Bé gái 6 tuổi bị mất máu cấp do ăn phải lá cây chữa táo bón



Ăn món rau chế biến từ lá cây du mại, bé gái 6 tuổi phải nhập viện cấp cứu do tan máu, đi tiểu nước màu đỏ, da xanh xao, mệt mỏi.

Mới đây, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi 6 tuổi bị nhiễm độc gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Đó là trường hợp bệnh nhân Đinh Thị Qu. ở xóm Ưng, xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc.

Theo lời kể của gia đình, trước đó một ngày bệnh nhân ăn món rau chế biến từ lá cây du mại trong bữa tối. Sau đó không lâu có biểu hiện ngộ độc. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt, da xanh nhợt, đái ra nước tiểu sẫm màu, mất máu.

be-gai-6-tuoi-bi-mat-mau-cap-do-an-phai-la-cay-chua-tao-bon

Lá cây du mại

BS Ninh Duy Kiên, Phó Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho biết, hai ngày sau khi được xử trí cấp cứu truyền bốn đơn vị máu, bù dịch, điện giải và thải độc, kháng sinh hiện sức khỏe bệnh nhân Qu đã ổn định. Bệnh nhân tỉnh táo, ăn được, da hồng, nước tiểu trong dần. Tuy nhiên, bệnh nhân Qu. vẫn cần nằm viện điều trị dài ngày do độc tố vẫn tồn tại trong cơ thể gây tan máu.

Điều đáng nói là, mặc dù đã được khuyến cáo không ăn loại lá cây rừng du mại nhưng vẫn có những trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra. Cách đó không lâu, bé gái ở Phú Thọ cũng đã bị ngộ độc sau khi ăn loại lá cây này.

Trước đó bé bị táo bón, điều trị bằng men tiêu hóa một tuần không thuyên giảm. Gia đình nghe mách dùng lá lộc mại nấu cháo cho trẻ ăn nên đã áp dụng theo. Thấy biểu hiện bé sốt, chán ăn, da xanh… gia đình đưa vào viện. Xét nghiệm cho thấy trẻ bị thiếu máu nặng, huyết sắc tố hạ thấp ở mức 64g/l được chẩn đoán là ngộ độc lá cây lộc mại gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng và được truyền máu cấp cứu. May mắn bệnh nhi không nguy hiểm tính mạng.

Theo các bác sỹ, đa phần các bệnh nhân bị ngộ độc lá du mại hiện khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Có trường hợp đến muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu đã dẫn đến tử vong.

Được biết lá du mại hay có nơi gọi lá mọi, lá lộc mại… là loại cây cao khoảng 2-3 m mọc hoang dại. Người dân còn sử dụng lá này làm rau ghém, băm nhỏ làm gia vị nhồi thịt chó, nhồi lòng, làm món rau đồ hoặc đun nước uống. Ngoài ra, dân gian thường thấy tác dụng nhuận tràng khi dùng lá cây này ở liều nhỏ và tác dụng tẩy khi dùng liều lớn, nên chữa táo bón, kiết lỵ... Tuy nhiên, y văn Việt Nam chưa ghi nhận nghiên cứu nào về công dụng chữa bệnh của loại cây này. Sử dụng với số lượng lớn có thể gây ngộ độc.

Khi ăn lá cây du mại sẽ dễ gây ra phá vỡ hồng cầu. Những biểu hiện ngộ độc sau ăn lá cây du mại như: đái ra nước tiểu sẫm màu, tụt huyết áp, chóng mặt, da xanh nhợt. Bệnh nhân mất máu cấp và dễ dẫn đến các biến chứng như suy thận, suy gan, suy tim, suy đa tạng. Ngộ độc nặng, không kịp thời xử lý có thể tử vong.

BS Kiên khuyến cáo, với bệnh nhân điều trị ngộ độc, thời gian nằm viện có thể cần một tuần hoặc hơn để hồi phục, kèm theo đó là rất nhiều các chi phí khác mà đối với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn sẽ là cả một vấn đề. Cộng với những ảnh hưởng đến sức khỏe sau ngộ độc.

Ngoài ra, theo một số người có kinh nghiệm, với cùng một loại lá cây, người dân có thể ăn lần này không sao nhưng lần khác lại bị ngộ độc. Hoặc nhiều người cùng ăn, người này không sao nhưng người khác lại bị. Bởi vậy, người dân không nên ăn lá cây du mại nói riêng và lá cây rừng, những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chưa được kiểm chứng nói chung để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo GiaDinh