Tiến sĩ bỏ lương 30 tỷ/năm tại Anh, về nước cống hiến thành giáo sư ở tuổi 25

Lưu Minh Trinh là tiến sĩ Đại học Oxford quyết định từ bỏ mức lương 1 triệu bảng Anh/năm (hơn 30 tỷ đồng), để về nước cống hiến trở thành giáo sư ở tuổi 25.

25 tuổi là tiến sĩ

Lưu Minh Trinh (1990) sinh ra trong một gia đình trí thức ở Vĩnh Xuyên (Trùng Khánh, Trung Quốc). Từ nhỏ, cô bé được thừa hưởng nền giáo dục tốt của gia đình. Vào cấp 3, Minh Trinh đặt ra mục tiêu đi du học. Do đó, trang đầu quyển từ vựng IELTS, Minh Trinh viết: "Học chăm chỉ để đỗ Đại học Cambridge".

Sau khi đặt mục tiêu rõ ràng, năm 2008, hết lớp 12 Minh Trinh sang Anh du học và chọn ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử tại Đại học Bristol. Xa nhà đi du học ở tuổi 18, mọi thứ với Minh Trinh đều lạ lẫm từ môi trường học đến văn hoá và ngôn ngữ.

Minh Trinh cho biết, môi trường học ở nước ngoài chú trọng thực hành. Do đó, vừa vào lớp thầy cô đã phát cho sinh viên bảng mạch. Xung quanh bạn bè đều biết tháo lắp, ngoại trừ Minh Trinh. Về ngôn ngữ, nếu không hiểu nữ sinh nghe lại nhiều lần. Quá trình học, thiếu sót chỗ nào Minh Trinh bù đắp chỗ đó để theo kịp bạn bè.

tien-si-bo-luong-30-ty-nam-tai-anh-ve-nuoc-cong-hien-thanh-giao-su-o-tuoi-25

Nữ giáo sư trẻ Lưu Minh Trinh. Ảnh: Baidu

 

Bất chấp rào cản và thử thách, Minh Trinh cố gắng không ngừng. Nữ sinh thường là người đến lớp thực hành sớm nhất. Sau giờ học, Minh Trinh đến phòng thí nghiệm và thư viện bổ sung kiến thức. Khi gặp những câu hỏi không biết, Minh Trinh thẳng thắn hỏi thầy cô và bạn bè. Hết năm nhất, Minh Trinh thành công giành được học bổng.

Từ đó về sau, nữ sinh sở hữu điểm trung bình dẫn đầu lớp. Ngoài cố gắng học, nữ sinh còn chăm chỉ nghiên cứu. Trong 4 năm, Minh Trinh giành được 2 giải nghiên cứu khoa học: Giải Sander Prize của Đại học Bristol và Giải Công nghệ Kỹ thuật (IET Prize) của Viện Kỹ thuật và Công nghệ Anh. Sự cố gắng được đền đáp xứng đáng, tháng 3/2011, tốt nghiệp đại học Minh Trinh là thủ khoa đầu ra của trường Bristol.

Tháng 10/2011, Minh Trinh học lên thạc sĩ tại Đại học Cambridge. Trong quá trình đó, nữ sinh đạt huy chương Vàng cuộc thi khởi nghiệp dành cho giới trẻ tại Anh. Tháng 7/2012, Minh Trinh tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kỹ thuật quản lý và sản xuất hệ thống điện công nghiệp.

Có bằng thạc sĩ tại Đại học Cambridge, Minh Trinh nuôi ước mơ lấy bằng tiến sĩ của Đại học Oxford. Đến tháng 10/2012, Minh Trinh học tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Quang Điện và Điện tử của Đại học Oxford.

Tại đây, Minh Trinh gặp được tiến sĩ Henry J. Snaith - chuyên gia hàng đầu lĩnh vực pin mặt trời perovskite hướng dẫn nghiên cứu. Năm 2013, nghiên cứu Pin mặt trời Halide perovskite dựa trên cấu trúc màng mỏng phẳng của Minh Trinh được đăng trên Tạp chí Khoa học Nature .

