Cuộc điện thoại lúc nửa đêm

Chị lặng người khi nghe từ đầu dây bên kia giọng anh lè nhè không còn rõ tiếng: "Em cứ ngủ trước đi, đừng chờ anh, anh say quá rồi, đêm nay anh phải ngủ lại cơ quan..."

Cố hết sức lấy lại thăng bằng, chị nói với anh bằng giọng đầy lo lắng nhưng vẫn nhẹ nhàng và tình cảm:

-Ngoài trời mưa lớn lắm, lại lạnh nữa, anh cứ ở lại cơ quan rồi sáng mai về với mẹ con em. Đường khuya vắng vẻ, anh đang say không làm chủ được tay lái, nguy hiểm lắm. Con rất ngoan, nó đã ngủ được một giấc rồi, anh cứ yên tâm, không phải lo lắng cho mẹ con em đâu! Thôi! Em cúp máy đây!

Ôm con trở về phòng nằm, chị không sao chợp mắt được, nỗi đau làm chị nghèn nghẹn nơi cổ họng, chị nuốt nước mắt vào trong để tránh gây tiếng động sợ làm cu Bi thức giấc. Lúc gọi điện thoại cho anh, chị nghe rất rõ có cả tiếng của một người đàn bà nào đó, riêng điều này thì chị không thể nào nhầm lẫn được. Cảm giác bị phản bội, bị lừa dối làm chị muốn ngạt thở. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy vào tim, vào óc chị: Chẳng lẽ anh đã phản bội chị để đi với người đàn bà khác? Hay vì quá chén nên anh đã không làm chủ được bản thân?...

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm

Sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm, chị luôn day dứt về hạnh phúc mình đang có.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Chị nhớ lại những ngày vợ chồng mới cưới nhau, anh chị đều chưa có công việc ổn định nhưng hai người sống rất hạnh phúc. Anh là kỹ sư tin học, tuy chưa xin được mọt công việc ổn định nhưng những buổi dạy thêm ở Trung tâm cũng giúp anh có thêm thu nhập. Chị cũng chắt chiu từ số tiền nhuận bút ít ỏi để bớt gánh nặng cho anh. Ngày cu Bi chào đời, anh chị vui mừng đến trào nước mắt. Thương con, muốn con có được những thứ mà những đứa trẻ khác cũng có, anh làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa máy vi tính. Mỗi lần nhận tiền công, anh đều đưa cả cho chị để mua sữa và quần áo cho con. Nhìn thấy chị xanh xao, gầy gò, anh càng thôi thúc quyết tâm đi tìm việc làm. Cuối cùng, anh cũng đã thực hiện được mơ ước của mình.

Từ khi có công việc mới với thu nhập cao, anh không còn trở về với mẹ con chị sau mỗi buổi chiều hết giờ làm nữa. Những cuộc vui bạn bè, những bữa tiệc tùng với sếp và những chuyến công tác dài ngày... đã cuốn hút anh, khiến anh càng ngày càng xa chị. Thời gian đầu, anh còn gọi điện báo cho chị biết rằng anh bận việc cơ quan không về ăn cơm với mẹ con chị được, lâu dần, anh quên cả thói quen gọi điện cho chị. Nhiều đêm, anh gọi cửa khi cả khu phố đã chìm vào giấc ngủ, nhìn dáng vẻ xộc xệch và những bước đi xiêu vẹo của chồng, chị lặng lẽ thở dài rồi trở về phòng. Có lần, chị lựa lời nói với anh:

-Anh đã có vợ, có con nên không thể tự do phóng túng như chú Dũng, chú Long cùng phòng được. Con còn nhỏ, anh nên về sớm một chút kẻo con lại khóc đòi bố. Em thấy anh thay đổi quá nhiều, giờ đây, với anh, hình như em và con đã không còn quan trọng nữa nên hết giờ làm ở cơ quan, anh thường không về nhà ngay với mẹ con em?!

