Mỹ phẩm kém chất lượng ngày càng 'bành trướng' gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Thị trường mỹ phẩm 'bùng nổ' với hàng nghìn thương hiệu cả trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội cho hành vi vi phạm về buôn bán mỹ phẩm kém chất lượng gia tăng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Mỹ phẩm giả, kém chất lượng gia tăng chóng mặt

Các kênh bán hàng online ra đời, càng làm cho hoạt động của thị trường mỹ phẩm thêm bùng nổ. Tuy nhiên, sự phát triển nóng này đã khiến cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng chóng mặt, mà hệ lụy không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Chỉ 0,38 giây sau enter tìm kiếm cụm từ “mỹ phẩm” trên Google đã có khoảng 187.000.000 kết quả được hiển thị, nào là: Shop mỹ phẩm uy tín; thế giới mỹ phẩm; mỹ phẩm chính hãng; mỹ phẩm nhập khẩu cao cấp; mỹ phẩm thiên nhiên… với những dòng quảng cáo, giới thiệu công năng, tác dụng “có cánh” cùng các chế độ khuyến mại, hỗ trợ người tiêu dùng đặt mua, vận chuyển miễn phí tận nhà… đầy hấp dẫn.

Khủng khiếp hơn, chỉ sau 0,34 giây khi lệnh tìm kiếm cụm từ “mỹ phẩm giả” được đưa ra, Google cho ra tới 126.000.000 kết quả với rất nhiều báo động thị trường, cảnh báo tác hại, hướng dẫn nhận diện hàng kém chất lượng, hàng giả… hay lực lượng chức năng phát hiện vụ này, xử lý vụ kia…

my-pham-kem-chat-luong-ngay-cang-banh-truong-gay-nhieu-he-luy-cho-suc-khoe

Tình trạng buôn bán, sản xuất mỹ phẩm giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Theo khảo sát, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng và sức hút. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển với dư địa thị trường còn khá lớn không chỉ đưa đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng ngày càng phức tạp, làm méo mó thị trường, gây tổn hại đến sức khỏe, thiệt hại về tài chính cho người tiêu dùng.

Theo báo cáo mới đây của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về kết quả thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, cho thấy, chỉ riêng năm 2022, các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 1618 vụ vi phạm (buôn bán kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả) thuộc nhóm hàng mỹ phẩm, tuy có giảm 12% về số vụ so với cùng kỳ năm trước, song Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có nhóm mặt hàng là mỹ phẩm đã thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động trên tất cả các các tuyến biên giới đất liền, vùng biển cũng như địa bàn nội địa.

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng nói trên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, trước hết do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thuộc nhóm hàng mỹ phẩm ngày càng cao, tâm lý sính hàng ngoại, ham giá rẻ trong khi khả năng phân biệt hàng thật hàng giả của người tiêu dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, với xu hướng tất yếu của thương mại điện tử, có sự tham gia đa dạng của chủ thể, đối tượng tương tác, các nền tảng điện tử, trang cá nhân, biên độ, phạm vi tác động rộng với độ phức tạp, linh hoạt của nó đang gây nên nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận và hàng giả trong đó có nhóm mặt hàng mỹ phẩm.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân đến từ sự thiếu đồng bộ, còn thiếu tính ổn định, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe phòng ngừa của hệ thống văn bản pháp luật. Đặc biệt, một hạn chế rất lớn trong công tác quản lý được Ban chỉ đạo 89 quốc gia chỉ ra là, công tác giám định, kiểm nghiệm, việc lấy mẫu mỹ phẩm đi kiểm nghiệm, thời gian gửi mẫu đến khi nhận kết quả thử nghiệm ở các trung tâm phân tích mẫu kéo dài thời gian lâu dẫn đến hết thời gian xử lý vi phạm; một số chỉ tiêu chất lượng cơ bản chính trong mỹ phẩm, các trung tâm phân tích được chỉ định tại Thành phố Hồ Chí Minh không phân tích được dẫn đến không đánh giá đúng chất lượng của mỹ phẩm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM – bổ sung thêm, mỹ phẩm giả gia tăng trên thị trường một phần cũng là do sự “tiếp tay” của người tiêu dùng, bởi các loại hàng hóa này rất đa dạng về mẫu mã, giá cả cực kỳ “tốt”, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Hơn thế, hầu hết hàng hóa kém chất lượng trên đều được quảng cáo là hàng chính hãng, xách tay do người thân, bạn bè của người bán mua về nên mới có giá rẻ, muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều thì giá lại càng được giảm sâu hơn.

Lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này là cực kỳ “khủng” cho nên các đối tượng dù biết hành vi trên là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp thực hiện để thu lợi. Do công tác quản lý mặt hàng mỹ phẩm còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Đặc biệt hiện nay với sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh hàng online trên mạng, các nền tảng thương mại điện tử như hiện nay tiếp tục khiến tình hình quản lý của cơ quan chức năng càng khó kiểm soát...

Nguy hại từ mỹ phẩm kém chất lượng

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm là sản phẩm thường được sử dụng trực tiếp trên da, do vậy, nếu chất lượng kém sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể người dùng. Thậm chí kể cả khi sử dụng những sản phẩm tốt, chính hãng, người dùng vẫn có thể bị dị ứng do cơ địa. Còn đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng hay hàng giả, hàng nhái thì hậu quả càng nguy hiểm hơn rất nhiều vì có thể gây những tổn thương da nghiêm trọng như nổi ban đỏ, mụn, làm thoái hóa da,...

Cùng với đó, việc chữa trị sẽ rất tốn kém và cần thời gian lâu dài. Vì thế, đã xảy ra không ít trường hợp éo le khi những món quà đắt tiền và ý nghĩa lại biến thành “thuốc độc”.

Trước tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được rao bán tràn lan trên mạng như hiện nay, các chuyên gia về mua sắm khuyến cáo, khi mua hàng, người mua cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ và chỉ nên mua tại các địa chỉ có uy tín. Bên cạnh đó, phải hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước khi mua cũng như kiểm tra cẩn thận khi nhận. Tuyệt đối đừng vì ham khuyến mại, giá rẻ mà “tiền mất tật mang”.

Trong trường hợp mua và sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng và không may có dấu hiệu mắc bệnh về da liễu như ngứa, mẩn đỏ, nổi ban,... theo lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân không nên tự điều trị vì có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng gây tình trạng bệnh nặng hơn. Thay vì đó, cần đến ngay các cơ sở y tế có uy tín để được hỗ trợ đúng chuyên môn, tuyệt đối không nên tự trấn an bản thân rằng do mới sử dụng chưa quen để tiếp tục sử dụng sản phẩm, vì có thể dễ dàng khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Gia tăng chế tài, siết chặt quản lý

Theo quy định mỹ phẩm là loại hàng hóa được Bộ Y tế quản lý và phân cấp theo hướng: Mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam được công bố ở Cục Quản lý Dược, mỹ phẩm trong nước do Sở Y tế quản lý. Với cơ chế khá thông thoáng trong quản lý mỹ phẩm hiện nay cũng bộc lộ những mặt trái, bất cập. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện những sai phạm.

Đồng tình với đánh giá trên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh thêm: “Chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện sản xuất hàng giả, kém chất lượng, trong đó có nhóm hàng mỹ phẩm”.

“Yêu cầu về đăng ký “Bản công bố sản phẩm” là phù hợp và cần thiết đối với nhu cầu thực tiễn” – Luật sư Hậu nhận định và cho rằng, tình trạng mỹ phẩm, thực phẩm kém chất lượng mất kiểm soát trên thị trường hiện nay không phải do nguyên nhân vì quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm mà là do chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình này cố tình thực hiện hành vi gian dối, không tuân thủ quy định pháp luật và sẵn sàng thực hiện các hành vi gây thiệt đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác chỉ vì lợi nhuận.

Đưa ra khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, ngặn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, hầu hết ý kiến của các chuyên gia cho rằng, trước hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát ngăn chặn, đồng thời có cảnh báo sớm đến người tiêu dùng các tổ chức, doanh nghiệp, các thương hiệu mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân không tiếp tay cho nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, nhái.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, cần ứng dụng công nghệ tem chống giả, truyền thông trên wesite về vấn đề hàng giả, chia sẻ cho khách hàng nhận biết rõ hàng của đơn vị mình nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của cả doanh nghiệp và khách hàng.

Theo đó, người mua phải mỹ phẩm giả có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh mỹ phẩm họ mua là giả. Do đó, người mua nên giữ nguyên hiện trạng, chụp lại ảnh mỹ phẩm giả; Giữ gìn giấy bảo hành, hóa đơn mua hàng và các chứng từ khác liên quan tới việc mua sản phẩm. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, mỹ phẩm gây hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng (gây ngộ độc, gây thương tích..); giữ lại các chứng cứ chứng minh thiệt hại như: phiếu chuẩn đoán của bệnh viện, viện phí, đơn thuốc,… (nếu có). Như vậy, khi có căn cứ chứng minh mua phải mỹ phẩm giả, gây thiệt hại cho bản thân và gia đình. Người mua có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả đến tòa án có thẩm quyền hoặc trọng tài để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Cần có sự thay đổi, điều chỉnh theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có tính răn đe, phù hợp đối với sự “bành trướng” của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung, mỹ phẩm nói riêng như hiện nay.

Theo VietQ