Giãn tĩnh mạch, liệt chân tạm thời vì thói quen mặc quần áo bó

Quần áo bó giúp tôn lên các đường nét trên cơ thể. Tuy nhiên, mặc quần áo bó thường xuyên gây ra nhiều nguy hiểm cho cơ thể, thậm chí có những tổn thương vĩnh viễn.

Quần bò, áo nịt ngực hay các trang phục ôm sát cơ thể là yếu tố giúp người mặc thời gian, tôn dáng hơn. Tuy nhiên, thói quen này đi kèm với những hệ lụy nguy hiểm tới sức khỏe, nhất là với những người thường xuyên mặc quần áo bó sát, chật chội.

Ảnh hưởng dây thần kinh

Trên tạp chí Neurology, Neurosurgery and Psychiatry, các nhà nghiên cứu từ Australia từng mô tả trường hợp một phụ nữ bị tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng đến mức liệt tạm thời hai chân và phải nhập viện chăm sóc sau 24 giờ mặc quần bò bó, chật.

Theo Time, người phụ nữ 35 tuổi mặc trang phục trên khi giúp một họ hàng chuyển nhà. Phần lớn thời gian cô ngồi xổm khi thu dọn đồ đạc. Chiếc quần bò ép các dây thần kinh, bó lấy đôi chân của bệnh nhân cả ngày. Hai chân tê cứng và khiến cô không thể đứng vững, té ngã khi định đi bộ về nhà. Người phụ nữ không thể đứng dậy và nằm trên mặt đất vài giờ trước khi được đưa đi cấp cứu.

Giãn tĩnh mạch, liệt chân tạm thời vì thói quen mặc quần áo bó - Ảnh 1.

Mặc quần áo bó thường xuyên mang tới nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ảnh: Freepik.

Các bác sĩ nhận thấy chân và mắt cá chân của người này sưng tấy và yếu đi. Những bộ phận còn lại như đầu gối, hông vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, họ phát hiện dây thần kinh cẳng chân, bàn chân bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Bất kỳ áp lực nào trên khu vực dưới đầu gối đều có thể chèn ép dây thần kinh của mỗi bên chân, gây ra tình trạng yếu, tê hoặc hỏng vĩnh viễn. Các bác sĩ cho rằng thời gian ngồi xổm lâu đã tạo áp lực lớn tới các dây thần kinh. Chiếc quần bò bó, chật hẹp càng khiến áp lực thêm nghiêm trọng.

Sau 4 ngày nằm viện và được truyền dịch qua đường tĩnh mạch, tình trạng sưng đã giảm. Bệnh nhân sau đó hồi phục và có thể tự đi lại.

Chứng dị cảm meralgia

Theo tiến sĩ Nicholas Morrissey, bác sĩ phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện NewYork-Presbyterian, Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Mỹ, những người thường xuyên mặc quần áo quá chật có nguy cơ phải đối mặt tình trạng tê dọc đùi. Nó còn được gọi là chứng dị cảm meralgia.

Triệu chứng của chứng dị cảm meralgia là cảm giác đau rát, ngứa ran ở đùi vì quá nhiều áp lực đặt lên các dây thần kinh chạy qua háng. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai, người tăng cân nhanh do quần áo của họ không còn vừa vặn.

Tiến sĩ Morrissey giải thích dây thần kinh cảm giác xuất phát từ xương chậu, mang cảm giác cho đùi, chân. Những chiếc quần bò ống bó tạo áp lực lên chân, hông, xương chậu, ảnh hưởng quá trình lưu thông máu. Kết quả, không ít người sau thời gian dài mặc quần bò chật gặp phải tình trạng tê bì chân, co thắt. Sau đó, đùi của họ chuyển sang trạng thái "ngủ". Khi đứng lên, nạn nhân không thể cảm giác được đôi chân.

Theo tiến sĩ Orly Avitzur, cố vấn y tế của Consumer Reports, chứng dị cảm meralgia phổ biến đến mức sau 1-2 tháng mặc quần áo định hình bó sát, chật quá mức, bà chứng kiến một bệnh nhân báo cáo về tình trạng đau dây thần kinh.

