Kem dưỡng da Pond’s chưa dùng đã mốc đen

Ngày 2/10, Báo Người Tiêu Dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng) đã nhận được đơn khiếu nại của chị Vương Huyền Thu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội về việc chị đã mua kem dưỡng da Pond’s và phát hiện sản phẩm bị mốc đen dù chưa sử dụng lần nào.

Chị Thu cho biết đã mua 2 hộp kem dưỡng da Pond’s ban ngày và ban đêm với giá 200.000 đồng/hộp từ tháng 6/2015 tại 158 Cầu Giấy. Sau đó chị đã sử dụng một lọ kem dưỡng da Pond’s ban ngày. Đến tháng 9/2015 khi chị mở hộp kem dưỡng da Pond’s ban đêm để dùng thì phát hiện bên trong vành nắp hộp và xung quanh miệng sản phẩm có dấu hiệu mốc đen, phần kem dưỡng da không có mùi thơm như bình thường.

Kem dưỡng da Pond’s chưa dùng đã mốc đen
Hộp kem dưỡng da Pond’s ban đêm bị mốc đen.

“Tôi đã dùng hộp kem dưỡng da Pond’s ban ngày vào sáng và trưa ngày 20/9/2015, đến tối trước khi đi ngủ tôi lấy sản phẩm Pond’s ban đêm ra sử dụng, vừa mới mở nắp ra đã thấy hiện tượng mốc đen ở miệng sản phẩm và bên trong hộp. Nghi ngờ chất lượng sản phẩm, tôi đã dừng sử dụng cả 2 hộp kem dưỡng da Pond’s đó”, chị Thu nhấn mạnh.

Để có lời giải thích tại sao trong hộp kem dưỡng da Pond’s ban đêm mới tinh lại xuất hiện mốc đen, chị Thu đã nhiều lần liên hệ tới bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty Unilever, đơn vị phân phối sản phẩm Pond’s. Tuy nhiên, phía nhà sản xuất lại không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

“Tôi đã gọi vào số điện thoại đường dây nóng và bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty Unilever nhưng họ đều bảo gửi lại họ sản phẩm, rồi một tuần sau sẽ có câu trả lời. Việc này không làm tôi yên tâm vì khi họ thu hồi đơn phương như vậy, tôi không còn chứng cứ, sau này Unilever không có biện pháp xử lý triệt để thì quyền lợi của người tiêu dùng coi như không”, chị Thu bức xúc nói.

Chị cho rằng, nếu đại diện Unilever muốn thu hồi sẩn phẩm để mang đi kiểm nghiệm thì Công ty phải lập biên bản công nhận sản phẩm kem dưỡng da Pond’s ban đêm có đầy đủ tem, nhãn mác mà chị mua dùng là sản phẩm của Công ty. Tuy nhiên, Unilever muốn thu sản phẩm bị lỗi mà không thừa nhận đây là mặt hàng do mình phân phối khiến chị hết sức băn khoăn.

Kem dưỡng da Pond’s chưa dùng đã mốc đen
Trên hộp kem có tem hàng thật và hạn sử dụng đến năm 2016.

Chị Thu nói rằng chị là khách hàng trung thành của dòng sản phẩm kem dưỡng da Pond’s. Nhưng qua sự việc này chị cảm thấy khá thất vọng với chất lượng cũng như cách cư xử của nhà phân phối đối với người tiêu dùng.

Để đảm bảo sự việc khách quan, PV Báo Người Tiêu Dùng đã liên lạc với Công ty Unilever. Theo đó, đại diện phía

Công ty cho biết: “Ngày 21/9, Bộ phận Chăm sóc khách hàng nhận được điện thoại của khách hàng Vương Huyền Thu (địa chỉ 22 ngõ 228 Phố Trần Cung Cổ Nhuế, Bắc Từ liêm, Hà Nội; di động 016673809494) phản ánh là kem bị mốc (Kem Pond’s FW night cream).

Công ty cũng đã cho người tới nhà chị Thu, mượn mẫu và gửi lại sản phẩm mới nhưng chị Thu yêu cầu trong biên bản phải xác nhận đây là sản phẩm Công ty. Vì thế Bộ phận Chăm sóc khách hàng không đồng ý, và có giải thích với chị Thu là cần phải giám định mới có thể kết luận đây có phải là sản phẩm của Công ty hay không, chất lượng như thế nào”.

Sự việc vẫn chưa ngã ngũ khi cả hai bên đều muốn giữ lập trường của mình.

Căn cứ theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có tám quyền cơ bản sau đây:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Theo Cao Huyền (NTD)