Hàng giá rẻ la liệt chợ, dân sành ăn lại về tận vườn tìm loại nhãn đắt đỏ



Các loại nhãn đang bày bán la liệt khắp các chợ với giá rẻ chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg. Song, dân sành ăn lại chạy xe vài chục km về tận vùng trồng để săn mua một loại nhãn với giá đắt đỏ.

Những ngày này đang là chính vụ thu hoạch nhãn ở các địa phương. Hàng trăm nghìn tấn nhãn đổ bộ thị trường, được bày bán la liệt chợ, chất như núi trên xe thồ xuất hiện khắp hè phố Hà Nội.

Năm nay, ở một số vùng trồng nhãn được mùa, cung dội chợ nên giá càng rẻ. Chỉ cần 7.000-15.000 đồng, người tiêu dùng dễ dàng mua được 1kg nhãn quả to, vỏ mỏng, cùi dày, ngọt.

Tuy nhiên, vợ chồng chị Trần Thị Thu Giang ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn giữ thói quen lái xe ô tô về tận Hưng Yên để mua loại nhãn đường phèn với giá 130.000 đồng/kg, đắt gấp cả 10 lần giá nhãn bán tại chợ Hà Nội.

Lý giải nguyên nhân chạy xe hàng vài chục km, lại phải mua hàng với giá vô cùng đắt đỏ, chị Giang nói: “ Nhãn đường phèn ngon. Vỏ quả mỏng, cùi dày ăn giòn, ngọt sắc và thơm. Hương vị của nhãn đường phèn khác hoàn toàn với các loại nhãn đang bán trên thị trường hiện nay”.

hang-gia-re-la-liet-cho-dan-sanh-an-lai-ve-tan-vuon-tim-loai-nhan-dat-do

Nhãn đường phèn giá siêu đắt vẫn được nhiều người săn mua (Ảnh: Tâm An)

Theo chị Giang, ở vườn nhãn có thể mua theo cân, nhưng chị chọn đặt cọc mua cả cây từ trước đó. Lúc thu hoạch lượng nhãn được bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Như cây nhãn năm nay được 1,2 tạ quả. Với giá nhãn 130.000 đồng/kg, chị phải chi ra số tiền gần 16 triệu đồng.

“Chỉ gia đình tôi thì không thể ăn hết hàng tạ nhãn", chị nói. Song chị vẫn đặt mua cả cây chủ yếu để làm quà biếu người thân, bạn bè.

Trao đổi với PV. VietNamNet , ông Bùi Xuân Tám, xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên), thừa nhận, các loại nhãn khác giá không cao, thậm chí rất rẻ. Riêng nhãn đường phèn giá đắt đỏ vẫn không đủ hàng để bán.

Gia đình ông Tám là hộ trồng nhiều nhãn đường phèn và cùi cổ nhất xã Hồng Nam, diện tích lên tới 1ha. Nhưng hiện tại, chỉ có 1 mẫu nhãn cho thu hoạch với sản lượng đạt khoảng 4 tấn. Diện tích còn lại cây vẫn nhỏ, chưa ra trái.

“Loại nhãn này giá từ đầu vụ đến cuối vụ thu hoạch vẫn ổn định ở mức 100.000-120.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp, người dân Hà Nội về tận vườn đặt mua hết, tôi không phải đem ra chợ”, ông chia sẻ.

Năm nay vườn nhà ông có 1 cây sai trái với sản lượng đạt khoảng 2 tạ. Khách đã bao trọn cây, đặt cọc trước 10 triệu đồng. Ông dự tính lúc thu hoạch cân bán quả có thể thu về 20 triệu đồng từ cây nhãn này.

Theo ông Tám, nhãn đường phèn và cùi cổ đang là loại nhãn đặc sản ngon nhất tại Hưng Yên. Nhãn có hương vị đặc trưng, cùi dày có vân màu hơi ánh vàng và khô ráo, vị ngọt sắc, ăn xong sẽ cảm nhận được mùi mật ong ở họng.

hang-gia-re-la-liet-cho-dan-sanh-an-lai-ve-tan-vuon-tim-loai-nhan-dat-do

Nguồn cung khan hiếm nên khách thường tìm về tận vườn đặt mua nhãn đường phèn (Ảnh: NVCC)

Dù giá cao nhưng nhãn này rất khó chăm sóc, năng suất chỉ bằng 1/2 nhãn miền thiết. Người dân ít trồng nhãn đường phèn, nguồn cung rất khan hiếm. Đây cũng là lý do những nhà vườn có loại nhãn này được khách ở khắp nơi về tận vườn bao mua, hàng không đủ bán.

Ông Tám nhẩm tính, với sản lượng nhãn 4 tấn, vụ này tiền thu về ước khoảng hơn 400 triệu đồng.

Trên thị trường hiện nay nhiều người rao bán nhãn đường phèn Hưng Yên với giá từ 40.000-80.000 đồng/kg, tuỳ loại. Nhãn được đóng thùng theo trọng lượng 3kg hoặc 5kg.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn - nhà vườn trồng nhãn lớn ở TP. Hưng Yên - cho biết, một số nhà vườn có trồng nhãn đường phèn nhưng là hàng lai. Hàng lai giá sẽ rẻ hơn.

Với nhãn đường phèn chuẩn xịn thì vẫn siêu hiếm, thường dân sành ăn mới biết và luôn tìm tới tận vườn đặt trước khi quả còn xanh. Chờ nhãn chín tới đặt thì hầu như không còn. Đó cũng là lý do người ta nói có tiền cũng chưa chắc mua được nhãn đường phèn ăn, ông Tuấn cho hay.

Vườn nhãn của ông Tuấn chỉ có 13 cây nhãn đường phèn, sản lượng khoảng hơn 1 tấn. Khách năm nào cũng bao mua từ khi quả còn nhỏ. Giá nhãn bán tại vườn tuỳ vào từng năm, rẻ nhất cũng 80.000 đồng/kg, có năm giá lên tới 120.000-130.000 đồng/kg.

Theo GiaDinh