Tình trạng này không phải vấn đề nguy hiểm, có thể xử trí được ngay. Tuy nhiên, tiến sĩ Morrissey cảnh báo nếu nó tiếp tục tái phát và không chữa kịp thời có thể gây tổn thương vĩnh viễn.

Hội chứng quần bò

Nhà thần kinh học, tiến sĩ John Michael Li, Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, Mỹ, cảnh báo với CBS Miami về tình trạng gọi là "hội chứng quần bò" ở những người mặc loại quần này quá chật trong thời gian dài. Triệu chứng của nó là cảm giác khó chịu ở bụng, ợ chua. Đây là vấn đề rất phổ biến mà nhiều người ít khi lưu tâm, cho rằng nguyên nhân là từ dạ dày, đường tiêu hóa.

Lý giải về điều này, tiến sĩ Orly Avitzur, trả lời phỏng vấn của HealthPop: "Khi bạn tạo áp lực lên vùng bụng, thức ăn không thể tiêu hóa. Điều này rất đáng lo với những người bị trào ngược thực quản, ợ chua. Những chiếc quần bó sát, chật chội khiến tình trạng này thêm trầm trọng".

Khó tiêu

Áp lực từ quần áo lên các cơ quan nội tạng có thể đẩy axit từ dạ dày lên thực quản. Đây cũng là căn nguyên của bệnh lý trào ngược dạ dày, khó tiêu. Áo lót chật, áo nịt ngực corset cũng gây nên tình trạng tương tự.

Bác sĩ tiêu hóa Jay Kuemmerle, Đại học Virginia Commonwealth, Mỹ, cảnh báo quần áo bó cũng là kẻ thù của những người bị hội chứng ruột kích thích, tiểu không tự chủ. Bởi nó khiến bệnh thêm trầm trọng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên sử dụng áo nịt ngực khi giảm cân để tránh những hậu quả đáng tiếc tới hệ tiêu hóa.

 

gian-tinh-mach-liet-chan-tam-thoi-vi-thoi-quen-mac-quan-ao-bo
 

Quần áo bó ảnh hưởng lên dây thần kinh, hệ tiêu hóa và nhiều cơ quan khác. Ảnh: Freepik.

Nhiễm trùng niệu đạo và các vấn đề sinh lý khác

Nhiều người không bận tậm tới tác hại của việc mặc quần áo bó chặt tới sức khỏe. Tuy nhiên, không dừng lại ở các dây thần kinh, hệ tiêu hóa, thói quen mặc quần áo bó sát lâu ngày còn ảnh hưởng cơ quan sinh dục.

Quần áo bó khiến cơ thể bí, tạo môi trường kín cho vùng kín, dễ sinh sôi các vi khuẩn. Bàng quang bị vi khuẩn tấn công có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Các bộ phận sinh dục cũng tương tự, dễ viêm nhiễm, mắc bệnh phụ khoa.

Theo một cuộc khảo sát với 2.000 nam giới tại Anh, quần bò bó sát còn có thể gây xoắn tinh hoàn, suy nhược bàng quang và những hậu quả lâu dài về sức khỏe sinh sản cho phái mạnh.

Đổ mồ hôi khi mặc quần áo chật cũng có thể gây nhiễm trùng nấm, kích ứng da, viêm lỗ chân lông. Đặc biệt, bệnh nhân bị tiểu đường nếu mặc quần áo bó có nguy cơ nhiễm trùng da cao hơn.

Người mặc quần áo bó, mang giày cao gót thường xuyên, ngồi nhiều, ít vận động, còn có thể gặp tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Biến chứng muộn của bệnh lý này là giãn tĩnh mạch nhiều, ứ trệ ở chân thành búi tĩnh mạch cuộn âm hình thành huyết khối dẫn đến tình trạng thuyên tắc tĩnh mạch, máu không hồi lưu được trở về, làm toàn bộ chân sưng phù lên, đau đớn.

Chính vì vậy, khi chọn quần áo, chúng ta nên mặc những trang phục chất liệu thấm hút mồ hôi, thông thoáng, vừa vặn với cơ thể, tránh mặc quá chật hoặc quá bó để hạn chế hệ lụy nguy hiểm có thể xảy đến.

Theo Tri thức trực tuyến/giadinh