Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục chuỗi tăng bền vững

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục chuỗi tăng bền vững

Hôm nay, Nikkei vừa công bố chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 6 của Việt Nam và một số nước trong khu vực. Nhìn chung, trong lần công bố này, chỉ số này của Việt Nam không còn duy trì được tốc độ tăng khả quan như tháng trước. Tuy vậy, với mức điểm 52,2, hoạt động sản xuất công nghiệp  vẫn tiếp tục nằm trong chuỗi mở rộng 22 tháng liên tục. Đồng thời, khi so sánh với PMI hoạt động sản xuất với các nước như Đài Loan, Malaysia, Indonesia, chúng tôi nhận thấy bức tranh SXCN Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng của khu vực.

Đi sâu vào chi tiết, sản lượng đầu vào và số lượng đơn hàng, hai yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng cho PMI các tháng trước, đã có tốc độ tăng chậm lại trong tháng 06. Theo Nikkei, kết quả khảo sát cho thấy sự phân hóa hơn về sản lượng sản xuất giữa các doanh nghiệp, trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới chứng kiến tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 07/2013. Việc làm mới tạo ra vẫn duy trì đà tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại hơn so với các tháng trước. Ngoài ra, chỉ số thành phần là giá đầu vào tiếp tục duy trì đà tăng của tháng 05, trong khi đó, chỉ số giá đầu ra tiếp tục đà giảm tháng thứ 9 liên tiếp, tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại.

Quan sát thêm diễn biến của chỉ số PMI trong 4 năm gần đây, các chuyên gia Rồng Việt  nhận thấy giai đoạn từ tháng 6-8 là thường là “đáy” của chỉ số này trong năm. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, việc liên tục duy trì trên mức 50 điểm (mức mở rộng hoạt động sản xuất), đây là minh chứng rõ nét cho sự tăng trưởng chắc chắn của hoạt động sản xuất.

 Diễn biến PMI và chỉ số SXCN Việt Nam. Nguồn: Nikkei, GSO, RongViet Research

Bên cạnh đó, theo báo cáo về chỉ số SXCN của TCTK (GSO), các chuyên gia cũng cho rằng bức tranh sản xuất công nghiệp cả nước vẫn khá tươi sáng. Trong tháng 6, chỉ số SXCN toàn ngành (IIP) tăng 11,1% yoy , so với mức tăng 7,5% yoy của tháng 05. Xét chung 6 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 9,6%, cải thiện rõ nét so với mức tăng 5,8% của cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ 6 tháng đầu năm vẫn duy trì khả quan với mức tăng 12,7% so với cùng kỳ. Ngược lại, chỉ số tồn kho đầu tháng 6/2015 đang có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại với mức tăng 11,8% yoy so với mức tăng 11,5% của tháng trước.

Theo GSO, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 5 tháng đầu năm là 77,8%, khá tương đương với mức bình quân của cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất đang bắt đầu đẩy mạnh dự trữ hàng hóa nhằm đón đầu cho các hợp đồng xuất khẩu vào các quý cao điểm cuối năm. Do vậy, điều này sẽ là động lực thúc đẩy cho hoạt động sản xuất tiếp tục tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm.

Tin đồn và phản ứng nhanh nhưng liệu kết quả có khác?

Thị trường đầu tháng 07 có một phiên giao dịch khá “giằng co” về mặt chỉ số, hai trụ đỡ chính là GAS và VNM đã không thành công trong việc giữ sắc xanh của thị trường trong phiên hôm nay. Theo quan sát của chúng tôi, sự giằng co khá mạnh diễn ra trong toàn thời gian giao dịch, đặc biệt, độ rộng thị trường đã nghiêng hẳn về bên bán vào phiên chiều. Kết thúc phiên, HNindex đóng cửa với giá xanh, đạt 85,25 điểm; trong khi đó, VNIndex giảm nhẹ 0,26%, còn 591,5 điểm.

