời tiết Tây Nguyên và Nam Bộ, ngày cũng có nắng, đến chiều và tối khả năng có mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to. Nhiệt độ cao nhất ở Tây Nguyên ở mức 27-30 độ; ở Nam Bộ 29-32 độ.
Đề phòng trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Đối với thời tiết Hà Nội, nhưng ngày này đêm không mưa, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất 32-34 độ.
Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ với tiết trời đẹp, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá hứng mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to đến hết ngày 28/8, lượng mưa phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 150 mm.
Từ chiều tối 28-29/8, Nghệ An đến Quảng Bình mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 100 mm. Chiều tối 29/8 đến ngày 31/8, mưa lớn có khả năng dịch xuống Trung Trung Bộ.
Chiều và tối 28/8 ở Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 60 mm. Mưa dông và mưa lớn cục bộ ở khu vực này còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Cô giáo trường chuyên 'trải lòng' chuyện Hà Giang đội sổ thi tốt nghiệp
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Hà Giang, cô Nguyễn Kim Anh đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của bản thân.
Trước thực trạng kết quả thi tốt nghiệp hằng năm của Hà Giang rất thấp, 4 năm liền đội sổ, cô Kim Anh có 14 năm đứng lớp, từng chấm thi nhiều năm, từng bồi dưỡng học sinh giỏi và tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp vùng cao khẳng định, con số xếp hạng kết quả thi là chính xác, khách quan, đúng thực lực giáo viên, học sinh và sự quan tâm của phụ huynh.
Tuy nhiên, ẩn sau con số đó có nhiều lý do, nhiều vấn đề cần giải quyết như: về kinh tế, địa hình, trình độ đội ngũ, cơ sở vật chất, một số phong tục tập quán cũ cản trở giáo dục, đặc biệt tại một tỉnh nghèo nhất nước như Hà Giang.
Từ góc nhìn chuyên môn, cô giáo trường chuyên cho rằng, việc xếp hạng cho thấy Hà giang có sự chênh lệch quá cao về huyện, thị và vùng miền, trong đó tỉ lệ học sinh ở vùng nông thôn chiếm đa số.
Có em ở vùng cao, sâu xa, đọc còn chưa thạo, đừng nói đến chuyện đọc hay, càng khó giải Toán, làm Tiếng Anh.
Trăn trở với chất lượng giáo dục địa phương, cô từng tìm hiểu, so sánh với tỉnh Bắc Kạn, nơi có điều kiện địa lý, kinh tế tương đồng nhưng kết quả giáo dục của họ cao hơn cho thấy, Hà Giang có khoảng 55.000 dân ở vùng thành thị trên tổng số hơn 800.000 dân (6%); Bắc Kạn tỉ lệ này là 46.000 dân/hơn 300.000 dân (chiếm 14%).
Ngoài ra, những năm gần đây Tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc trong khi ở địa phương, học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ lớn. Các em học tiếng phổ thông đã là ngoại ngữ nay phải học thêm Tiếng Anh lại càng khó.
Tuy nhiên, xác định đây là môn học quan trọng, cần có cách học cải thiện môn học này vì kết quả thi năm nào môn học này cũng xếp hạng cuối cùng trong cả nước.
Một nguyên nhân nữa tác động đến kết quả xếp hạng theo cô giáo này đó là tính chất của kỳ thi 2 trong 1. Những tỉnh có đa số học sinh dùng kết quả này để xét tuyển ĐH, liên quan đến ngành nghề trong tương lai, các em nỗ lực hơn, thường có thứ hạng cao hơn.
Tại Hà Giang chỉ có khoảng gần 63% học sinh lấy kết quả thi dùng cho 2 mục đích, trong khi cùng là tỉnh miền núi nhưng Bắc Kạn con số này là 76,5%. Nhiều em cho rằng, chỉ xét tốt nghiệp không cần học quá nhiều.
Ngoài ra, cô Kim Anh cũng thừa nhận, từ phía học sinh năng lực, ý thức học tập đa phần đang rất thấp.
Ở góc độ phụ huynh, cô giáo nhận thấy, cha mẹ chưa thực sự đầu tư cho giáo dục. Ở vùng thuận lợi cho nhận thức, quan điểm sống họ sẵn sàng chi tiền mua điện thoại, đi du lịch nhưng giáo viên đề nghị mua sách hay, khoá học trực tuyến là ngần ngại.
Cô Kim Anh cũng thừa nhận, trình độ đội ngũ giáo viên đa phần hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Điều đó xuất phát từ khâu tuyển dụng. Rất khó để thu hút giáo viên giỏi, xuất sắc từ các trường sư phạm tốp đầu về trường miền núi xa xôi. Ngay cả trường THPT chuyên số giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy về Hà Giang đếm không quá 2 đầu ngón tay, đa số thuộc hệ đào tạo khác.
Cô giáo cũng chia sẻ sự trăn trở với giáo dục vùng biên giới còn quá nhiều đặc thù, khó khăn chưa tìm được lối ra, từ giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp. Làm thế nào để con em đồng bào thiểu số học tốt ngoại ngữ? Làm sao để học sinh không bỏ học vào mùa du lịch đi kiếm tiền hay hạn chế các em cấp 2-3 tảo hôn? Với các môn thi tốt nghiệp THPT dạy học thế nào là phù hợp với đặc điểm tư duy, nhận thức của học sinh vùng cao.
