Đừng đánh cược tính mạng trẻ bằng những vật dụng nguy hiểm như kéo, nĩa ăn....

"Nhiều khi vừa bế cháu quanh nhà bếp, con bé đòi cầm dao, cầm kéo, đũa, dĩa... bà cũng với lấy cho con bé cầm hết, miễn là lừa được bé ăn một miếng".

Chăm sóc trẻ nhỏ không phải là chuyện dễ đối với người lớn bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ, chúng ta không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Chính vì vậy hai chữ "an toàn" là điều vô cùng quan trọng khi nuôi nấng một đứa trẻ.

Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện giữ an toàn cho trẻ mà nhiều gia đình lại xảy ra những mâu thuẫn bởi những quan điểm trái chiều từ người lớn.

Dao kéo vẫn ngang nhiên trở thành món đồ chơi của trẻ

Chị Nguyễn Thị Hiên (Phố Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Bé nhà tôi năm nay được 3 tuổi, cu cậu vô cùng nghịch ngợm, chỉ loáng cái là leo trèo hết chỗ nọ đến chỗ kia, rồi vớ cái gì cũng cầm nghịch được nên tôi toàn phải giấu mấy thứ đồ dễ gây nguy hiểm đi sợ con cầm phải.

Nhưng chồng tôi thì lại hay chiều con, cứ về đến nhà là thứ gì cũng cho con nghịch.

Mấy thứ dao kéo cứ làm xong chỗ nào là lão vứt tại trận luôn, thế là cậu nhóc nhà tôi nhìn thấy lại chạy đến cầm nghịch.

Tôi lấy lại thì cu cậu kêu gào, giãy giụa ra sàn nhà. Cũng chỉ tại được bố nhiều lần cho cầm nghịch rồi nên cậu mới quen, đòi chơi bằng được.

Thấy con khóc, ông chồng tôi lại bắt đầu lý sự rằng "có anh trông con đây rồi, không phải lo" với lại "cho nó chơi chút không sao đâu", rồi có lần còn quát tôi là "cẩn thận quá đáng, trẻ con mà cứ chằm bặp, bảo bọc quá kĩ như vậy là sau này lớn lên sẽ rất nhút nhát".

Những lý do của lão luôn khiến tôi rất tức tối, bực mình nhưng không biết làm thế nào. Cuối cùng có một lần cũng chỉ vì tính chiều con của lão mà cả nhà được phen hú hồn.

Vẫn như thường lệ, khi cả nhà ăn cơm, chồng tôi thường cho cu Bin ngồi bên cạnh, vậy là thằng bé có thể thoải mái cầm nắm bất cứ thứ gì. Hôm đó, nó cầm nghịch cái dĩa từ đầu bữa ăn.

Khi tôi chạy vào bếp lấy thêm đồ ăn thì giật mình khi nghe thấy tiếng con khóc thét lên. Tôi buông thức ăn hốt hoảng chạy ra thì thấy phần đuôi mắt con đã rớm máu.

Chồng tôi vội chạy đi lấy bông băng để băng vết thương cho con. Sau khi kiểm tra lại vết thương thì tôi mới biết do con bị chiếc dĩa đâm vào trong lúc cầm nghịch. Tôi vừa sợ vừa thấy may vì chiếc dĩa nhọn không đâm vào mắt con.

Hôm đó, lão bị tôi "choảng" cho một trận và cứ ngồi im thin thít. Và từ sau chẳng bao giờ dám cho con chơi với mấy thứ đồ nguy hiểm đó nữa.

Đừng đánh cược tính mạng trẻ bằng những vật dụng nguy hiểm như kéo, nĩa ăn....
Những món đồ nguy hiểm trong nhà có thể gây nguy hiểm cho trẻ bất cứ lúc nào nếu cha mẹ không cẩn thận.

Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến vấn đề này, chị Đỗ Thị Thúy (Mai Động, Hà Nội) tỏ ra vô cùng bức bối khi chia sẻ về kiểu chiều cháu của mẹ chồng chị.

Chị Thúy tâm sự: "Bé nhà tôi được 2 tuổi nhưng lại rất biếng ăn. Tôi thì đi làm suốt ngày nên ở nhà mẹ chồng giúp tôi khoản chăm con.

Tuy nhiên, để dỗ được cháu ăn, mẹ chồng tôi chẳng từ cách nào. Trong lúc cho cháu ăn, cứ vớ được cái gì là bà đưa cho bé cầm để lừa nó ăn.

Nhiều khi vừa bế con bé quanh nhà bếp, con bé đòi cầm dao, cầm kéo, đũa, dĩa, bà cũng với lấy cho con bé cầm hết, miễn là lừa được bé ăn một miếng.

Hay cả khi con bé khóc cũng vậy, thứ gì bà cũng cho con bé cầm được miễn là nó nín, không khóc nữa.

Chẳng những vậy, con bé lại vô cùng thích thú với những món "đồ chơi" lạ mắt mà mẹ chồng tôi đưa cho. Có khi suốt cả bữa ăn, nó cứ đòi cầm cái kéo hay cái dĩa trên tay, lấy lại là nó khóc ầm lên. Sợ cháu khóc nên mẹ chồng tôi cứ chiều nó.

Tôi thì không đồng tình với cách chiều cháu của mẹ chồng một chút nào. Nó thực sự rất kì quái và nguy hiểm.

Nhiều lần tôi nói với bà rằng không nên cho trẻ con cầm những thứ nguy hiểm như vậy, tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trên báo đài đã đưa không biết bao nhiêu trường hợp bị thương tích phải nhập viện vì sơ xuất của người lớn rồi.

