TPHCM vẫn nhức nhối vấn nạn rau muống dầu nhớt, thịt có chất tạo nạc

Chiều 26/1, Thanh tra Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TPHCM về vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết nguyên đán.

TPHCM vẫn đứng trước nguy cơ thịt lợn bơm nước và chứa chất tạo nạc (ảnh minh họa)

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TPHCM, để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tết cho người dân, thành phố đã thành lập 405 đoàn kiểm tra, thanh tra. Sở Y tế đã tiến hành lấy 154 mẫu thực phẩm để giám sát, trong đó có 8 mẫu không đạt và còn một số mẫu đang chờ kết quả.

Các đoàn đã thanh kiểm tra 1.975 cơ sở, trong đó có 602 cơ sở vi phạm, xử lý phạt tiền 179 cơ sở với tổng số tiền phạt 1.060.540.081 đồng, đình chỉ 3 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với 1.835,7 kg thực phẩm các loại; số cơ sở còn lại vẫn đang tiếp tục xử lý.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, chất tạo nạc, thịt gia súc bơm nước... vẫn còn là một vấn đề nhức nhối của cơ quan chức năng. Trung bình mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 7000 - 8000 con gia súc và khoảng 80.000 gia cầm. Mùa tết, số lượng gia súc, gia cầm được tiêu thụ sẽ có thể tăng lên 2,5%. Điều đó đồng nghĩa với việc sàng lọc, kiểm tra bị “quá tải” và thực phẩm bẩn có thể “lọt lưới”, đến tay người tiêu thụ.

Chỉ từ 1/1 đến 20/1/2016, Chi cục Thú y TPHCM  đã xử lý 237 trường hợp gia súc gia cầm không đạt chuẩn, kiểm tra 117 lô heo với 365 mẫu thì phát hiện 22 mẫu heo sử dụng chất tạo nạc. Đáng lo ngại, hiện nay, người dân chăn nuôi biết cơ quan chức năng đang “nhắm” vào xử lý các hộ chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc Salbutamol nên có hướng “lách” bằng cách sử dụng chất tạo nạc khác như Dobutamine. Do đó, theo ông Thảo, Bộ Y tế cần có một chế tài để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm ngay từ đầu chứ không nên xử phạt kiểu “theo đuôi” này.

Mặc dù TPHCM không có tình trạng heo bị bơm nước nhưng nguy cơ nhập heo bơm nước từ Đồng Nai, Long An về vẫn khá lớn. Do đó, Chi cục Thú y sẽ kiểm tra nguồn gia súc nhập vào tại các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ trong thành phố để sớm phát hiện sai phạm.

Trong cuộc họp, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng thẳng thắn cho biết vẫn còn tình trạng người dân sử dụng dầu nhớt để tưới rau muống tại TPHCM. Tuy nhiên, các hộ vi phạm đa phần là những người dân ở các tỉnh khác về  đây thuê đất trồng rau, chưa được tập huấn kiến thức. Tuy nhiên, với mức phạt tối đa 500.000đ hiện nay không đủ sức răn đe. Do đó, theo bà Cúc, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với công an môi trường để cơ quan này có thể can thiệp, đưa ra mức xử phạt cao hơn với hành vi gây ô nhiễm môi trường để chấm dứt tình trạng này.

Nhằm đảm bảo ổn định giá cả và chất lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân Thành phố, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp các sở - ngành tổ chức thực hiện chương trình bình ổn thị trường, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cho cung cầu hàng hóa đợt cao điểm Tết Bính Thân 2016, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu mua sắm của người dân.

Sở Công thương đã triển khai, phổ biến, tích cực vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia đăng ký điểm bán hàng thực phẩm đạt chuẩn an toàn trên địa bàntThành phố, bước đầu triển khai đối với một số nhóm hàng thực phẩm thiết yếu (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả). Đến nay đã có 9 đơn vị đăng ký thực hiện với 285 điểm bán thực phẩm đạt chuẩn an toàn.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Thanh tra Bộ Y tế cho biết, mặc dù tại TPHCM chưa xảy ra trường hợp ngộ độc nào nhưng trước tình hình thanh, kiểm tra như trên, vấn đề an toàn thực phẩm tại thành phố vẫn cần đặc biệt quan tâm, trong đó vẫn còn nhiều cơ sở đã phát hiện ra sai phạm nhưng chưa được xử lý.

Bạch Dương (Theo Infonet)