Từ thực tế đó, cô Kim Anh đề xuất cải thiện chất lượng dạy học đại trà, trong đó cần tạo thước đo đánh giá rõ ràng, gắn kết quả học và thi. Đồng thời tạo văn hoá chịu trách nhiệm trong làm việc cho đội ngũ. Tăng cường hoạt động dự giờ, hội thảo, biên soạn tài liệu, giảm đánh giá, kiểm tra một cách hình thức gây lãng phí.
Mong muốn có thêm nhiều hơn nữa các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên nhưng phải sát thực tiễn, có sự tham gia của giáo viên cốt cán, chuyên gia trường ĐH Sư phạm. Khảo sát nhu cầu học tập của học sinh địa phương rõ nét hơn. Ví dụ hết THCS các em có hướng học nghề bao nhiêu và địa phương đã hướng đào tạo nghề, giảm thiểu sức nặng lên bậc THPT hay chưa?
Khẳng định một giáo viên giỏi sẽ đào tạo được nhiều khoá học sinh giỏi, cô Kim Anh cũng đề nghị lãnh đạo các cấp ở Hà Giang chú trọng mở lớp bồi dưỡng giáo viên. Song song với đó, lâu dài cần có chính sách thu hút nhân tài. "Những em từng học trường chuyên, đạt giải quốc gia, quốc tế, nếu chúng ta không có chính sách tuyển dụng sẽ không thu hút được và không có nhân tài cho phát triển", cô Kim Anh chia sẻ.
Thông báo mới nhất về việc đấu giá 11 biển ô tô siêu đẹp
Ngày 26/8, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam - đơn vị tổ chức đấu giá biển số ô tô trực tuyến có thông báo về việc đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô phiên đấu giá thứ nhất.
Cụ thể, đối với 11 biển số ô tô đấu giá ngày 22/8, chưa được thực hiện, quyền tham gia đấu giá của toàn bộ khách hàng đã nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước đối với các biển số này được bảo lưu theo quy định.
"11 biển số ô tô này sẽ được tổ chức đấu giá trước ngày 16/9/2023" - thông báo nêu và thời gian chi tiết sẽ được gửi tới khách hàng đã đăng ký trước ít nhất 3 ngày trước ngày đấu giá.
Đối với toàn bộ các biển số xe ô tô còn lại khách hàng đã đăng ký sẽ được tổ chức đấu giá bắt đầu từ ngày 16/9 trở đi.
Trước đó, từ 9h15 ngày 22/8, "Phiên đấu giá thứ nhất" diễn ra trực tuyến với 11 biển số siêu đẹp là 30K-555.55, 30K-567.89, 98A-666.66, 19A-555.55, 36A-999.99, 43A-799.99, 47A-599.99, 51K-888.88, 65A-399.99, 99A-666.66, 15K-188.88.
Tuy nhiên, nhiều người tham gia đấu giá không thể đăng nhập được vào hệ thống đấu giá hoặc không vào được phòng đấu giá. Đến khoảng hơn 10h cùng ngày, trang đấu giá không thể truy cập và các cuộc đấu giá bị dừng.
Giải thích về sự cố nêu trên, bà Lâm Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, do lượng truy cập vào trang đấu giá trực tuyến tăng cao đột biến, dẫn đến hệ thống kỹ thuật gặp sự cố, khách hàng không truy cập được vào phòng đấu giá biển số.
Nữ giám đốc này cũng gửi lời xin lỗi tới khách hàng và cho hay, những người đã nộp hồ sơ, tiền đặt trước và tham gia đấu giá 11 biển số xe ô tô ngày 22/8 sẽ đảm bảo giữ nguyên quyền lợi khi tham gia các phiên đấu giá tiếp theo đúng quy định.
Xác định nguyên nhân vụ tai nạn hầm lò ở Quảng Ninh khiến 4 công nhân thiệt mạng
Theo đánh giá đầu từ cơ quan chức năng Quảng Ninh, nguyên nhân sơ bộ dẫn tới vụ sập hầm lò khiến 4 công nhân thiệt mạng do trong thời gian qua, khu vực mỏ than Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) xuất hiện nhiều trận mưa với lưu lượng từ 30-70 mm, dẫn đến khu vực này bị ngấm nước.
Quá trình nhóm công nhân làm việc bị bùn và than trôi từ Thượng vận chuyển số 3 xuống gây tai nạn, dẫn đến tử vong.
Nạn nhân gồm: L.H.N (SN 1993, xã Hồng Việt, Đông Hưng, Thái Bình); T.V.Đ (SN 1990, quê phường Vàng Danh, TP Uông Bí); N.Đ.T (SN 1988, quê xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình); P.T.D (SN 1987, quê quán phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).
Khoảng 19h20 ngày 26/8, tại thượng vận chuyển số 3 đào từ lò thượng +50/+80 vỉa 5, khu Cánh gà, phân xưởng khai thác 3, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh xảy ra vụ tai nạn lao động trong hầm lò khiến 4 công nhân tử vong.
