Nỗ lực hình thành con đường nhân văn



Đường sách TPHCM vừa chính thức đi vào hoạt động chưa đến một tuần lễ. Dĩ nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá những hiệu quả, giá trị mà con đường sẽ mang lại nhưng với những gì đã diễn ra trong 1 tuần qua, có thể thấy đường sách đang đi đúng hướng.

Cuộc thử nhiệm thành công

Sáng 12-1, tức chỉ 3 ngày sau khi đường sách chính thức mở cửa, tại quán cà phê sách Phương Nam nằm trong đường sách đã diễn ra buổi giao lưu nhỏ “Trò chuyện cùng nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”. Với những người làm sách, quan tâm đến các hoạt động về sách, buổi giao lưu này có một vị trí khá đặc biệt. Không phải vì tác giả - tác phẩm đã khá nổi tiếng, mà vì buổi tọa đàm này gần như là một sự kiểm tra, đánh giá hiệu quả tổ chức sự kiện của đường sách.
 

no-luc-hinh-thanh-duong-sach-nhan-van

Một buổi giao lưu với tác giả được tổ chức tại đường sách

Từ trước đến nay, các buổi giao lưu sách tại TP được tổ chức tại một quán cà phê hay NXB, đơn vị làm sách… Nếu may mắn giao lưu đúng dịp có các sự kiện kiểu hội sách, đường sách thì mới có đông bạn đọc tham dự. Buổi giao lưu với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nếu xét về mặt thời gian rất không phù hợp, vào sáng một ngày thường, việc quảng bá trước đó cũng không nhiều nên trước giờ bắt đầu, chỉ có vỏn vẹn vài người bạn của tác giả có mặt. Nếu như trước đây, với số khách tham dự như vậy, có thể xem buổi giao lưu không thành công. Thế nhưng, chỉ vài phút sau khi người dẫn chương trình bắt đầu công việc, bạn đọc trên đường sách bắt đầu dừng lại. Và rồi khi những câu hỏi - câu trả lời của bạn đọc và tác giả đã dần tạo nên sự thu hút với sự tham gia của đông đảo người yêu sách, khiến buổi giao lưu càng lúc càng trở nên sôi nổi. Có người còn cho rằng, chỉ cần như thế này đường sách đã có thể được xem thành công rồi. Không phải ngẫu nhiên khi ngay sau đó, hàng loạt sự kiện sách chen chúc nhau để tổ chức ở đường sách. Tất cả đều là những sự kiện vừa được lên kế hoạch, bởi chỉ một tuần trước đó, nhiều người còn không hình dung nổi đường sách sẽ tồn tại như thế nào.

Nụ cười người yêu sách

Tâm sự về con đường mà mình đã góp công sức tạo nên, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ cho biết, đường sách sẽ có nhiều vai trò, có thể là một hàn thử biểu cho người làm sách để đánh giá nhu cầu của bạn đọc, cũng là nơi tạo nên một không gian hiện đại, sôi động để khuyến khích người trẻ đến với sách. Họ sẽ đến đây tìm sách, đọc sách, rồi sẽ giao lưu, trao đổi sách… 

Cùng một tâm trạng với TS Quách Thu Nguyệt, nhà báo Lê Hoàng ví von: “Thành phố mất đi một con đường vắng nhưng lại có thêm một con đường đầy tính nhân văn”. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhận định như vậy, dù còn rất mới, dù còn nhiều người chưa biết nhưng đường sách đã có một nét đẹp riêng của mình. Những gian hàng hiện đại với đầy sách thu hút người trẻ, những quầy sách cũ gợi nhớ kỷ niệm xưa giữ chân những bạn đọc lớn tuổi. Dưới những hàng cây, dù là một buổi sáng hết sức bình thường, đường sách vẫn mang lại một điều gì đó rất khó tả, đậm chất văn hóa, một không khí nhẹ nhàng của sách ngay sát sự ồn ào, náo nhiệt của một đô thị lớn. Có lẽ vì thế, dù còn rất nhiều vấn đề khó khăn nhưng gặp bất cứ người làm sách nào trên đường sách, hình ảnh chung vẫn là nụ cười phấn khởi, những kế hoạch giao lưu, giới thiệu sách được hồ hởi đưa ra.

Gian nan khởi đầu

Có thể nói, đường sách thành hình và đi vào hoạt động là một bất ngờ lớn khi toàn bộ từ ý tưởng đến khi khánh thành vỏn vẹn chỉ 8 tháng. Đó là tính cả thời gian lên kế hoạch, bàn bạc, tranh luận… Thời gian thực tế thi công chỉ chưa đầy 3 tháng. Đánh giá về quãng thời gian kỷ lục cho một đề án lớn, ông Lê Hoàng cho biết tất cả gói gọn trong hai chữ “đồng thuận”. Đó là sự đồng thuận của lãnh đạo TPHCM và những người làm sách. Không ai có thể hình dung hết những khó khăn khi thực hiện đường sách, nào là điện, nước, an ninh trật tự, sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên đường Nguyễn Văn Bình… đến những vấn đề của xây dựng, chi phí, đóng góp.

Dĩ nhiên, với một công trình lớn nhưng thời gian thành hình quá nhanh như đường sách thì không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty văn hóa Trí Việt (First News) một trong những đơn vị có nhiều hoạt động ở đường sách đã đưa ra một số góp ý như: “Hệ thống điện chiếu sáng của đường sách còn quá tối. Hệ thống này phù hợp với một phố đi bộ hơn là nơi để đọc sách nên rất nhiều bạn đọc buộc phải ngồi sát cửa các gian sách để có đủ ánh sáng đọc. Vấn đề vệ sinh cũng là một điểm trừ khi đường sách đã đi vào hoạt động nhưng lại chưa có nhà vệ sinh, khách thăm quan, nhân viên tại đường sách phải qua các trung tâm thương mại xung quanh”. Tuy nhiên, theo ban điều hành đường sách thì chỉ trong tuần này, hệ thống nhà vệ sinh của đường sách sẽ được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, cũng theo ông Phước, cần có bảng thông báo về những hoạt động của đường sách để bạn đọc có thể sắp xếp tham dự.

Hiện tại, dù chỉ là giờ thấp điểm ban ngày nhưng các bãi xe xung quanh đã hoàn toàn quá tải, gây rất nhiều khó khăn cho bạn đọc vào đường sách. Thậm chí, có nhân viên tại đường sách do không còn chỗ gửi xe đã gửi một số trung tâm thương mại gần đó với phí lên đến 10.000 đồng/giờ, hết ca làm việc đã phải thanh toán 70.000 đồng tiền gửi xe. TS Quách Thu Nguyệt nhấn mạnh một chi tiết là TPHCM trải qua hơn 300 năm phát triển luôn là một nơi đầy năng động với văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Để giữ gìn, phát triển văn hóa đọc đó, cần nhiều thứ. TP đã có hội sách, hệ thống bán sách mạnh nhất nước và nay thêm đường sách nơi duy trì thường xuyên các hoạt động về sách đầu tiên của cả nước. Do vậy, để tiếp tục hoàn thiện đường sách và duy trì lâu dài con đường nhiều ý nghĩa này, cần sự nỗ lực và chung tay của cả ban tổ chức, các đơn vị tham gia đường sách và đặc biệt là sự hưởng ứng của những người yêu sách.

Theo Tường Vy (SGGP)