Trước Tết, mẹ cần dạy trẻ những điều này



Những chuyện nhỏ như xin phép bố mẹ ra sao khi muốn ăn bánh, kẹo được đặt trong khay cũng là điều phụ huynh cần quan tâm.

Trước Tết, mẹ cần dạy trẻ những điều này

Ngày Tết không chỉ là lúc vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là dịp tốt để bố mẹ dạy trẻ cách cư xử. Đây là thời điểm bé học được nhiều điều bởi thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với mọi người. Để tránh tình trạng “muối mặt” vì con hư, thiếu lễ phép, phụ huynh nên lưu ý dạy trẻ những qui tắc ứng xử này:

Dạy trẻ nói lời chúc Tết

Rất nhiều trẻ khi đi chúc Tết cùng bố mẹ chỉ biết chào và không biết phải chúc Tết thế nào. Thực ra, đây chỉ là kỹ năng giao tiếp mà cha mẹ hoàn toàn có thể dạy con cái. Nếu trẻ nhát, rụt rè khi gặp người lạ, mẹ có thể từ từ hướng dẫn cho bé quen dần với phản xạ giao tiếp nhưng nếu đó là thói quen của trẻ thì mẹ cần tập cho trẻ biết cách nói lời chúc Tết.

Trước khi đến nhà ai đó, cha mẹ nên soạn sẵn cho con lời chúc rồi cho con tập nói trước khi đi. Dần dần, con sẽ biết với người già, với vợ chồng mới cưới hay với các anh các chị thì cần những lời chúc thế nào cho phù hợp. Ví dụ “Cháu chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, em chúc anh chị sang năm học giỏi, cháu chúc cô chú khỏe mạnh, hạnh phúc…”.

Những lời chúc tuy chỉ là lời nói rất ngắn gọn và súc tích nhưng nếu mẹ quan sát mẹ sẽ thấy người lớn rất chú ý và rất vui khi nhận lời chúc từ một cô bé, cậu bé, bởi sự hồn  nhiên, trong sáng và cả tình cảm chứa đựng trong đó nữa.

Phép lịch sự khi nhận quà và lì xì

Một trong những lý do để trẻ thích Tết đó chính là được nhận quà và lì xì. Người lớn thường mong con, cháu mình khỏe mạnh, học giỏi, và với số tiền may mắn đầu năm này, trẻ sẽ có thêm tiền mua sách vở phục vụ cho học tập. Tuy nhiên, một số trẻ sống quá thực dụng và coi trọng vật chất. Khi được người lớn lì xì là mở bao luôn và bĩu mỗi: “Sao ít thế?”. Có trẻ được tặng sách lại hậm hực: “Đã bảo thích siêu nhân rồi thế mà lại đi mua sách, con chả thích đâu”…

Đây chính là lỗi giáo dục từ việc gia đình chưa dạy con biết giá trị của quà tặng. Mỗi một món quà đều chứa đựng một lời chúc thành công và may mắn, món quà đó có thể ngay tại thời điểm này, con bạn chưa cần đến hoặc không thích nhưng đó là tình cảm mà người tặng, người lớn tuổi hơn con mình trao, thì việc yêu mến món quà đó, cũng như cảm thấy hạnh phúc khi được tặng quà, được quan tâm là điều trẻ cần phải biết và tôn trọng.

Giá trị của vật chất không thể quy đổi thành tiền bạc - đó là bài học về tình yêu thương mà cha mẹ nên dạy con khi con còn nhỏ.

Cha mẹ giải thích với con rằng bao lì xì là để chúc con may mắn, hay ăn chóng lớn. Con không nên mở ra xem ngay lúc ấy, cũng không nên khen chê nhiều ít. Cách tốt nhất là con chúc Tết, cám ơn và cất bao lì xì vào túi rồi đi chơi ngoan. Để thuận tiện, tôi hay chuẩn bị cho con một chiếc túi để cất bao lì xì riêng của mình vào và không cấm nghịch ngợm, hay rút ra đếm xem trước mặt khách.

Lễ phép trên bàn ăn

Tập cho con sử dụng thuần thục muỗng đũa nếu bé đã đủ lớn. Hoặc hướng dẫn con ngồi ngoan để mẹ dễ dàng đút cho bé ăn. Tuổi này trẻ rất thiếu kiên nhẫn nên mẹ cần cho bé ăn nhanh, sau đó rời bàn tiệc chứ đừng để trẻ ngồi suốt buổi. Nên hướng dẫn bé các tác phong như ngồi, ăn uống nhẹ nhàng, ho phải che miệng… Nên phối hợp với cô giáo ở trường để bé được thuần thục hơn.

Hầu hết ngày Tết, chủ nhà thường giữ khách lại để cùng ăn cơm với gia đình. Người lớn có thể nhâm nhi chén rượu hoặc uống cốc bia vui xuân, nhưng trẻ em vốn phản xạ theo tự nhiên, khi đã ăn no rồi, trẻ sẽ nhất quyết từ chối. Có trẻ sẽ quậy phá trong bữa cơm, có trẻ sẽ ngồi im nhìn mọi người bằng khuôn mặt khá phụng phịu.

Cách giải quyết tốt nhất cho tình huống này chính là bố mẹ chủ động mang theo trò chơi cho bé chơi hoặc cho con ra xem ti vi, ngồi đợi bố mẹ.

Đối với trẻ ăn ngậm, ăn chậm hoặc lười ăn, bạn có thể cho con ăn ít, về nhà ăn tiếp. Không nên ép con ăn, nhất là khi mình là khách đến chơi.

Dạy con biết im lặng khi người lớn nói chuyện

Sẽ vô cùng phản cảm khi cha mẹ và khách đang nói chuyện, trẻ lại hóng hớt và nói theo vào. Vì vậy, cha mẹ cần phải dạy con tuyệt đối giữ im lặng khi người lớn nói chuyện. Trẻ có thể ra ngoài hoặc chơi cùng những đứa trẻ khác để không ảnh hưởng tới cuộc nói chuyện của người lớn.

Dạy trẻ hiểu ý nghĩa của ngày Tết

Phần đa trẻ em Việt Nam thích ngày Tết vì được nhận quà và lì xì cũng giống như trẻ em phương Tây thích Giáng sinh vì được ông già Noel tặng quà. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con hiểu được ý nghĩa của ngày Tết.

Tết cổ truyền của nước ta khác với Tết dương lịch như một số nước, nó mang đặc trưng văn hóa phương Đông và tín ngưỡng tôn giáo người Việt. Chính vì thế, ngày Tết cổ truyền không chỉ là khoảnh khắc giao thời giữa trời và đất mà còn là dịp để gia đình đoàn tụ, cha mẹ và con cái gần gũi nhau, yêu thương nhau nhiều hơn. Các em được cùng cha mẹ đến thăm bà con, hàng xóm, anh chị em xa gần để gắn kết mọi người lại gần hơn nữa và trao cho nhau những lời chúc an lành. Đó mới là ý nghĩa thực sự của Tết cổ truyền Việt Nam.

Các em thường náo nức mong chờ Tết đến để được tặng quà và lì xì năm mới, nhưng mỗi em lại có thái độ khác nhau khi nhận những món quà này. Dạy trẻ cách ứng xử trong ngày Tết là điều mà cha mẹ nên làm để ý nghĩa ngày Tết thêm trọn vẹn.

Theo Thanh Hải/motthegioi