Uber: Từ ứng dụng được yêu thích tới cuộc chiến pháp lý

 Ra đời một cách tình cờ, Uber trở thành công ty chưa IPO giá trị 51 tỷ USD. Dù có một lượng fan đông đảo, ứng dụng này cũng khơi mào một cuộc chiến pháp lý trên toàn cầu.

Một đêm mưa cuối năm 2008, Travis Kalanick cùng người cộng sự Garrett Camp đang đi dạo trên một con phố ở Paris thì cơn mưa nặng hạt trút xuống. Cả hai quyết định về khách sạn, nhưng mọi cố gắng để bắt một chiếc taxi trên đường phố Paris vội vã trong cơn mưa lớn hầu như vô ích.

Tại sao không thể có một ứng dụng gọi taxi với những tác vụ đơn giản gồm bật điện thoại lên, bấm nút và đặt hàng chiếc xe bạn cần? Đó là điều Garrett Camp và Travis Kalanick nghĩ tới. Và cả 2 đã chọn Uber làm ý tưởng kinh doanh sau chuỗi thất bại từ hai dự án khởi nghiệp trước, dù khi đó, họ cùng rơi vào tình trạng thiếu tiền, phải bán đi những quyền sở hữu tài sản khác để có vốn.

Tháng 12/2008, Kalanick lần đầu tiên chia sẻ về Uber tại hội thảo công nghệ LeWeb. Cựu sinh viên từng bỏ học ở đại học California, Mỹ miêu tả ứng dụng này như một cách để có một cuốc đi xe giá rẻ trên những chiếc ô tô hạng sang, chỉ thông qua một chiếc smartphone.

Tháng 3/2009, UberCab - tiền thân của Uber ra đời. Tới tháng 6/2015, Uber kỷ niệm 5 năm thành lập với thông báo đã phát triển thành một mạng lưới giao thông ở 311 thành phố và 67 quốc gia.

Tại Việt Nam, Uber xuất hiện lần đầu vào tháng 6/2014 ở TP HCM và sau đó đến tháng 11/2014, dịch vụ này đã có mặt tại Hà Nội.

Hiện tại, dự án của tỷ phú 39 tuổi người Mỹ đã huy động được nguồn tài trợ lên tới 5 tỷ USD, và được định giá ở mức 51 tỷ USD (tháng 7/2015), vượt qua cả con số mà Facebook từng có trước khi lên sàn.

Uber: Từ ứng dụng được yêu thích tới cuộc chiến pháp lý
Giá cước rất rẻ, tài xế ăn vận lịch sự và những chiếc xe mới, thơm tho, không biển hiệu là điều làm nên sự yêu thích của Uber trên toàn thế giới. Ảnh: Yahoo.

Ở Mỹ, chi phí mà khách hàng phải trả cho 1 trong 6 dịch vụ của Uber là rất chênh lệch, tùy vào khu vực và tùy hành trình. Theo đó, nếu khách hàng ở Los Angeles, cước phí cơ bản dao động ​0-40 USD, cộng thêm 0,18 - 0,6 USD cho mỗi phút di chuyển, hoặc 1-5 USD nếu tính theo dặm đường. Trong khi nếu ở Washington DC, mức cước cơ bản có thể lên tới 14 USD với UberSUV, và mỗi dặm di chuyển, khách phải trả 3,65 USD.

Tại Singapore, khách hàng chỉ có 5 lựa chọn xe, trong đó có UberTaxi và những chiếc xe 7 chỗ (điều này trái với quy định của hãng tại Mỹ và châu Âu, khi xe tham gia hệ thống phải là loại 4 chỗ). Cước phí tối thiểu cho một hành trình là 3,5 USD, trong khi giá trên mỗi km tối đa là 3,25 USD. Riêng với UberTaxi, hãng yêu cầu trả tối thiểu 2,12 USD cho mỗi lần đặt xe, 22 cent trên quãng đường 400m. Nếu ra xe trễ 5 phút, khách phải trả tiền hủy chuyến là 1,4 USD.

Ở Việt Nam, Uber chỉ cung cấp 3 dịch vụ là UberX (xe thường), UberBlack (xe sang) và SUV (xe siêu sang). Khách ở Hà Nội nếu lựa chọn UberX hay UberBlack sẽ trả cước mở cửa là 5.000 đồng, và phí hành trình tối đa là 9.597 đồng/km, riêng dịch vụ UberSUV vẫn đang trong chương trình giảm giá 30%.

Tại TP HCM, cước mở cửa dao động 5.000 - 6.500 đồng, và phí hành trình tối đa là 11.499 đồng/km. Tuy nhiên, khác với nhiều khu vực trên thế giới, ở Việt Nam không có thêm dịch vụ đi xe an toàn, vốn có mức phí tương đối cao tại châu Âu hay Mỹ.

Tháng 2/2015, Sverre Nilsen - một thanh niên người Bỉ, vốn là fan hâm mộ Uber sau khi đã được trải nghiệm dịch vụ này tại London một năm rưỡi trước - đã quyết định thử cảm giác gia nhập Uber trong vòng một tuần với dịch vụ UberPop (phiên bản châu Âu của UberX). Chỉ sau 3 ngày rưỡi, Sverre Nilsen thực hiện được 26 chuyến xe, kiếm 411 USD. Trung bình, mỗi chuyến UberPop có giá 10 USD, và lái xe được nhận 80% trong số này.

Trên mỗi chuyến đi của Nilsen, cả hành khách và lái xe đều được đánh giá lẫn nhau trên thang điểm từ 1 đến 5. Nếu người lái xe bị đánh giá ở mức thấp hơn 4,2, anh ta sẽ phải trao đổi lại với quản lý Uber và có thể bị loại khỏi mạng lưới. Ngược lại, khách hàng bị đánh giá có thái độ kém (điểm dưới 3) có thể sẽ bị từ chối nếu yêu cầu dịch vụ.

Theo Nilsen, trung bình mỗi giờ, lái xe có thể kiếm được 25 USD, phần lớn đến từ tiền tưởng. Đây là công việc phù hợp với sinh viên, hay những người mới ra trường nhưng chưa biết bắt đầu sự nghiệp ở đâu.

"Đó là cơ hội gặp gỡ nhiều người, nói chuyện về nhiều thứ. Tất nhiên, phần lớn câu chuyện là khách hỏi chúng tôi về Uber. Chỉ có một điều tôi không mấy thích thú, đó là họ đánh giá những lái xe Uber như những lái xe taxi thông thường, tức là người phục vụ. Không, hãy quên điều đó đi, bởi chúng ta đang ở trong một nền kinh tế chia sẻ", Sverre Nilsen nói với Business Insider.

Tuy luôn khẳng định chỉ là công ty công nghệ, và hoạt động nhằm tăng tính cộng đồng, thiết lập một nền kinh tế chia sẻ, nhưng Uber lại gặp rắc rối khi được coi là nguồn gốc của sự bất công trong giới taxi truyền thống và phi truyền thống.

Tại Pháp, ước tính có khoảng 10.000 phương tiện đang hoạt động dưới sự điều hành của các hãng taxi "phi truyền thống" giống như Uber. Theo các lái xe taxi tại Pháp những người tham gia Uber không phải trả khoản chi phí ban đầu lên tới 240.000 EUR nhằm lấy được giấy phép hoạt động giống như họ. Với quan điểm Uber cướp khách, cạnh tranh không công bằng, những vụ phản đối Uber tại Pháp, Mexico... đã biến thành bạo loạn, với cảnh đập phá, đốt xe và hành hung tài xế.

Theo Hạ Minh(Zing)