Có nên nhổ răng khôn?

Nhiều người khổ sở vì răng khôn mọc lệch thường xuyên gây sưng lợi, đau nhức khó chịu. Tuy nhiên, không ít người chần chừ không dám nhổ vì sợ đau và nguy hiểm do biến chứng sau nhổ.

Về vấn đề này, theo bác sĩ Trần Thị Kim Chi, Phó giám đốc Trung tâm răng hàm mặt Đồng Nai, răng khôn nằm trong góc cùng của hàm, không có chức năng nhai và do khó vệ sinh răng miệng nên thường gây viêm nướu và sâu răng gây đau nhức, hôi miệng. Trong giai đoạn đau cấp, nếu không điều trị kịp thời sẽ làm viêm mô tế bào, cắn cứng hàm... Trường hợp răng khôn mọc bình thường nhưng lợi chùm thường sưng lên, sau khi cắt lợi chùm nhiều lần vẫn bị tái lại thì nên nhổ. Vì răng thường bị viêm nhiễm, lại nằm ở vị trí khó vệ sinh nên rất dễ bị sâu. Khi răng khôn bị sâu to sẽ rất khó nhổ. Thậm chí, răng khôn bị sâu sẽ làm răng kế bên bị sâu theo. 

Về nguyên tắc, chỉ nhổ răng khôn khi răng không sưng, không viêm. Bệnh nhân phải được chụp X.quang, xét nghiệm máu để xác định vị trí răng mọc và thời gian đông máu của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể nhổ răng khôn với điều kiện xét nghiệm máu cho kết quả lượng đường ổn định. Nếu lượng đường cao khi nhổ răng khả năng bệnh nhân bị viêm nhiễm cao, rất khó lành vết thương dẫn đến hoại tử vết thương. Do đó, nếu mọc răng khôn nên đi khám bác sĩ để xem có nên phẫu thuật hay không và được tư vấn cách phòng ngừa viêm nhiễm, vệ sinh răng miệng đúng cách.

Theo An An (Báo Đồng Nai)