Buôn bán vận chuyển trái phép lợn gia tăng, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao

Tình trạng buôn bán vận chuyển trái phép lợn ngày càng gia tăng, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Nam. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Theo ghi nhận của VTV, ở những tỉnh giáp biên giới Tây Nam như An Giang, lợn nhập lậu có thể có xuất phát từ Thái Lan rồi được đưa sang Campuchia. Một số sẽ được tiêu thụ tại nước này, số khác được vận chuyển về Tà Keo, giáp ranh với Việt Nam. Khi thỏa thuận xong giá cả, một số đầu nậu ở tỉnh An Giang sẽ thuê người chở lợn qua biên giới vào nội địa.

Sau khi vào nội địa, các đầu nậu sẽ đưa lợn vào những hộ chăn nuôi không tái đàn mà vẫn báo có nuôi, xin giấy xác nhận của địa phương để biến lợn nhập lậu thành lợn nuôi hợp pháp tại gia để đem đi tiêu thụ.

Trong vòng 7 tháng đầu năm nay, lực lượng biên phòng các tỉnh biên giới Tây Nam đã bắt hàng chục vụ lợn nhập lậu qua biên giới. Nguyên nhân được cho là giá lợn trong nước cao hơn hàng chục nghìn đồng/kg so với các nước bạn.

Hiện giá lợn bình quân trong nước khoảng 60.000 đồng/kg, giá lợn Thái Lan, Campuchia khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg nên nếu vận chuyển thành công thì mỗi kg lợn sẽ lãi khoảng 10.000 đồng. Lợi nhuận cao nên từ đầu nậu đến người chở thuê đều tìm mọi cách để đưa lợn về Việt Nam tiêu thụ.

buon-ban-van-chuyen-trai-phep-lon-gia-tang-nguy-co-lay-nhiem-dich-benh-cao

Dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nhanh và gây tử vong 100% nếu mắc. Ảnh minh họa 

Qua việc nắm bắt thị trường, doanh nghiệp nhận thấy nguồn hàng từ các nước đổ về đang làm tăng mạnh nguồn cung trên thị trường. Tại miền Bắc, nguồn lợn tiểu ngạch từ Trung Quốc về với giá khoảng 60.000-62.000 và từ Thái Lan về qua cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị với giá 59.000 – 61.000 đồng/kg. Ở khu vực phía Nam, lợn Thái Lan có dấu hiệu tuồn qua cửa khẩu Long An thay thế cho nguồn lợn Campuchia với giá khoảng 61.000 đồng/kg, số lượng lên tới cả nghìn con mỗi ngày.

Với mức giá bình quân khoảng 60.000 đồng/kg, đây được cho là mức phù hợp với giá thành chăn nuôi hiện tại của công ty lớn và nông hộ. Việc lợn nhập lậu với giá rẻ sẽ khiến ngành chăn nuôi trong nước đối diện nhiều thách thức.

Theo thống kê của lực lượng QLTT, mỗi ngày có khoảng 2.000-3.000 con lợn được nhập lậu qua biên giới Tây Nam. Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc sẽ không có kiểm dịch, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và khi lưu thông trên thị trường khó chứng minh được việc lợn nhập lậu. Vì vậy, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra kiểm soát trong thời gian tới.

Với thủ đoạn vận chuyển lợn nhập lậu ngày càng tinh vi bằng đường bộ, đường sông, thậm chí đường biển, đòi hỏi lực lượng chức năng phối hợp thật chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu khi phát hiện trường hợp nhập khẩu lợn bất hợp pháp phải tái xuất hoặc tiêu hủy ngay và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi cho rằng, việc giá lợn hơi của Trung Quốc, Campuchia đang ở mức thấp, tiêu thụ kém là nguyên nhân thúc đẩy nguồn lợn nhập tiểu ngạch vào nước ta.

Theo ông Dương, hơn 2 năm qua, giá lợn hơi giảm sâu đã khiến người dân lỗ nặng, bỏ chuồng. Giá lợn hơi vừa tăng trở lại là cơ hội để người chăn nuôi tái đàn, hồi phục. Để duy trì mức giá tốt cho người chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hoạt động nhập lậu lợn từ biên giới, nhất là từ khu vực biên giới với Trung Quốc. “Nếu không giá lợn hơi trong nước sẽ đi xuống và người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ, điệp khúc bỏ chuồng sẽ tiếp diễn”, ông Dương nói.

Đại diện Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đến nay Việt Nam không cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…Do đó, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện cá nhân, tổ chức vận chuyển lợn sống từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định.

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi trong nước, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, cả nước xảy ra 208 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 8.500 con. Đây là bệnh dịch có khả năng lây lan với tốc độ nhanh, dịch tả lợn châu Phi đang trở thành mối lo ngại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. 

Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virus gây ra và có nguồn gốc đầu tiên từ châu Phi. Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ loài lợn nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào của lợn với khả năng lây lan vô cùng nhanh. Theo thống kê cho thấy, lợn nhiễm bệnh có tỷ lệ chết lên tới 100%. 

Virus gây bệnh tả lợn có thể tìm thấy trong dịch bài tiết, trong máu hay các cơ quan của lợn mắc bệnh dịch tả lợn. Bệnh có khả năng lây lan kéo dài và trên phạm vi rộng bởi virus này có sức đề kháng cao. Cụ thể, chúng có thể tồn tại được từ 3 - 6 tháng ở nhiệt độ thường và có khả năng chịu được nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, virus này sẽ chết ở nhiệt độ 56oC (trong 70 phút), 60oC (trong 20 phút) và ở nhiệt độ 70oC.

Con đường lây nhiễm bệnh dịch tả lợn thường là qua tiêu hóa và hô hấp. Bệnh có thể lây lan thông qua tiếp xúc (có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp) với những đồ vật có nhiễm virus như: chuồng trại, lợn nhiễm bệnh, đồ dùng, dụng có nhiễm virus, phương tiện vận chuyển, thực phẩm chế biến từ lợn nhiễm bệnh,... Người là một trong những tác nhân khiến bệnh phát tán, tuy nhiên bệnh không có khả năng lây sang người.

Theo VietQ