- Em toàn suy diễn rồi nghi ngờ anh, hay là em muốn anh nghỉ việc suốt ngày ở nhà với hai mẹ con? Anh phải bù đầu với công việc, lo quan hệ với sếp để mong có thể thăng tiến để hai mẹ con em có thể sống một cuộc sống sung sướng, làm người đàn ông là phải lo những việc “đại sự” chứ cứ hết giờ làm chỉ biết về nhà giúp vợ nấu cơm, giặt giũ, lau nhà... thì còn ra gì nữa.

-Em không cần tiền của anh, không có những đồng tiền ấy, hai mẹ con em cũng vẫn sống được. Điều làm em buồn nhất là anh đã không còn là anh như ngày xưa nữa rồi...

Bỏ lửng câu nói, chị quay mặt đi nơi khác, giấu những giọt nước mắt đang lã chã rơi xuống má. Từ lâu rồi, chị không còn nhận được từ anh những lời động viên, chia sẻ mỗi khi ốm đau, không biết đến những bông hoa thay cho lời chúc mừng vào ngày phụ nữ Việt Nam, ngày sinh nhật, ngày lễ tình nhân... Anh trở nên dửng dưng với chuyện đối nội, đối ngoại của gia đình. Hôm nọ, cậu út em của chị cưới vợ, anh cũng điện thoại về nhà chúc mừng rồi lấy lý do bận công tác nên không về dự đám cưới được. Thế là, chị phải thuê taxi đưa hai mẹ con về quê.

Mỗi lần có ai hỏi: “Anh Cường không về cùng chị à? Lâu lắm rồi không thấy anh ấy về thăm quê, chắc anh còn bận công tác?...” chị cảm thấy tủi thân muốn khóc. Ngày mới cưới nhau không có tuần nào anh không chở chị về quê thăm bố mẹ và anh em họ hàng. Ai cũng khen chị thật hạnh phúc khi có chồng là người thành phố chính gốc, có học thức, hết mực yêu vợ và cư xử có hiếu với bên ngoại. Giờ đây, thay vì những lần chở chị và cu Bi về quê, anh đưa cho chị một xấp tiền, gọi taxi cho hai mẹ con, gọi một cú điện thoại về hỏi thăm bố mẹ và em bên ngoại, thế là xong “bổn phận” làm con trong gia đình.

Chiều nay, cu Bi đi tiêm phòng về sốt rất cao, chị gọi điện thoại nói anh về nhà gấp nhưng anh còn bận tiếp khách. Ngồi ôm con, cứ vài phút chị lại cặp nhiệt độ xem con có hạ sốt không. Chị mừng mỗi khi nghe tiếng xe máy nhưng rồi lại thở dài khi đó không phải là tiếng xe máy quen thuộc của anh. Trong đầu chị bao nhiêu câu hỏi đang giằng xé: “Đã mười hai giờ đêm, sao anh vẫn chưa về? Hay có chuyện gì xảy ra với anh?...”.

Ba giờ sáng, có tiếng gọi cửa làm chị giật mình. Anh đã về với mẹ con chị trong bộ dạng say mềm. Nhìn anh bước những bước xiêu vẹo đi vào phòng ngủ, chị cảm thấy buồn đến khó tả. Chị vẫn yêu anh như ngày nào nhưng anh đã làm cho chị bị tổn thương. Chị biết, xưa nay anh vẫn không có tính “trăng hoa”, chắc chắn anh không muốn đánh mất đi cái hạnh phúc mà anh đang có, một người vợ dịu dàng hết mực yêu chồng, một đứa con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn.

Đàn ông, ít ai tránh được những phút xao lòng... nhất là khi anh lại có quá nhiều lợi thế, anh đẹp trai, lịch lãm, có học thức và địa vị trong xã hội. Chị thầm nghĩ, chị sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của anh, hàn gắn lại vết rạn nứt trong tình cảm giữa anh và chị mặc dù chị biết để làm được điều đó quả thật không dễ dàng gì. Chị đắp chăn cho cu Bi rồi nằm sát bên anh. Sau bao nhiêu sóng gió, chị cảm nhận được hạnh phúc với chị thật sự là thiêng liêng.

Theo Gia đình Việt Nam