Dân mạng bức xúc vì Quang Lê ngồi lên mộ cố nhạc sĩ Nhật Ngân

Quang Lê chia sẻ hình ảnh ngồi lên mộ nhạc sĩ Nhật Ngân trong chuyến viếng thăm mộ cố nhạc sĩ khiến nhiều người bức xúc.

Cách đây ít phút, ca sĩ Quang Lê đã chia sẻ trên trang cá nhân hình ảnh viếng mộ cố nhạc sĩ Nhật Ngân với những lời thành kính: “Chiều tà kính viếng mộ phần cây cổ thủ nhạc Việt, nhạc sĩ Nhật Ngân. Con xin ghi ơn chú đã cho con bài “Xuân này con về mẹ ở đâu?” và “Chiều xuân xa nhà”. Con cám ơn chú đã tin tưởng và trao tặng con hát những bài kinh điển của chú”.

Cùng với đó, ca sĩ Quang Lê chia sẻ những hình ảnh bên mộ cố nhạc sĩ Nhật Ngân. Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh thành kính, Quang Lê đã chia sẻ một hình ảnh... ngồi lên mộ cố nhạc sĩ.

Quang Lê chia sẻ hình ảnh ngồi lên mộ cố nhạc sĩ Nhật Ngân

Bức ảnh ngay lập tức đã trở thành đề tài bàn tán của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Quang Lê ngồi lên mộ là hành động không nên, không đúng thuần phong mĩ tục và có phần bất kính.

Cư dân mạng bức xúc vì hành động của Quang Lê

Trang cá nhân Hồng Linh chia sẻ: “Mình rất thích giọng ca của ca sĩ Quang Lê nhưng không thích những hành động của anh trong thời gian gần đây. Đi viếng mộ cần sự thành kính, tôn trọng qua hành động chứ lời nói thì thế mà hành động không đẹp chút nào”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Quang Lê để nguyên kính râm khi đi viếng mộ cũng tỏ sự màu mè, không thành kính.

Một số hình ảnh khác Quang lê chia sẻ trên trang cá nhân

Ngay sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng, ca sĩ Quang Lê đã xóa những hình ảnh trên trang cá nhân.

Đây không phải lần đầu tiên ca sĩ Quang Lê gặp phải những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Trước đó, Quang Lê cũng đã gặp một số ý kiến cho rằng bóc lột con gái nuôi Phương Mỹ Chi, cướp “gà’ của Đàm Vĩnh Hưng...

Nhạc sĩ Nhật Ngân tên thật Trần Nhật Ngân (24 tháng 11 năm 1942 – 21 tháng 1 năm 2012). Ông được biết đến nhiều qua một số tác phẩm nổi tiếng trước 1975 như "Tôi đưa em sang sông" (đồng tác giả Y Vũ), "Xuân này con không về", "Qua cơn mê", "Ðêm nay ai đưa em về" và "Một mai giã từ vũ khí", và sau 75 với bản "Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh".[1]Một số bút hiệu khác của ông là Trịnh Lâm Ngân (khi viết chung với Trần Trịnh), Ngân Khánh, Song An.

Ông là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Nguyên quán ông ở Hoàng Kim, Thanh Hóa, nhưng hầu hết cuộc đời ông sống ở Huế,Đà Nẵng và Sài Gòn.

Tên tuổi Nhật Ngân được nhiều người biết đến vào thập niên 1960 với bản nhạc đầu tay Tôi đưa em sang sông.

Trong những năm sau đó, một số tác phẩm của ông được ghi danh vào lịch sử âm nhạc Việt Nam như Đêm nay ai đưa em về?, Mùa xuân của mẹ, Xuân này con không về (viết với đề tài tâm trạng người lính), Qua cơn mê và Một mai giã từ vũ khí (viết trong bối cảnh Hiệp định Paris kết thúc Chiến tranh Việt Nam).

Theo An Nguyên (GDVN)