Tin 8/11: Miền Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng; hành trình 9 ngư dân bơi cả hải lý vào bờ sau khi bị sóng dữ đánh chìm tàu

Miền Bắc đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt là thời điểm sáng sớm; hiện sức khoẻ của 9 thuyền viên tạm ổn nhưng còn yếu do đói và lạnh.

Miền Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng

tin-8-11-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-hanh-trinh-9-ngu-dan-boi-ca-hai-ly-vao-bo-sau-khi-bi-song-du-danh-chim-tau

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa ô nhiễm không khí cao điểm trong năm. Ảnh: Như Ý

Vào 6 giờ sáng 6/11, hàng chục điểm đo chất lượng không khí của mạng lưới PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), cá biệt một số điểm lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người). Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng, đến trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).

Theo bà Hà Thanh Hương, Quản lý dự án PAM Air, chất lượng không khí trung bình toàn Hà Nội gần đây đang có diễn biến xấu đi. Không khí thường ô nhiễm vào đêm muộn kéo dài đến sáng sớm, thậm chí là đến trưa ngày hôm sau. Đợt ô nhiễm này bắt đầu từ 3/11, dự báo có thể còn kéo dài cho đến hết tuần này.

Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí những ngày qua, các chuyên gia cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên quan đến khí tượng. Những ngày qua, thời tiết Hà Nội xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh không phát tán được mà đọng lại ở khu vực gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Chìm tàu do sóng dữ và hành trình 9 ngư dân bơi cả hải lý vào bờ

tin-8-11-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-hanh-trinh-9-ngu-dan-boi-ca-hai-ly-vao-bo-sau-khi-bi-song-du-danh-chim-tau

Ảnh minh hoạ

Ngày 7/11, UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận, một tàu cá bị sóng lớn đánh chìm khiến 2 ngư dân đang hành nghề trên biển mất tích.

Cụ thể, tàu cá số hiệu QNg-90499TS, công suất 444CV, dài 18,5m do anh Nguyễn Văn Nở (SN 1996, trú xã Bình Châu) làm thuyền trưởng.

Tàu xuất bến lúc 8h ngày 16/10 tại Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ hành nghề cá ở khu vực quần đảo Trường Sa, trên tàu có 11 lao động.

Đến 12h ngày 1/11, thuyền trưởng báo về gia đình việc thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, gia đình sau đó đã báo lên cơ quan chức năng.

Các thuyền viên trên tàu cố gắng khắc phục nhưng không được, thuyền trưởng di chuyển tàu đến toạ độ 45'N-114 độ 25'E để khắc phục máy giám sát hành trình.

Đến 20h ngày 1/11, tàu bị sóng lớn đánh chìm. Các thuyền viên bơi vào gò cát nổi cách tàu gặp nạn 1 hải lý.

Đến bờ, 2 thuyền viên bị mất tích gồm Trần Văn Ngoan (SN 1980, trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), Phạm Minh Sang (SN 1987, trú huyện Tuy An, Phú Yên).

9 thuyền viên còn lại ở trên gò cát nổi đến 22h ngày 5/11 thì được tàu cá QNg-90671TS phát hiện cứu vớt đưa lên tàu sơ cứu.

Hiện sức khoẻ của 9 thuyền viên tạm ổn nhưng còn yếu do đói và lạnh. Chính quyền và các tàu thuyền gần đó hiện đang tích cực tìm kiếm 2 thuyền viên mất tích còn lại.

Liên ngành Hà Nội kết luận nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây

tin-8-11-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-hanh-trinh-9-ngu-dan-boi-ca-hai-ly-vao-bo-sau-khi-bi-song-du-danh-chim-tau

Công nhân Công ty Thoát nước vớt cá chết ở Hồ Tây.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo UBND TP nguyên nhân cá chết, trôi dạt ven bờ hồ Tây. Kết quả này dựa trên thực tế và quan trắc chất lượng nước hồ Tây của liên ngành gồm Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Công ty Thoát nước Hà Nội và UBND quận Tây Hồ.

Báo cáo cho thấy, hiện tượng cá chết trên mặt hồ Tây bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng, trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.

Qua theo dõi về công tác duy trì, vận hành mực nước hồ Tây phục vụ thoát nước, hàng năm, liên ngành thành phố Hà Nội cho biết, vào khoảng các tháng 9, 10 khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết lác đác trên các hồ nội thành.

