Cuối năm, hàng giả, hàng cấm lại "vào mùa"

Cuối năm là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng tình hình thị trường và nhu cầu của người dân để tập kết, đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào tiêu thụ...

Tiêu hủy hơn 7 tấn hàng giả, hàng cấm

Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, chiều 9/12, Chi Cục Quản lý thị trường TP HCM tổ chức tiêu hủy hơn 7 tấn hàng cấm, hàng giả. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chức năng, đồng hồ, thuốc lá, sữa, đường… Lực lượng chức năng phải cần đến 4 xe tải mới chở hết số hàng hóa vi phạm đến lò tiêu hủy.

Theo cơ quan quản lý thị trường, có tới hơn 2.173 các sản phẩm tiêu hủy là đồ chơi trẻ em, đồ chơi bạo lực, kèn xe… chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc.

Mỹ phẩm cũng là nhóm có số lượng tiêu hủy lớn nhất, với hơn 25.000 sản phẩm đủ các thương hiệu. Nhiều loại mỹ phẩm được đóng trong những chai nhựa đơn giản, thông tin sơ sài. Trong đó có cả những loại mỹ phẩm dành cho trẻ nhỏ, nhưng không có bất cứ thông tin gì về thành phần, công thức, cách sử dụng.

Một mặt hàng cũng có số lượng tiêu hủy lớn trong đợt này là sữa Ensure và nhiều loại thực phẩm mang nhãn mác Nhật Bản. Nhưng theo các cán bộ quản lý thị trường, thực tế nguồn gốc các sản phẩm này rất mù mờ.

Ngoài ra, có rất nhiều loại túi xách, giày dép… nhái đủ các thương hiệu nổi tiếng như LV, Channel, Gucci… cùng hàng nghìn mũ bảo hiểm giả, nhái, chất lượng kém bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ cũng được đưa đi tiêu huỷ. Nhiều thứ hàng dưới mách xách tay, nhập khẩu cao cấp… thực chất là những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Giáp Tết luôn là thời điểm các loại bánh mứt, hạt dưa, bí, thuốc lá lậu được đưa về TP HCM tiêu thụ. Cơ quan quản lý thị trường cho biết, có tới 48.513 gói thuốc lá lậu cùng một lượng lớn hạt hướng dương xuất xứ Trung Quốc cũng nằm trong lô hàng tiêu hủy. Đáng chú ý, có tới 4.500 kg hóa chất các loại, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cuối năm, hàng giả, hàng cấm lại

Cuối năm là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng tình hình thị trường và nhu cầu của người dân để tập kết, đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào tiêu thụ... (Ảnh minh họa).

Hàng lậu, hàng giả tung hoành

Báo Lao động đưa tin, những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn với việc chuẩn bị nguyên liệu, hàng hóa cho Tết Nguyên đán. Đây là dịp các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, nhập dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp cao điểm. Đồng thời, đây cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng tình hình thị trường và nhu cầu của người dân để tập kết, đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Công San, các mặt hàng được buôn lậu chủ yếu trong dịp cuối năm và tết như: Thuốc lá, rượu bia, hàng may mặc, da giày, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh… Hàng hóa được vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội, từ đó vận chuyển nhỏ lẻ vào TP theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, các đối tượng đang chuyển sang mặt hàng có chất lượng cao hơn, như: Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cùng với đó, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến cho giá hàng Trung Quốc rẻ hơn cũng được coi là một trong những nguyên nhân tác động đến tình hình buôn lậu. Hiện tượng gian lận thương mại trong kê khai hàng hóa nhập khẩu (kê không đúng số lượng, chủng loại, mã hàng hóa…) vẫn còn phổ biến.

Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như mỹ phẩm, thuốc đông dược, dược phẩm, thực phẩm chức năng, lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao dẫn đến việc gia tăng hàng hóa cận hạn, hết hạn sử dụng và hàng kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt khi mùa cao điểm mua sắm đang tới gần.

Trong 10 tháng của năm 2015, lực lượng chức năng đã tổ chức thanh - kiểm tra 54.096 vụ, xử lý 16.399 vụ, khởi tố 72 vụ với 98 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa 2.167,825 tỉ đồng. Một số vụ điển hình như: Ngày 14.10.2015, Đội QLTT số 13 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - CA TP. Hà Nội kiểm tra Cty Massco (Thanh Trì) phát hiện hàng hóa của Cty có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, mẫu mã của Thái Lan, hiện đang tiếp tục điều tra; ngày 5.11.2015, Đội QLTT số 14 kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm thuộc Cty CPTM&KT An Phước (Nam Từ Liêm) phát hiện hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, vỏ hộp, bao bì có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp…

Tuy nhiên, việc phát hiện này dường như chỉ như “muối bỏ bể”, khi hiện nay, các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái có quá nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt các lực lượng chức năng. Theo thừa nhận của ông Nguyễn Công San, càng về những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, các đối tượng buôn lậu chọn thời điểm này để tập kết, vận chuyển hàng nhập lậu về Hà Nội. Hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán xen lẫn với hàng hóa thật, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, đại diện Chi cục QLTT cho rằng, một bộ phận người tiêu dùng mặc dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ và có thói quen thích sử dụng hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng nên vẫn chấp nhận. Còn lại phần lớn người tiêu dùng sử dụng do mức giá rẻ hơn mà không biết đó là hàng thật hay hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP do chưa đủ kỹ năng để nhận biết. Vị đại diện Chi cục QLTT kết luận bằng một lời khuyên khá “quen thuộc”: Người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái để tự bảo vệ mình!

Theo AN NHIÊN (DSPL)