Thành công này giúp Minh Trinh nhận được giải Nghiên cứu xuất sắc nhất Đại học Oxford Giải thưởng đặc biệt của Hiệp hội Nghiên cứu châu Âu . Tháng 3/2015, Minh Trinh tốt nghiệp tiến sĩ ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử.

Từ chối lương 30 tỷ/năm để về nước

Rời xa quê hương 7 năm để đi du học, nữ tiến sĩ không những phải nỗ lực hoàn thành việc học, còn đối mặt với loạt thử thách. Từ những khó khăn trong giao tiếp đến việc thích nghi với môi trường mới đã không thể đánh bại Minh Trinh.

Thành tích nữ tiến sĩ đạt được ở Anh được nhiều quốc gia tìm kiếm nhân tài về pin mặt trời chú ý. Đại học Cambridge cũng ngỏ lời mời Minh Trinh về làm giảng viên. Trong đó, một công ty ở Anh chuyên sản xuất pin mặt trời đã đưa ra mức lương 1 triệu bảng Anh/năm (hơn 30 tỷ đồng) để chiêu mộ nữ tiến sĩ.

Tuy nhiên, Minh Trinh quyết định từ chối để về nước cống hiến trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nữ tiến sĩ trẻ cho rằng, cần phải cống hiến cho đất nước và luôn ý thức sứ mệnh của bản thân với xã hội.

Khi được hỏi lý do trở về, Minh Trinh cho biết, vì sự coi trọng của đất nước đối với sinh viên quốc tế. Hơn nữa, mong muốn của nữ tiến sĩ 25 tuổi là giúp cho ngành sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc ngày càng phát triển.

Tháng 10/2015, sau khi về nước Minh Trinh nhận được nhiều lời mời làm việc. Cuối cùng, nữ tiến sĩ chọn Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Nữ tiến sĩ trở thành giáo sư ở tuổi 25, trẻ nhất trong lịch sử trường.

Minh Trinh cho biết, nghiên cứu khoa học là phải nắm bắt cơ hội. Do đó, sau khi vào trường nữ giáo sư nhanh chóng thành lập nhóm nghiên cứu và phát triển pin mặt trời. Thời gian này, Minh Trinh đích thân quản lý nhóm nghiên cứu.

tien-si-bo-luong-30-ty-nam-tai-anh-ve-nuoc-cong-hien-thanh-giao-su-o-tuoi-25

Lưu Minh Trinh từ bỏ mức lương 1 triệu bảng Anh (hơn 30 tỷ đồng) để về nước cống hiến. Ảnh: Baidu

Đến tháng 7/2016, nữ giáo sư trẻ được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hóa học Ứng dụng trực thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc. 1 năm sau, dự án của Minh Trinh đăng ký cũng được Chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quốc gia phê duyệt.

Tháng 5/2021, Minh Trinh được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc gia khóa 10 của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Hiện tại, ở tuổi 34, nữ giáo sư đảm nhận vị trí Phó Viện trưởng Viện Vật liệu và Năng lượng thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Sau những thành tựu đạt được, Minh Trinh nổi tiếng trên mạng xã hội. Sau đó, một số người cho rằng, thành công của nữ giáo sư là nhờ vào hoàn cảnh xuất thân, có ông nội làm hiệu trưởng trường đại học nổi tiếng chống lưng. Trước nhiều ý kiến trái chiều, Minh Trinh đáp trả, thành công của bản thân là nhờ vào sự nỗ lực và cố gắng không ngừng.

Với tư cách là nhà nghiên cứu, Minh Trinh cho hay, không để tâm nhiều đến những đánh giá tiêu cực. Nữ giáo sư trẻ nói thêm, thành công của bản thân được đo bằng kết quả nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn và khả năng đóng góp mang lại tiến bộ cho đất nước.

Theo GiaDinh