U men xương hàm: U lành nhưng hiểm

Tuy lành tính, nhưng u men xương hàm là căn bệnh đáng sợ bởi hay tái phát, đồng thời phá hủy rất dữ dội: "ăn" mất răng và cả xương hàm...

Mất xương hàm vì răng cấm mọc lệch 

Mắc bệnh u men xương hàm từ khi 19 tuổi, chị Trần Ngọc A. (công nhân công ty may Lecien, 34 tuổi), đã trải qua 10 ca mổ ở nhiều bệnh viện (BV) với gương mặt dần bị biến dạng.

Chị A. kể, lúc đầu chị thấy răng cấm hàm trái bị lệch, sưng nướu và sưng cả mặt nên mua thuốc trị đau răng uống thời gian dài vẫn không hết. Thuốc Tây không hợp, chị chuyển qua nhờ thầy lang “phán”, bệnh càng tăng nặng.

Tại BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, các bác sĩ (BS) chẩn đoán chị bị bướu nguyên bào tạo men (còn gọi là u men răng). Chị được phẫu thuật khoét khối u và nhổ răng vì khối u xâm lấn vào các răng lân cận.

Chỉ tám tháng sau, bệnh tái phát, lại phải cắt bỏ u và nhổ răng. 23 tuổi, răng hàm dưới của cô gái trẻ chỉ còn vài chiếc, chỉ ăn được thức ăn ninh nhừ. Đến lần mổ thứ 10 (ngày 19/11/2015), A. đã phải cắt bỏ toàn bộ xương hàm và cằm.

Người có “thâm niên” chống chịu bệnh với thời gian gấp đôi chị A., hiện đang điều trị tại BV Răng Hàm Mặt TP.HCM là bà Trịnh Thị L. - 67 tuổi ở Q.Tân Bình. Gương mặt đã bị biến dạng: lệch một bên và mất cằm nên nụ cười của bà trở nên méo mó. Bà L. thở dài: “30 năm nay, tôi lấy BV làm nhà, bệnh tái phát 20 lần, đi mổ như đi chợ”.

Bà L. cho biết, năm 1985, bà phát hiện một cục u mềm, không đau, kích thước bằng hạt đậu ở hàm dưới bên phải và răng bị lệch nên đến BV khám. BS kết luận bị u men răng và bà nhớ mãi lời BS: “Bệnh này không chết, nhưng tái phát liên tục, phải đi BV suốt đời”.

Bà được phẫu thuật và nạo bỏ ba răng vì khối u xâm lấn. Bốn năm sau, bệnh tái phát lần thứ nhất, chẳng đau nhức, nhưng răng lung lay, nướu mềm nhũn. Lại nhập viện nạo hết hàm răng dưới. Nhiều lần phẫu thuật, bà bị đoạn hết xương hàm, cằm nhưng khối u vẫn mọc và 15 năm qua, bà toàn phải ăn thức ăn xay nhuyễn.

Gần đây, khối u xâm lấn vào cả mô mềm, tái phát không chỉ một điểm như trước mà ở ba vị trí. “Tôi đã đi nhiều BV, mổ gần 20 lần vẫn không hết, giờ đành chấp nhận chung sống với lũ” - bà L. nói.

Tầm soát để phát hiện bệnh sớm

Theo BS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, u men xương hàm là bệnh lý khá phổ biến, gặp từ người già cho đến trẻ em vài tuổi. Có tháng, nơi đây tiếp nhận 20-30 trường hợp đến điều trị, hầu hết bệnh nhân (BN) đều phát hiện bệnh khi khối u đã xâm lấn, gây lệch răng, sưng mặt, lệch mặt.

Tuy bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, nhưng rất khó phát hiện vì phát triển rất âm thầm, không gây đau nhức, khó chịu, BN vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường cho đến khi bệnh chuyển nặng: phá hủy xương và gây biến dạng mặt.

Bệnh không có hoặc rất ít dấu hiệu ban đầu để nhận biết, nhưng những triệu chứng có thể nghĩ tới bệnh lý này là: răng bị xô lệch, răng cấm không mọc, mọc chậm, mặt bị biến dạng. U men trong xương hàm có hai dạng: đơn nang (khả năng tái phát thấp) và đa nang (khả năng tái phát cao), là thể u lành, tuy nhiên một số trường hợp có thể hóa ác. 

Nguyên nhân: một số thành phần, tế bào men răng phát triển bất thường trong quá trình tạo răng nên sinh ra khối u. Cách điều trị bệnh lý này hiện nay là phẫu thuật.

Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật khoét khối u hay khâu lộn túi, có thể bảo toàn được các răng không liên quan. Trong trường hợp khối u đã xâm lấn, phá hủy xương hàm, phải cắt bỏ một đoạn hoặc toàn bộ xương hàm. Tuy nhiên, việc điều trị còn phụ thuộc vào tính năng thẩm mỹ cho BN.

Với những trường hợp bị nặng, khối u tái phát nhiều lần, “nhảy” từ nơi này sang nơi khác, sau khi đoạn xương hàm, BN được lắp một chiếc nẹp tái tạo. Khi khối u xâm lấn đến vùng khớp thái dương hàm, BN được tháo khớp rồi tái tạo bằng sụn sườn. Sau một thời gian ổn định, BN được ghép xương hàm từ xương tự thân.

Vì bệnh không có dấu hiệu đặc trưng và khó phòng ngừa, nên cách tốt nhất là cần tầm soát thường xuyên, nên kiểm tra răng định kỳ sáu tháng/lần và yêu cầu chụp phim, vì chỉ có chụp X-quang toàn bộ xương hàm mới phát hiện bệnh lý này ở giai đoạn sớm. Đặc biệt, những người sau 20 tuổi mà chưa mọc răng cấm hoặc răng bị mọc lệch cũng nên đi tầm soát căn bệnh này.

Theo Thùy Dương (PNO)