Người chuyển giới và khoảng trống pháp lý

Mặc dù chưa được pháp luật cho phép nhưng hiện nay nhiều người đồng tính, song tính ở Việt Nam vẫn quyết định ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Việc này dẫn đến nhiều khó khăn về pháp lý, ngay cả những người trong cuộc cũng chưa chắc nhận ra.

Theo luật sư Nguyễn Duy Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trở ngại lớn nhất của người chuyển giới hiện nay là không được pháp luật thừa nhận giới tính mong muốn, ngay cả khi đã chuyển giới. Nhiều người sau khi phẫu thuật ở nước ngoài về đã phải chấp nhận trở thành “người vô hình” khi giấy tờ một đằng mà hình dáng bên ngoài lại một nẻo.

Người chuyển giới và khoảng trống pháp lý
Ca sĩ Hương Giang Idol là trường hợp chuyển giới hiếm hoi được công chúng đón nhận và có nhiều thành công trong sự nghiệp.

Việc này gây nhiều trở ngại cho họ trong vấn đề tìm kiếm việc làm, bởi rất ít doanh nghiệp muốn thuê một người có nhân thân bất nhất. Rất nhiều người chuyển giới có kiến thức, năng lực nhưng đành ngậm ngùi làm những nghề tạm bợ như hát đám ma, tạp kỹ, bán kẹo kéo... vì những vướng mắc trên giấy tờ không cho phép họ tìm đến các công việc đúng chuyên môn.

Nghịch lý này không những gây lãng phí chất xám mà còn dẫn đến nguy cơ gia tăng tệ nạn xã hội khi ngày càng có nhiều người chuyển giới do thất nghiệp mà sa vào đường dây buôn bán ma túy, mại dâm.

Nhu cầu được hỗ trợ sức khỏe của người chuyển giới cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi những rào cản pháp lý. Ngoại trừ các trường hợp bị dị tật cơ thể bẩm sinh, những người chuyển giới sau khi phẫu thuật đều không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế chính quy mà phải sử dụng các loại thuốc điều chỉnh hoóc môn có xuất xứ và chất lượng không rõ ràng, gây ra nhiều rủi ro lớn về sức khỏe.

Người chuyển giới và khoảng trống pháp lý
Hot girl chuyển giới Trâm Anh (tên thật Nguyễn Văn Hiếu) bị khởi tố tội buôn bán ma túy trong lúc đang thi Vietnam Next Top Model. Phía công an đã gặp nhiều khó khăn trong việc quyết định nên giam “cô” ở buồng nào.

Rào cản pháp lý cũng gây cho cộng đồng người chuyển giới nhiều tình huống oái ăm trong cuộc sống. Một ca sĩ chuyển giới nữ từng kể trên mạng xã hội chuyện thời sinh viên không được nhà trường cho vào ở khu ký túc xá nữ do vẫn là đàn ông trên giấy tờ. Hay nỗi khó xử của các trại giam khi phải giữ phạm nhân chuyển giới trong khu nam mặc dù bề ngoài là “chuẩn” nữ, dẫn đến tình trạng phạm nhân bị bạn tù... quấy rối. Có thể thấy dù là ở tầng lớp nào thì những rắc rối trong giấy tờ cũng gây cho người chuyển giới nhiều tình huống thật nan giải.

Thiết nghĩ, là con người ai cũng muốn sống đúng với bản thân mình, nhưng một khi pháp luật tại Việt Nam chưa công nhận việc chuyển giới thì cộng đồng người đồng và song tính vẫn nên cân nhắc về hệ quả pháp lý của quyết định này để không phải hối tiếc về sau.

Việc xác định lại giới tính được quy định tại Điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP chỉ được áp dụng cho những trường hợp có “khuyết tật bẩm sinh về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể”. Đối với những người được xem là “đã hoàn thiện về giới tính” thì các hành vi can thiệp y học bị nghiêm cấm hoàn toàn (theo Điều 4 Khoản 1). 

Hiện Bộ Tư pháp và Bộ Công an đang có nhiều đề xuất lên Chính phủ để xây dựng một hệ thống pháp lý riêng cho người chuyển giới, gồm quyền được phẫu thuật và thừa nhận giới tính mới, quyền được thay đổi hộ tịch, cùng các chính sách cụ thể về khám xét, tạm giam, giam riêng biệt để tránh các hành vi kỳ thị hoặc quấy rồi tình dục.

Vương Giang (Báo NTD)