Ngưng sử dụng mỹ phẩm chứa chất Paraben ngay lập tức

Chưa đầy hai tuần nữa, tất cả các loại mỹ phẩm chứa một trong năm chất paraben bị cấm sẽ ngưng lưu hành ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, đây là những chất bảo quản rẻ tiền và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người sử dụng.

Vội vã rút khỏi thị trường

Cuối tháng 11/2014, Hội đồng mỹ phẩm các nước Đông Nam Á đã nhóm họp tại Philippines để ban hành tiêu chuẩn mới cho chất lượng mỹ phẩm của khu vực. Trên tinh thần đó, vào ngày 13/4/2015, ông Nguyễn Tấn Đạt, Cục phó Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ký quyết định số 6577/QLD-MP gửi đến Sở Y tế các tỉnh/thành và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về việc cập nhật quy định các chất dùng trong mỹ phẩm. Cụ thể, năm hoạt chất gốc Paraben (tên gọi chung của nhóm chất bảo quản hóa học, bao gồm: Isopropyl paraben, Isobutyl paraben, Phenyl paraben, Benzyl paraben và Pentyl paraben) được bổ sung vào nhóm các chất không được dùng trong mỹ phẩm. Và đến ngày 1/8, tất cả các loại mỹ phẩm chứa một trong năm chất cấm này sẽ bị ngưng lưu hành.

Ngưng sử dụng mỹ phẩm chứa chất Paraben ngay lập tức?

Đối với các loại mỹ phẩm chứa chất Butyl paraben và Propyl paraben thì Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục cho sử dụng nhưng chỉ chiếm tối đa 0,14% trong mỹ phẩm nếu sử dụng đơn lẻ; còn nếu ở dạng phối hợp với các Paraben khác thì tổng nồng độ tối đa cũng chỉ chiếm 0,8%. Và đến cuối năm 2015, tất cả sản phẩm dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải công bố hàm lượng của hai chất này trên bao bì để người tiêu dùng theo dõi.

Tương tự, đối với nhóm các chất bảo quản dùng trong mỹ phẩm là hỗn hợp giữa chất Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (như: xà bông rửa tay, dầu gội, sữa tắm). Tức là sau khi sử dụng trên da, sản phẩm này được rửa trôi hết, không còn tồn lưu trên da, do đó sẽ ít xảy ra dị ứng. Đặc biệt, hỗn hợp giữa chất Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone phải chia theo tỷ lệ 3:1 với nồng độ không quá 0,0015% trong tổng thể dung dịch của sản phẩm. Tuy nhiên, với một sản phẩm có hỗn hợp này và đã được chia theo tỷ lệ 3:1 mà nhà sản xuất còn bỏ thêm Methylisothiazolinone vào thì không được lưu hành, cho dù đó là mỹ phẩm rửa sạch. Theo quy định của Bộ Y tế thì ngày 1/7/2015 là hạn chót buộc tất cả sản phẩm mới sản xuất phải công bố tỷ lệ này; riêng với những sản phẩm sản xuất trước khi văn bản này ban hành vẫn được phép bán cho người tiêu dùng đến hết ngày 30/4/2016.

Tránh nguy cơ bị ung thư, vô sinh...

PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám da liễu, cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lý giải: Các Paraben bị cấm là các chất bảo quản rẻ tiền nên có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm như: kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu; hay cả những sản phẩm dùng cho trẻ em như: khăn ướt lau em bé, sữa tắm... Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy các chất này có thể nguy hiểm cho sức khỏe và tác động đến hệ nội tiết. Đối với 5 loại paraben bị cấm, đây vốn là dạng biến thể của dầu hỏa, được sử dụng rộng rãi nhất trong các mỹ phẩm để sản phẩm lâu bị nấm mốc, hư hại. Tuy nhiên, 5 Paraben này có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ nên có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố; gây viêm da kích ứng. Paraben bị cấm còn có khả năng gây ung thư vú, loãng xương và cả những triệu chứng của người bị mãn kinh như: kinh nguyệt không đều, bốc hỏa...

Thực tế hiện nay, Việt Nam có hơn 22.000 loại mỹ phẩm sử dụng các chất cấm này đang lưu hành trên thị trường. Theo PGS. Lê Ngọc Diệp, để đáp ứng được các điều kiện sản xuất, thời gian lưu kho và phân phối, các nhà sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm đều phải dùng chất bảo quản trong sản phẩm của mình trong liều lượng an toàn cho phép; tuy nhiên không ít cơ sở không tuân thủ quy định của ngành y tế. Mặt khác, thông thường, nhà sản xuất sẽ phối hợp các gốc Paraben khác nhau để giúp làm giảm liều lượng của từng chất riêng lẻ có trong sản phẩm, đồng thời tăng khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Thế nhưng, đối với các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện kém vệ sinh, nguyên vật liệu đầu vào không đảm bảo chất lượng... thì cơ sở sản xuất thường lạm dụng duy nhất một chất Paraben, với hàm lượng vượt quá cho phép gấp nhiều lần để chống nấm mốc, vi khuẩn.

PGS.TS.DS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: người tiêu dùng lo lắng nguy cơ ung thư vú do sử dụng các Paraben bị cấm trong mỹ phẩm, nhất là các chế phẩm hạn chế tiết mồ hôi... là có lý. Sự nghi ngờ về tác dụng gây ung thư của các Paraben lần đầu tiên xuất hiện từ 1998. Khi đó, 12 công trình nghiên cứu khẳng định các Paraben bị cấm có hoạt tính tương tự như nội tiết tố nữ estrogen khi tiêm cho chuột. Điều đó cho thấy các Paraben có thể là một dạng estrogen yếu. Tuy nhiên, nếu đưa các Paraben vào cơ thể bằng đường uống thì các nhà nghiên cứu không chứng minh được hoạt tính estrogen của chúng. Ngoài ra, các thông tin từ Quỹ ung thư (Mỹ) cho biết, các Paraben có thể hấp thu qua da lành không tổn thương, qua hệ tiêu hóa và máu... Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục, thống nhất các quan điểm.

Nếu chúng ta lo lắng về mối quan hệ giữa các Paraben với ung thư, đặc biệt là ung thư vú, thì hành động khôn ngoan nhất là trước hết cần tránh sử dụng các hóa chất đang còn bàn cãi. Người sử dụng mỹ phẩm nên tìm mua các sản phẩm mà nhà sản xuất công bố đó là các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên và không sử dụng chất bảo quản.

Theo Thanh Toàn (PNO)