Nhưng mẹ chồng tôi thì lại tỏ ra không hiểu ý của tôi. Bà lại mắng tôi rằng "muốn cho con con bé chết đói" hay là "chê bà không trông được con bé?". Vậy là sau lý lẽ của mẹ chồng tôi đành câm nín.

Thậm chí, dạo này bà còn nghĩ ra cách lừa con bé ăn bằng việc cho nó cầm điện thoại, chiếc điện thoại cứ dí vào mắt con bé suốt bữa ăn.

Con bé lại rất thích nên cứ được xem điện thoại là ăn thun thút. Nhưng theo cách đó thì thực sự mẹ tôi đang hại con bé chứ không phải chăm nó nữa.

Tôi giải thích cho bà rất nhiều lần rồi, rằng chiều con bé theo cách như vậy là không tốt, là hại nó. Nhưng mỗi lần nói là mẹ con lại cãi nhau nên thực sự nhiều khi cảm thấy mình bất lực vì không được nuôi dạy con theo cách của mình."

Những món đồ nguy hiểm có thể đoạt mạng trẻ bất cứ lúc nào

Trên thực tế, đã có quá nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra vì người lớn còn xem thường những vật dụng sắc nhọn có thể gây nguy hiểm đến trẻ và khi sự việc đã rồi thì hối lại cũng không kịp.

Trước đó, ngày 15/8, bé Ng.T.K.V. (5 tuổi, nhà ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã được các bác sĩ ở bệnh viện Nhi Đồng 1 mổ cấp cứu do bị cây kéo đâm vào ngực.

Theo lời người nhà, khi người nhà bé đang cầm kéo cắt tôm, bé đột ngột chạy tới và vấp té khiến cây kéo đã đâm thấu vào ngực bên trái.

Người nhà lập tức đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh trong tình trạng suy hô hấp, có dấu hiệu lơ mơ. Sau đó bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại BV Nhi Đồng 1, kết quả chụp X-quang, CT-scan cho thấy cây kéo đã đâm lút cán, mũi dao nằm ngay giữa trung thất, vừa chạm tới tĩnh mạch chủ trên nhưng may mắn chưa gây vỡ tĩnh mạch chủ, nếu không đã tử vong trước khi nhập viện. Ngay lập tức, bệnh nhi đã được mổ cấp cứu lấy cây kéo ra.

Đừng đánh cược tính mạng trẻ bằng những vật dụng nguy hiểm như kéo, nĩa ăn....
Bé V. bị cây kéo đâm vào ngực do bị vấp té.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ hay tò mò, bất cẩn và những hành động thường đột ngột, bất ngờ nên thường bị các tai nạn do vật nhọn đâm phải như: bị đũa, nĩa… đâm vào mũi họng.

Khi bị vật nhọn đâm vào thì phụ huynh không nên mất bình tĩnh rút vội vật nhọn ra, gây mất máu, dẫn đến tử vong mà nên chuyển đến cơ sở y tế gần nhà.

Không chỉ vậy, việc vừa cho trẻ ăn vừa xem Tivi, điện thoại... cũng gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà đa phần người lớn không lường trước được.

Ngày 8/8, chị Vương Thị Hồng (ngụ huyện Sóc Sơn - TP. Hà Nội) đưa con gái Vương Minh Thu Hà (8 tuổi) đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đau bụng, mặc dù được gia đình bồi bổ khá chu đáo nhưng cháu Hà không có chuyển biến về cân nặng.

Chị Hồng cho biết, nhiều ngày trước, cháu Hà liên tục kêu đau bụng âm ỉ nhưng đến ngày 8/8 thì tình trạng nặng lên, liên tục bị nôn trớ kiểu trào ngược thức ăn.

“Quá lo lắng, gia đình đưa thẳng cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, không ngờ cháu lại bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, bệnh đã nặng”, chị Hồng cho biết.

Khi bác sĩ hỏi về chế độ ăn uống, chị Hồng cho biết, con chị ăn uống bình thường, mỗi bữa ăn được hơn 1 bát cơm, thức ăn cũng như bao trẻ em khác và có uống sữa.

Tuy nhiên, chị Hà cũng thừa nhận, từ khi cháu tập ăn cho đến tận bây giờ, mỗi bữa ăn cháu đều phải xem điện thoại, quảng cáo hoặc hoạt hình thì cháu Hà mới ăn, nếu không lại phải cho đi ăn rong.

“Đến tận bây giờ, ngoài giờ ăn ở lớp thì gia đình không nắm rõ, chứ ở nhà buổi tối khi gia đình ăn cơm, cháu cứ đòi phải xem kênh hoạt hình thì mới ăn nhanh, nếu không phải ngồi hết cả tiếng đồng hồ không xong”, chị Hồng nói.

Đây chính là lý do khiến cho con gái chị Hồng bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày. TS.BS Nguyễn Thị Út – khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc trẻ mắc bệnh viêm dạ dày chủ yếu là do nhiễm Helicobacter pylori. “Việc trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại tạo thói quen xấu cho trẻ làm trẻ mất tập trung khi ăn, ăn phải có điều kiện kèm theo.

Trẻ không tập trung vào bữa ăn, làm giảm tiết dịch dạ dày ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn" - BS Út cho biết.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến dạ dày.

Tại khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiều phụ huynh khi cầm kết quả trên tay bần thần vì không hiểu nguyên nhân vì sao con mình lại mắc bệnh viêm dạ dày trầm trọng đến như vậy.

Theo phunuonline