Những gương sẻ chia trong mùa thi đại học

Một Chương trình “Tiếp sức mùa thi” (TSMT) lại vừa kết thúc, một năm học mới tại các trường đại học, cao đẳng lại sắp bắt đầu. Đọng lại từ một mùa thi, là hình ảnh các tình nguyện viên căng mình dưới cái nắng oi ả và những cơn mưa hè bất chợt, là những chủ nhà trọ không quen biết, nhưng sẵn sàng đưa các thí sinh đến trường thi như người nhà.

Một sinh viên tình nguyện của ĐH Ngoại thương đang làm nhiệm vụ phân làn trên đường Chùa Láng.

Một sinh viên tình nguyện của ĐH Ngoại thương đang làm nhiệm vụ phân làn trên đường Chùa Láng.

Chàng trai nguyện suốt đời chia sẻ

Năm nay là năm thứ tư liên tiếp, Phạm Gia Huy tham gia vào các Chương trình TSMT. Có thể nói, cậu đã gắn cả cuộc đời sinh viên với các chiến dịch tình nguyện, kể từ lúc mới bước chân vào cánh cổng đại học, cho đến nay, khi đã là Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN).

Đợt TSMT 2014 vừa qua, Huy và 290 sinh viên tình nguyện của ĐHBKHN lại tiếp tục ra quân hỗ trợ các thí sinh. Với sự sáng tạo vốn có, Hội Sinh viên ĐHBKHN đã nghĩ ra phương pháp mới: làm clip tuyên truyền, hướng dẫn rồi tải lên các trang mạng xã hội. Huy cho biết, mặc dù đây chỉ là các clip đơn giản, nhưng lại là những điều rất cần thiết, giúp các thí sinh có được tâm lý thoải mái, yên tâm hơn trước khi bước vào phòng thi.

Bốn năm nay, cứ mỗi đợt TSMT, chàng sinh viên đầy nhiệt huyết này lại tham gia ở một vị trí khác nhau. Những năm đầu, trong vai trò một tình nguyện viên, Huy phải tự nỗ lực rèn luyện bản thân, ngay cả trong lời ăn tiếng nói, để có thể gây thiện cảm khi tiếp xúc với thí sinh và người nhà thí sinh. Đến khi công tác trong ban chỉ huy chiến dịch, chàng sinh viên trẻ còn thêm phần trách nhiệm tổ chức, chăm lo cho các bạn tình nguyện viên.

“Em nhớ rất rõ những ký ức về năm đầu tiên làm tình nguyện viên. Các đợt thi đại học luôn rơi vào lúc thời tiết hết nắng nóng, oi bức rồi lại mưa rào. Khi đó, dù mệt mỏi sau cả ngày dài làm hàng rào chống tắc nghẽn giao thông nhưng bọn em vẫn rất vui và cảm thấy có ích”, Huy vui vẻ.

Chia sẻ với NDĐT, chàng Chủ tịch Hội SV ĐHBKHN cho hay, sẽ cố gắng để ngọn lửa nhiệt huyết khi được chia sẻ, giúp đỡ người khác không bao giờ tắt.

“Trước khi bước chân vào giảng đường đại học, em đã rất mong muốn được trở thành một tình nguyện viên. Em tin rằng, tâm niệm đó sẽ theo mình đi suốt quãng đời còn lại. Mai này, khi không còn là sinh viên, em sẽ cố gắng hưởng ứng phong trào tình nguyện theo nhiều cách khác, có thể là một nhà tổ chức, một nhà tài trợ... quan trọng nhất là được chia sẻ những thành công, may mắn với mọi người”, Huy khẳng định.

Ngôi nhà trọ năm năm miễn phí

Nằm tại Quận 5, một trong những khu thương mại lớn tại TP Hồ Chí Minh, nhưng ngôi nhà trọ của bác Nguyễn Văn Thành từ năm năm nay vẫn luôn mở rộng cửa đón các thí sinh đến trọ miễn phí vào mùa thi. Chắt chiu, dành dụm đến khi ngoài 60, bác mới có một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ. Nhưng thay vì mở nhà hàng, cửa hiệu... bác Thành lại quyết định dùng gia tài duy nhất để lập ra một địa chỉ tin cậy cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bác Thành cho biết, từ năm 2000, nhận thấy các thí sinh lên TP Hồ Chí Minh thi ngày một đông, mà trong số này lại là nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bác đã nuôi trong lòng một ước mơ được đóng góp sức mình “để các cháu đi thi đỡ khổ”. Đến năm 2009, biết tin Trung tâm hỗ trợ sinh viên kêu gọi sự giúp đỡ cho Chương trình TSMT, bác đã tìm đến đăng ký ngay lập tức.

“Tôi biết đó là cơ hội để đóng góp sức mình cho các cháu, hoàn thành ước mong bấy lâu của mình”, bác chủ nhà trọ có mái đầu bạc chia sẻ.

Bác Nguyễn Văn Thành (cầm hoa) chuẩn bị nhận bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì những đóng góp tích cực trong công tác TSMT.

Bác Nguyễn Văn Thành (cầm hoa) chuẩn bị nhận bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì những đóng góp tích cực trong công tác TSMT.

Kể từ đó tới nay đã năm năm, nhưng chưa mùa hè nào ngôi nhà trọ của bác thiếu đi tiếng cười của các sĩ tử chuẩn bị “vượt vũ môn”. Mỗi đợt thi đại học, cao đẳng, bác lại có thêm những người cháu, những kỷ niệm đáng nhớ khác nhau.
Bác Thành bồi hồi nhớ lại: “Đợt thi vừa rồi, nhà trọ của tôi có một cháu gái. Lúc đầu, tôi cũng không biết hoàn cảnh của cháu. Buổi trưa hôm thi xong, thấy cháu không rời phòng trọ mà có vẻ bối rối, tôi hỏi thăm thì mới biết nhà cô bé ở tận Bến Tre. Cô bé không biết đường và cũng không biết cách bắt xe về”.

“Suy nghĩ một lúc, tôi lấy xe máy và đề nghị đưa cô bé về nhà. Trên đường đi, hỏi chuyện, tôi mới biết cháu có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mẹ mất sớm từ khi còn nhỏ, cháu phải vào ở nhà tình thương từ năm tám tuổi. Đến nay đã là mười năm, cháu lại một mình đèn sách đi thi”, ông chủ nhà trọ có mái tóc muối tiêu xúc động.

“Đưa cô bé về ngôi nhà tình thương mà tôi không khỏi chạnh lòng. Chẳng biết nếu không có các tình nguyện viên hỗ trợ, không hiểu cô bé sẽ ra sao?”, bác tâm sự.

BÀI, ẢNH: LINH PHAN

Theo NhanDan