Sài Gòn một giờ và 30 năm

Hôm nay, không ôtô, không xe máy, quyết định lội bộ về nhà.

sài gon đổi thay

Ảnh: Hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM

Sáu giờ chiều, rời văn phòng với bộ dạng nhân viên công sở, lưng đeo balô. Đi bộ ngược dòng đường Thi Sách – Lê Thánh Tôn. Dọc theo khu phố Nhật – Hàn, mấy em gái xinh đẹp liên tục chìa menu mời bằng những câu tiếng Nhật, tiếng Hàn (chắc vậy) khá vui tai. Có thể tại mình nhìn giống Hàn hay Nhật?! Phía trong cửa kính những chiếc bàn vuông xinh xắn đã bày sẵn chờ khách. Hoa và nến lung linh không gian bên trong thật lãng mạn.

Ra đến Tôn Đức Thắng, đường đông kịt giờ tan tầm chiều cuối tuần, nhưng lề đường rộng và thoáng nên đi bộ thật thoải mái. Sài Gòn không có mùa thu, nhưng gió mát từ bến sông Bạch Đằng thổi vào từng cơn con đường có hai hàng cây cổ thụ cao to cũng khiến người đi bộ lâng lâng xúc cảm về một mùa thu đâu đó… Và tiếc ngẩn ngơ vì Sài Gòn giờ không còn mấy con đường có cây cổ thụ như vầy, càng thiếu đường để – có thể – đi bộ.

Đến Đinh Tiên Hoàng, qua khỏi đài Truyền hình, đường hẹp lại. Có những đoạn phải khó chịu/chịu khó lách người qua đám xe máy dựng trước quán xá. Ngang qua quán càphê, một cậu nhân viên giữ xe đẹp trai và khá trẻ lịch sự dời xe để mình bước qua, không cần xuống lòng đường. Chiếc điện thoại sáng đèn trong túi áo cậu vẳng ra tiếng nhạc cải lương. Cậu ta cười bẽn lẽn khi mình nhìn cậu vài giây để xem thử cậu đang nghe gì. “Đường gươm Nguyên Bá hả em?”, mình nói. “Dạ phải, anh”. Mặt cậu bừng lên rạng rỡ. Có lẽ cậu ta khá bất ngờ và vui vì giữa Sài Gòn trong thời buổi này lại vô tình gặp ngoài đường một kẻ không đến nỗi già vẫn nói được tựa tuồng cải lương cậu đang nghe.

Đây cũng là một vở của Hoa Phượng, soạn giả cải lương “thần tượng” của mình. Hoa Phượng viết tuồng này những năm 1960, phóng tác từ câu chuyện ở xứ anh đào. Tuy vậy, giá trị nhân văn của vở không hề “quá đát”. Bài học về đạo đức làm người, tình phụ – tử, mẫu – tử, nghĩa vợ – chồng, thầy – trò, bằng – hữu, quân – thần mà vở tuồng mang lại vẫn có giá trị cho cuộc sống hôm nay, dù nó đã được viết cách đây nửa thế kỷ. Cải lương sau này tìm một tuồng nghe được đã khó chứ nói chi chuyện nghe đi nghe lại thuộc lòng mà vẫn muốn nghe nữa. Vậy mà người ta chỉ nhớ tên nghệ sĩ khi nhắc tên những vở tuồng kinh điển chứ ít ai nhắc đến tên soạn giả. Thiệt buồn.

Suy nghĩ lan man rồi cũng đến Cầu Bông. Xuôi theo Nguyễn Phi Khanh để về Tân Định. Đường này một chiều chật hẹp lại đông xe và ít quán xá cửa hàng. Lề đường cũng chật nên thả bộ không dễ chịu lắm. Nhưng không tiếc bõ công đi khi trên hàng hiên vài ngôi nhà trang trí đơn giản nhưng xinh xắn với những lu đất trồng sen bên trong rất duyên. Những cánh cổng sắt khép kín được gia chủ trang trí bằng nhiều kiểu hoa văn, màu sắc đa dạng. Cuối đường là ngã ba Thăng Long. Cái tên này chắc giờ ít người biết hay còn gọi. Sao là ngã ba khi ở đây là ngã năm nhỉ?

Đi thẳng là phía cầu Kiệu, quẹo trái là chợ Tân Định, quẹo phải ra khu văn hoá Đa Kao. Đi chếch một tí theo hướng về nhà là khu Trần Khánh Dư một thời lừng lẫy của giang hồ xóm kênh nước đen. Gần 30 năm trước, Trần Khắc Chân là con đường mình đạp xe đi học hàng ngày khi mới lên Sài Gòn ở trọ nhà ông bác. Nhà bác ở cuối đường, sâu trong hẻm, dọc kênh Nhiêu Lộc. Mỗi tháng đều phải chịu cảnh lội nước vài ngày lúc triều cường. Có hôm nước vào nhà, khi rút đi để lại bùn sình dọn rửa rất cực, chưa kể mùi hôi thối…

Mấy mươi năm rồi, đường Trần Khắc Chân vẫn còn họp chợ 24/24 nhưng có nhiều thứ đã thay đổi. Nhà bác cũng đã không còn vì phải giải toả để cải tạo kênh Nhiêu Lộc. Dọc kênh không còn bóng dáng nhà sàn mà là các thảm cỏ, cây xanh bóng mát. Nước kênh đã trong, không còn rác mà thay vào đó là hàng đàn cá bơi lội… Băng qua cầu sắt Trần Khánh Dư là trung tâm Phú Nhuận – “San Franxichlong”. Với con đường lớn Phan Xich Long dày đặc quán xá cả hai bên từ đầu đến cuối đường Hoàng Văn Thụ. Khu Rạch Miễu ở đây trước kia là các đầm lầy rau muống thì nay là “làng hoa” với các căn biệt thự xấp xỉ triệu đô với các con đường bàn cờ nội vực mang tên Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Lan…

Thêm vài bước chân rẽ vào hẻm nhỏ con đường Hoa Lan là đến ngôi nhà nhỏ yêu thương của mình. Kết thúc quãng đường đi bộ một giờ để nhớ về cả quãng đời 30 năm…

Theo Phan Thọ (TGTT)