Sau khi nhận thông tin, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường và thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Công ty Cổ phần Than Vàng Danh phối hợp với cơ quan chức năng TP Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh điều tra, làm rõ, đồng thời, tập trung cùng gia đình lo hậu sự cho nạn nhân. U
BND tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình mỗi nạn nhân tử vong.
Nước về dồn dập, nhiều hồ thủy điện phải xả lũ
Đến thời điểm trưa 27/8, mực nước về hồ Sơn La là 3.135 m3/s; hồ Hòa Bình 3.301 m3/s; hồ Thác Bà 405 m3/s; hồ Tuyên Quang 1.021 m3/s.
Các hồ thủy điện lưu lượng về hồ nhiều, dao động nhẹ so với hôm qua và phải xả lũ gồm: Hồ Trung Sơn, lượng nước về đạt 545 m3/s, hồ phải xả tràn 50 m3/s; hồ Bản Vẽ lượng nước về đạt 484 m3/s, phải xả tràn 275 m3/s; hồ Lai Châu đạt lượng nước 1.634 m3/s, phải xả tràn 96 m3/s.
Các hồ thủy điện lớn còn lại mực nước đều dưới mức quy định, chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới các hồ khu vực Bắc Bộ tăng trở lại; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dao động nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm.
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, được ngăn dòng, khởi công vào ngày 26/12/2005. Đến năm 2010, nhà máy hòa lưới điện quốc gia.
Thủy điện Bản Vẽ cũng cung cấp một phần điện năng cho nước bạn Lào; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả.
Hồ thuỷ điện Bản Vẽ có diện tích mặt nước 8.700 km2, thuộc địa phận bốn xã Hữu Khuông, Mai Sơn, Nhôn Mai và Yên Na. Chiều dài đập theo đỉnh là 509 m, chiều cao đập lớn nhất là 137 m.
Nhà máy có 2 tổ máy vận hành. Hồ chứa nước có dung tích 1,8 tỷ m3. Mực nước bình thường trong hồ Bản Vẽ là 200 m. Công suất thiết kế của nhà máy là 320 MW, sản lượng điện hàng năm 1.084 triệu KWh.
Sau gần 13 năm đi vào hoạt động, Thủy điện Bản Vẽ đã hòa vào lưới điện quốc gia gần 13 tỷ kWh, nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện quy mô trung bình, được xây dựng trên dòng sông Mã thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh hàng năm là nguồn bổ sung đáng kể cho lưới điện quốc gia.
Đây là dự án đa mục tiêu, vừa cung cấp điện vừa giúp kiểm soát lũ, đồng thời góp phần vào chương trình biến đổi khí hậu ở Việt Nam bằng cách tránh được lượng khí phát thải CO2.
Thủy điện Lai Châu, còn gọi là Thủy điện Nậm Nhùn, là công trình trọng điểm quốc gia, xây dựng trên dòng chính sông Đà tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, hòa lưới 3 tổ máy tháng 11/2016, khánh thành tháng 12/2016.
Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La. Nhà máy Thủy điện Lai Châu cung cấp mỗi năm lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.
Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Thủy điện Lai Châu thuộc bậc trên cùng của dòng sông Đà, giáp với biên giới Trung Quốc. Với thiết kế chọn cao trình đập 303 m sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 - 20 km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km.
Nguy kịch sau bữa ăn canh xương ninh loại củ quen thuộc
Bệnh nhân được đưa vào trạm y tế xã cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) lúc gần nửa đêm. Lúc này, bệnh nhân kích thích nhiều, da lạnh, vã mồ hôi, kêu đau tức ngực, khó thở, nồng độ bão hòa ôxy trong máu giảm còn 88% (bình thường phải trên 95%), huyết áp không đo được, rồi loạn cơ tròn đại tiện không tự chủ.
Kết quả hội chẩn của các bác sĩ trực cùng bác sĩ chuyên khoa I Lục Quang Thái, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện, xác định bệnh nhân ngộ độc aconitin có trong củ ấu tầu.
Tiên lượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do rối loạn huyết động và rồi loạn nhịp tim, bác sĩ khẩn trương xử trí theo phác đồ thuốc chống loạn nhịp và thuốc vận mạch.
Sau 2 giờ xử trí, mạch và huyết áp bệnh nhân dần ổn định, sau 2 ngày điều trị bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn đau tức ngực, không khó thở, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Bác sĩ cho biết, nam bệnh nhân này có thói quen ăn củ ấu tầu. Đây là loại củ thường mọc hoang hoặc trồng ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai... Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Người dân thường sử dụng củ ấu tàu để ngâm rượu, chế biến thức ăn song không biết cách loại bỏ độc tố. Khi bị ngộ độc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nôn, buồn nôn, tê môi, lưỡi, tay, chân hoặc toàn thân, cảm giác tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim. Các triệu chứng nặng hơn như co giật, suy hô hấp, thậm chí ngừng tim, tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu cần thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo biện pháp dân gian.
Theo GiaDinh