Việt Nam tăng trưởng hàng đầu châu Á

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ở Hà Nội ngày 11-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2017, với GDP tăng 6,81%, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu.

Cải cách kinh tế được đẩy mạnh; việc công khai, minh bạch và phòng chống tham nhũng được tăng cường. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện; việc cạnh tranh ngày càng lành mạnh, bình đẳng...

Việt Nam tăng trưởng hàng đầu châu Á - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên thảo luận về tăng trưởng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam Ảnh: QUANG HIẾU

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Việt Nam kinh tế nhanh nhưng phải bền vững. Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải chạy đua nước rút. Chúng ta cần lấy những thành tựu của năm 2017 làm nền móng vững chắc để nền kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.

"Chúng ta nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể. Tận dụng triệt để cơ hội, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế để phấn đấu trở thành "con hổ kinh tế" mới của châu Á" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào để phát triển nhanh, bền vững và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo.

Cần giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân công giá rẻ - đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn.

Thủ tướng nêu rõ năm 2018, tăng trưởng phải ở cận trên mức chỉ tiêu Quốc hội giao, chất lượng tăng trưởng phải nâng lên, năng suất lao động phải cao hơn, cuộc sống người dân được nâng cao. Nền kinh tế phải có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn.

Bên cạnh đó, phải nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thương mại điện tử. Cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương, sản phẩm. Ngoài ra, cần giảm chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Việt Nam phải có một nền giáo dục quốc gia đổi mới, phù hợp với sự phát triển.

T.Hà - M.Chiến

Theo NLD