FDA cảnh báo tình trạng sức khỏe trẻ em bị ảnh hưởng khi sử dụng sản phẩm trái cây nhiễm chì

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phát đi cảnh báo tình trạng trẻ em ảnh hưởng sức khỏe sau khi ăn các sản phẩm trái cây xay nhuyễn nghi nhiễm độc chì và yêu cầu các công ty tiếp tục những đợt thu hồi sản phẩm, đồng thời mở rộng điều tra.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cho biết, 7 trường hợp ở ít nhất 5 bang đã báo cáo về việc cảm thấy không khỏe sau khi ăn các sản phẩm trái cây xay nhuyễn nghi nhiễm độc chì. Sau thông báo này, 2 công ty sản xuất thực phẩm gồm Schnucks Markets ở St. Louis và Weis Markets ở Sunbury, bang Pennsylvania, đã tiến hành thu hồi một số sản phẩm sốt táo hương quế do lo ngại hàm lượng chì cao. Trước đó, công ty WanaBana ở Coral Gables, bang Florida, đã thông báo thu hồi tất cả lô sản phẩm táo hương quế xay nhuyễn.

Bên cạnh cảnh báo các nhãn hiệu thu hồi thực phẩm có nguy cơ, các quan chức FDA còn cho biết, những trẻ em đã ăn túi trái cây nghiền nhuyễn của nhãn hiệu WanaBana nên được kiểm tra khả năng nhiễm độc chì. Cơ quan y tế đã xác nhận 4 trẻ em ở bang Bắc Carolina được phát hiện có hàm lượng chì cao trong máu liên quan đến các sản phẩm trái cây, rau củ xay nhuyễn. Kết luận được đưa ra sau khi FDA phân tích nhiều lô sản phẩm phát hiện nồng độ chì “cực cao” và xác nhận có thể dẫn đến nhiễm độc cấp tính. Hãng WanaBana, có trụ sở tại bang Florida, ngay sau đó đã phải thu hồi toàn bộ số lô hàng đang lưu hành của các sản phẩm đồ ăn nghiền trên toàn quốc.

Viện Nhi khoa Mỹ cho biết, chì có thể xâm nhập vào các sản phẩm thực phẩm thông qua đất, không khí, nước và quá trình sản xuất công nghiệp. Nhiễm độc chì có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Chì có thể gây tổn thương não và hệ thần kinh, cũng như làm chậm sự tăng trưởng và phát triển. Năm ngoái, Mỹ cũng vừa thu hồi hơn 10.000 bình sữa do công ty Green Sprouts sản xuất vì lo ngại mối hàn ở đế các sản phẩm này có thể khiến trẻ em bị ngộ độc chì. Trong những năm gần đây, đã có nhiều đợt thu hồi các sản phẩm dành cho trẻ em tại Mỹ, bao gồm đồ chơi, bình sữa và đến nay là thức ăn, do nhà chức trách lo ngại tình trạng phơi nhiễm chì ngày càng tăng trong sản phẩm dành cho trẻ em.

fda-canh-bao-tinh-trang-suc-khoe-tre-em-bi-anh-huong-khi-su-dung-san-pham-trai-cay-nhiem-chi

Sản phẩm túi trái cây xay nhuyễn dành cho trẻ em vừa bị thu hồi. Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, phơi nhiễm chì xảy ra khi trẻ tiếp xúc với chì bằng cách chạm, nuốt hoặc hít phải chì hoặc bụi chì. Việc tiếp xúc với chì có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và gây ra những tác dụng phụ đã được ghi nhận rõ ràng như tổn thương não và hệ thần kinh, tăng trưởng và phát triển chậm lại, vấn đề học tập và hành vi, vấn đề về thính giác và lời nói. CDC cho biết, các báo cáo cho thấy, bằng chứng việc tiếp xúc với chì ở trẻ em có thể gây ra tác hại lâu dài như IQ thấp hơn, giảm khả năng chú ý, kết quả học tập kém ở trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo tiếp xúc với chì ở trẻ em thường khó nhận thấy. Hầu hết trẻ em không có triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Nếu có nghi ngờ rằng, trẻ có thể đã tiếp xúc với chì, cha mẹ nên hỏi ý kiến tư vấn y khoa về việc xét nghiệm chì trong máu. CDC cảnh báo: “Những ảnh hưởng do tiếp xúc với chì có hại hơn đối với trẻ em dưới 6 tuổi vì hệ miễn dịch kém, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm độc. Trẻ nhỏ cũng có xu hướng cho tay hoặc các đồ vật khác có thể chứa bụi chì vào miệng nên dễ bị nhiễm hơn trẻ lớn”. Trẻ em có mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 5 lần người lớn, cơ quan này kết luận.

Chị Katherine Suzy (Mỹ) là một phụ huynh có con nhỏ đang độ tuổi ăn dặm tỏ ra vô cùng lo lắng trước các cảnh báo nhiễm chì trong sản phẩm của trẻ em. “Chúng tôi thường xuyên sử dụng các túi hoa quả và thực phẩm nghiền sẵn vì không có đủ thời gian để nấu tất cả bữa ăn trong ngày cho con. Vụ việc thu hồi làm tôi rất lo ngại và bây giờ còn không biết mua loại thực phẩm nào cho con bé”, Katherine giải thích với phóng viên của CNN sau khi nhận được thông tin.

Các bác sĩ của CDC lý giải, sau khi tiếp xúc, chì nhanh chóng đi vào máu và có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Khi trẻ nuốt phải chì, nồng độ chì trong máu sẽ tăng lên. Khi trẻ ngừng tiếp xúc với chì, lượng chì trong máu sẽ giảm dần và cơ thể trẻ có thể thải ra một phần chì qua nước tiểu, mồ hôi và phân. Chì cũng được lưu trữ trong xương nhưng có thể phải mất hàng chục năm lượng chì tích trữ trong xương mới giảm đi. Ngay cả nồng độ chì trong máu thấp cũng đã được chứng minh là có ảnh hưởng tiêu cực đến trí thông minh, khả năng chú ý và thành tích học tập của trẻ.

Theo VietQ