Về chất lượng nước hồ Tây, theo số liệu kết quả quan trắc tại điểm quan trắc tự động ở đường Trích Sài, thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục. Cụ thể, có dấu hiệu giảm bắt đầu từ ngày 25/9 (DO là 3,6 mg/l); ngày 26/9 là 0,46mg/l, ngày 28/9 giảm xuống còn 0. Tuy nhiên, giá trị thông số oxy hòa tan vào ngày 29/9 đạt 4,54 mg/l, ngày 6/10 đạt 6,19 mg/l.

Báo cáo kết quả quan trắc thụ động sau khi tiến hành khảo sát xung quanh hồ Tây, lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước hồ Tây tại 7 vị trí khác nhau mới đây cũng cho thấy, nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (≥ 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95- 7,64 mg/l.

Bên cạnh đó, 7/7 mẫu đều có 4/16 thông số BOD (thước đo lượng oxy cần thiết để loại bỏ các chất thải hữu ra khỏi nước trong quá trình phân hủy bởi vi khuẩn hiếu khí), COD (nhu cầu oxy hóa học), Amoni (chất khí không màu có mùi khai) xấp xỉ hoặc vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng vị trí cửa cống thông hồ Trúc Bạch có thêm thông số tổng Coliforms vượt quy chuẩn so sánh 2 lần (15.000/7.500).

Theo nhận xét sơ bộ của liên ngành TP Hà Nội, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân.

Ý kiến của Sở TNMT nêu về hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; ý kiến của Sở NN&PTNT nêu về khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo gây ra), cá bị bệnh. Hiện tượng cá chết tại hồ Tây cần có khảo sát thêm, lấy mẫu để đánh giá cụ thể hơn.

Hiện nay, Sở TNMT đang tiến hành khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng nước hồ Tây.

Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ và đánh giá tình trạng cá chết bệnh khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt đối với các hồ do thành phố quản lý.

Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp các sở theo dõi chất lượng nước các hồ của thành phố và báo cáo UBND TP khi có diễn biến bất thường.

Giữ rừng ngập mặn cho đàn chim di trú

tin-8-11-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-hanh-trinh-9-ngu-dan-boi-ca-hai-ly-vao-bo-sau-khi-bi-song-du-danh-chim-tau

Ở Khánh Hòa, những đìa nuôi thủy sản không giống những nơi khác. Cây đước bao bọc quanh đìa thậm chí, đước còn mọc giữa đìa. Người làng Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, không phải không cần mặt nước để nuôi thủy sản nhưng không vì thế mà phá rừng đước.

Lý do đơn giản, nếu không có rừng đước chở che, những ao đìa thủy sản khó mà yên ổn trong mùa bão. Hơn nữa, đìa nào có nhiều đước thì chất lượng môi trường nước hơn hẳn, thủy sản nuôi trong đìa cũng vì thế mà ít dịch bệnh. Đến lúc này, tính chung cả xã Ninh Ích, diện tích rừng đước lên đến 36 ha và đây là địa phương còn giữ được rừng ngập mặn nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này, rừng ngập mặn Ninh Ích lại là nơi của những đàn chim di trú. Có lẽ, với những đàn cò, đàn vạc này, rừng ngập mặn tựa như tổ ấm. Ở đây, chẳng ai xua đuổi hoặc săn bắt những đàn chim trời.

Rừng ngập mặn làng Tân Đảo, xã Ninh Ích lúc tắt nắng, những đàn chim trời trở về tựa như quà tặng thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có được.

Người đàn ông sụp ổ gà tử vong ở quận Bình Tân

tin-8-11-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-hanh-trinh-9-ngu-dan-boi-ca-hai-ly-vao-bo-sau-khi-bi-song-du-danh-chim-tau

Hình ảnh người đàn ông lao qua ổ gà Ảnh: cắt từ clip

Ngày 7/11, lực lượng chức năng quận Bình Tân (TP HCM) đang làm rõ vụ người đàn ông đi xe máy sụp ổ gà , tử vong.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh này.

Được biết, vụ việc xảy ra tại đường số 1 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) vào tối ngày 5/11. Theo đó, khoảng 22 giờ, người dân sống trên đoạn đường này phát hiện người đàn ông khoảng 50 tuổi sụp ổ gà, ngã xuống đường trong đêm. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.

Theo đại diện UBND phường Bình Hưng Hoà B, đơn vị đang triển khai công tác khắc phục tình trạng ổ gà trên toàn bộ tuyến đường số 1 để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo GiaDinh