Vụ vay với lãi suất 27%: Người lính vay tiền vì bạo bệnh

Tìm được người hiến “thận” nhưng không có tiền để chi phí cho ca phẫu thuật cấy ghép, một người lính đành “cắn răng” vay ngân hàng với lãi suất “cắt cổ” để chữa bệnh khi cùng đường.

Hoàn cảnh khó khăn của người vay với lãi suất 27%/ 1 năm

Liên quan đến gói vay tín dụng cá nhân (bảng kê khai lương của người vay) với lãi suất lên tới 27%/1 năm mà anh Nguyễn Trọng T. (SN 1976, Hà Nội) đã ký kết “hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ” với ngân hàng VPBank, chi nhánh Thăng Long mang số 1840053 với khoản vay lên 110.000.000 (một trăm mười triệu đồng chẵn), do bà Lê Thị Hòa, phó Giám đốc chi nhánh ký.

Tìm hiểu thông tin về anh Nguyễn Trọng T, PV được biết anh T hiện đang công tác tại Trung đoàn Không quân 916 anh hùng đóng trên địa bàn TP. Hà Nội. Đã gần 20 năm trong quân ngũ, đối với anh đó là quãng thời gian đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng là quãng thời gian tự hào nhất.

Anh T vui mừng trên giường bệnh khi biết tin có người hiến

Anh T vui mừng trên giường bệnh khi biết tin có người hiến "thận".

Trao đổi qua điện thoại với PV, anh T. chia sẻ: “Cha mẹ anh qua đời sớm nên trách nhiệm với gia đình ngày càng lớn. Và bệnh tật bất ngờ đến với anh cách đây 4 năm, đây là lúc anh phải đối mặt với những khó khăn vất vả nhất. Anh cũng cho biết, gần 4 năm mắc bệnh thì dễ đến 2 năm gần đây anh “có hộ khẩu thường trú ở viện” nhưng điều đó chưa bao giờ khiến anh nản chí.

Nhưng chuyện đau lòng hơn là từ khi anh mắc bệnh cho đến nay thì ngay cả người vợ đã đầu kề, vai ấp cũng đã bỏ anh đi và không còn quan tâm đến anh nữa. Hiện tại anh chỉ biết lấy nguồn vui mỗi khi ai đó nhắc đến đứa con trai 4 tuổi. “đối với tôi vợ dù sao cũng đã bỏ đi rồi, nhưng đối với con trai thì giờ cháu là tất cả” anh T buồn rầu chia sẻ.

Trong lúc lo lắng về số phận của bản thân, vận may cũng đã mỉm cười với anh khi có người tình nguyện hiến thận. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, anh T. giật mình khi nghĩ về khoản tiền phẫu thuật lên tới hàng trăm triệu đồng biết lấy ở đâu ra trong khi hoàn cảnh gia đình thì khó khăn.

Sau nhiều lần tìm hiểu và liên hệ với một số ngân hàng nhưng đã bị từ chối không “giải ngân” khi biết anh T đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Cực chẳng đã, anh đành liên hệ với nhân viên tín dụng của ngân hàng VPBank để vay khoản tín dụng cá nhân (bảng kê khai lương của người vay) với số tiền là 110 triệu đồng để tiến hành ca phẫu thuật ghép thận.

“Hiện nay anh đã về quê ở Thái Bình để nghỉ ngơi, chữa bệnh và anh cũng rất mong muốn sẽ sớm khỏi bệnh để trở về đơn vị tiếp tục công việc của mình”, anh T. hào hứng chia sẻ.

Dẫu bệnh tật đã phần nào được chữa khỏi nhưng điều mà PV còn băn khoăn với khoản vay là 110 triệu đồng mà anh vay của ngân hàng VPBank với lãi suất lên tới 27%/1 năm thì đối với một người lính thì không hề nhỏ trong khi anh còn phải chăm đứa con trai của mình cũng chi phí sinh hoạt và tiền thuốc thang.

Cung cấp tin cho báo chí, khách hàng “đặc biệt” bị VPBank trách móc?

Nói về khoản vay tín dụng, anh T. cũng nói thêm: “Lúc đầu bạn Vân có đòi hỏi 2 triệu để hoàn thiện hồ sơ vay tín dụng cá nhân nhưng hoàn cảnh của anh đang khó khăn nên bạn Vân giảm xuống còn 1,8 triệu đồng, số tiền này được ngân hàng VPBank trừ trực tiếp khi giải ngân khoản vay 110 triệu đồng của anh”.

Anh T. cũng cho biết: “ sau khi báo chí viết về trường hợp của tôi, cách đây 2 hôm thì ngân hàng VPBank có cử một đoàn khoảng 13 người, đại diện cho ngân hàng đã về để gặp gỡ gia đình khiến anh rất xúc động và đại diện ngân hàng cũng có chút quà gửi đến anh, mong muốn anh sớm khỏi bệnh. Ngân hàng VPBank cũng cho biết, đối với trường hợp anh là cán bộ thuộc ngành lực lượng vũ trang và có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi (ngân hàng VPBank) sẽ có đề xuất với cấp trên về việc giảm lãi suất xuống 0%/1 năm”.

Đi cùng trong chuyến đi này anh T cho biết, còn có một người tên Vân ( người đã làm hồ sơ vay tín dụng cá nhân giúp anh vay của ngân hàng VPBank), khi gặp tôi người này có đưa cho lại tôi số tiền gần 1,8 triệu đồng (khoản tiền chi phí để bạn Vân làm hồ sơ vay, nằm trong số tiền 5 triệu mà anh không nhận đủ sau khi giải ngân).

Anh T cũng chia sẻ: “Sau hôm phái đoàn đến thăm tôi, thì bạn Vân hiện không còn làm tại ngân hàng này nữa, đại diện VPBank là bà Hòa người ký giao dịch với tôi suốt ngày gọi điện trách móc tôi vì đã chia sẻ thông tin với báo chí về việc thiếu 5 triệu đồng khi giải ngân”.

Tuy nhiên, về khoản tiền phải đóng bảo hiểm theo giấy ủy nhiệm chi mà ngân hàng cung cấp cho PV, anh T cho hay: “về khoản chi để mua bảo hiểm, tôi không biết là mua bảo hiểm gì, chỉ nghe họ (ngân hàng VPBank) nói đây là phí rủi ro”!?

Sau cuộc trao đổi với anh T., điều mà PV chúng tôi không khỏi thắc mắc “phải chăng ngân hàng VPBank đã tự ý dùng tiền của khách hàng thông qua việc “Ủy nhiệm chi” để mua bảo hiểm (không nêu rõ nội dung loại bảo hiểm).

Không rõ việc mua bảo hiểm này có mang lại lợi ích cho khách hàng hay không? Hay gói bảo hiểm này sẽ có lợi ích cho chính ngân hàng do khách hàng trả tiền.

Theo Thanh Sơn (NDT)