Nguy cơ mất cả triệu tiền cước sau khi chuyển mạng giữ số

Khi chính sách chuyển mạng giữ số được các nhà mạng áp dụng, nếu người dùng không chú ý thì sẽ mất oan không ít tiền cước.

nguy-co-mat-ca-trieu-tien-cuoc-sau-khi-chuyen-mang-giu-so

Người dùng của nhà mạng Viettel chưa có cách nào để kiểm tra được số mình muốn gọi là nội hay ngoại mạng sau chính sách mới. (ảnh minh họa)

Chuyển mạng, giữ số được cho là chính sách mở ra cuộc chơi “sát ván” giữa các nhà mạng, tạo điều kiện cho người dùng có thể “nhảy mạng” khi mạng cũ không ưu việt.

Chính sách này mới được áp dụng và ngoài những ưu điểm thì nhược điểm làm khó người dùng đó là không thể phân biệt được số điện thoại mình sắp gọi là nội hay ngoại mạng.

Cái sự khó nhận biết ngay này không đơn thuần chỉ là rào cản về mặt hình thức mà người dùng có thể tự tay “đốt ví” mình lúc nào không hay khi thực hiện cuộc gọi đi.

Từ trước đến nay, tất cả các nhà mạng đều áp dụng chính sách “hút khách” là cho người dùng gọi nội mạng tẹt ga với giá rẻ như cho.

Người dùng chỉ cần nhớ các thông tin cơ bản như đầu 096, 097, 098… là của nhà mạng Viettel, đầu số 090, 093, 094… là của nhà mạng MobiFone sau đó dùng chính số của Viettel, MobiFone hay Vinaphone để gọi đến để tiết kiệm chi phí.

nguy-co-mat-ca-trieu-tien-cuoc-sau-khi-chuyen-mang-giu-so

Nhà mạng MobiFone có hướng dẫn muốn kiểm tra thì phải gửi tin nhắn.

Nay khi hàng chục triệu thuê bao của các nhà mạng đổi mạng giữ nguyên số thì cũng là lúc tạo ra một ma trận. Người dùng khó có thể nhận biết được số mình đang muốn gọi đến là của nhà mạng nào, cần việc, cứ gọi và ví tiền phụ thuộc vào độ “hên – xui”.

Về trường hợp nêu trên, chiều ngày hôm nay (21/11), tổng đài nhà mạng Viettel xác nhận, đơn vị này vẫn áp dụng chính sách ưu đãi khi gọi nội mạng.

Đơn cử, gói tomato nội mạng 1.590 đồng/ phút, ngoại mạng là 1.790 đồng/phút, gói economy gọi nội mạng là 1.190 đồng/phút, gọi ngoại mạng là 1.390 đồng/phút.

Và khi khách hàng băn khoăn về việc làm sao để biết số mình sắp gọi đi là nội hay ngoại mạng để chọn nhằm tiết giảm chi phí, nhân viên tổng đài nhà mạng này cho biết: “Hiện chưa có chính sách để nhận biết, chưa có thông tin, khi nào có thông tin thì Viettel sẽ thông báo cho khách hàng”.

Tương tự nhà mạng Viettel, nhà mạng MobiFone cũng ưu tiên những cuộc gọi nội mạng và có nhiều gói cước, ưu đãi. Tổng đài nhà mạng này cho biết, có một số gói cước nội mạng được nhiều người chọn như: Gói K9, giá 9.000 đồng, gọi 90 phút trong 30 ngày; Gói K90 giá 90.000 đồng, 90 phút liên mạng và miễn phí nội mạng dưới 10 phút.

Ưu việt hơn nhà mạng Viettel, ngay sau khi chính sách chuyển mạng giữ số được áp dụng, nhà mạng MobiFone đã cho người dùng kiểm tra mạng của số thuê bao bằng cách gửi tin nhắn.

Theo đó, để biết số thuê bao cần gọi của nhà mạng nào thì người dùng có thể kiểm tra bằng gửi tin nhắn theo cú pháp “STB_số thuê bao” gửi đến 901, tin nhắn này được miễn phí và chỉ các thuê bao MobiFone mới có thể gửi và nhận được tin nhắn này.

Tuy nhiên, trước mỗi cuộc gọi lại gửi một tin nhắn để kiểm tra thì khó có khách hàng nào đủ kiên trì gửi cả chục tin khi gọi cả chục cuộc/ngày.

Giống nhà mạng Viettel, khi tổng đài của nhà mạng Vinaphone nhận được thắc mắc tương tự là làm thế nào để biết được số mình sắp gọi đi thuộc mạng nào thì người hỏi nhận được một câu khen “anh hỏi vấn đề rất hay” nhưng rất tiếc nhà mạng chưa có cách nào để trả lời câu hỏi này.

Từ thông tin của các nhà mạng nêu trên cho thấy những “lỗ hổng” sau chính sách chuyển mạng giữ số đang dần phát sinh. Nếu không được giải quyết sớm, người dùng khó chuyển mạng để hưởng lợi như chính sách đề ra

Theo GiaDinh