Dựa trên diễn biến của các nhóm ngành, chuyên viên thị trường cho rằng có hai nhóm ngành tiêu điểm của phiên hôm nay. Thứ nhất là nhóm ngành ô tô với ba cổ phiếu lớn (HHS, TMT và SVC) đều giảm điểm, đặc biệt hai cổ phiếu lớn “đo sàn” là HHS và TMT. Nguyên nhân giảm của nhóm ngành này theo tìm hiểu của chúng tôi xuất phát từ tin đồn liên quan đến pháp lý và việc hàng loạt các CTCK cắt margin của cổ phiếu HHS. Sau trường hợp JVC, chỉ trong một thời gian ngắn, tin đồn tiêu cực xuất hiện đối với một cổ phiếu thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT như HHS đã khiến cho tâm lý hoang mang lan tỏa. Mặc dù chúng tôi nhận thấy ban lãnh đạo của HHS đã nhanh chóng phản ứng thông qua việc có văn bản đính chính lại thông tin, công bố sớm KQKD 2 quý đầu năm và CTHĐQT đã công bố đăng ký mua vào 500.000 cp. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu chờ bán giá sàn vẫn còn đến hơn 3,5 triệu cổ phiếu, lý do theo chúng tôi có thể đến một phần từ tâm lý của NĐT và một phần từ áp lực giải chấp đang diễn ra đối với cổ phiếu HHS. Trao đổi với một số nhà đầu tư kinh nghiệm trên thị trường, chúng tôi nhận thấy niềm tin của họ dành cho những văn bản đính chính không đầy đủ thông tin là không cao.

Lại là một câu chuyện tin đồn, doanh nghiệp đã có phản ứng nhanh so với trường hợp của JVC. Tuy vậy, những đính chính ban đầu nhà đầu tư nhận được chưa đủ thông tin để trấn an họ. Chúng tôi cảm nhận đây là một câu chuyện có cốt truyện khác song một khi đã “dính” vào dạng tin đồn như trên, doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng lại niềm tin đối với các NĐT. Đây là một điều mà chúng tôi khá chắc chắn, đặc biệt, khi khảo sát một số NĐT trên thị trường, niềm tin về mặt cơ bản đối với cổ phiếu HHS chỉ mới được xây dựng trong một thời gian ngắn gần đây.

Trong khi nhóm ngành ô tô giảm điểm, ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI (+2,1%), VND (+1,4%), HCM (+1,9%), WSS (+2,4%), …  ghi nhận mức tăng tích cực khi thông tin về việc nới room 100% cho các CTCK được công bố vào buổi họp báo chiều hôm qua của UBCKNN. Hôm nay, lực mua của khối ngoại vượt trội ở cổ phiếu SSI với giá trị mua ròng ~34,6 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch mua ròng giảm đáng kể đối với đa số các mã còn lại. Tính chung hai sàn, khối ngoại chỉ mua ròng khoảng 22,6 tỷ đồng, bằng 5% so với giá trị mua ròng của phiên trước.

Nhìn lại diễn biến thị trường trong tháng 6, chuyên viên thị trường chúng tôi cho rằng đây là tháng tăng điểm nhiều gập ghềnh. Bên cạnh đó, việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng vào giai đoạn nửa cuối tháng 6 với mức mua ròng ~ 1.704 tỷ đồng cũng giúp các chỉ số được neo giữ. Tính đến hết cuối tháng 6, VNIndex và HNIndex tăng lần lượt 4,1% và 2,1% so với cuối tháng trước với vùng điểm khá sát với dự báo trong Báo cáo chiến lược tháng 6 của RongViet Research. Đối với diễn biến thị trường tháng 07, chuyên viên thị trường cho rằng cơ hội để NĐT tham gia vào thị trường vẫn còn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Mid-caps và small-caps có triển vọng tốt nhưng đang bị định giá thấp. Trong khi đó, sức “rướn” của nhóm blue-chips có thể phụ thuộc nhiều vào động thái giao dịch của khối ngoại. Do đó, nếu khối này dừng mua, điểm số của thị trường nhiều khả năng bị ảnh hưởng.

Cổ phiếu khuyến nghị đầu tư

Thị trường biến động trái chiều nhưng áp lực bán trên cả hai sàn vẫn đang xuất hiện nhưng lưc cầu thể hiện tín hiệu mạnh hơn. Tuy nhiên, đường giá đang biến động gần ngưỡng kháng cự nên nhà đầu tư cần quan sát thêm diễn biến thị trường và giữ tỷ trọng danh mục đầu tư cân bằng.

Thúy Hồng (Baoventd.com)