TPP sẽ hồi sinh giấc mơ ô tô Việt?

TPP được trông chờ mang lại cú hích cho công nghiệp phụ trợ ôtô và khi đó nó sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến lên.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đầu tư, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam đã nói về cơ hội của công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam khi HIệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Theo đó, khi TPP được thực thi, các nhà sản xuất linh phụ kiện ôtô tại các nước thành viên có thể đầu tư sản xuất tại Việt Nam, rồi chuyển cho công ty mẹ lắp ráp và xuất sang các thị trường nội khối.

TPP sẽ hồi sinh giấc mơ ô tô Việt?
Khách chọn xem mua xe tại một cửa hàng ôtô ở TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ

"Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định như vậy về cơ hội hồi sinh ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam mà TPP sẽ mang lại, nếu Việt Nam có giải pháp tốt để tận dụng cơ hội này. Trong khi Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia có thế mạnh về sản xuất linh phụ kiện cho ngành công nghiệp ô tô trong khu vực - không tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế nhất định trong lĩnh vực này so với các nước thành viên khác.

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được ô tô hay phụ kiện, giá thành sản xuất của Việt Nam phải cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Chính phủ, năng lực nội lực của Việt Nam, cũng như trình độ nhân công, đầu tư vào nhân sự và kỹ năng quản lý", ông Phạm Văn Dũng chỉ rõ.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, công nghiệp ô tô ở Việt Nam thời gian qua chưa thể phát triển vì nhiều lý do, một trong số đó là thị trường nội địa quá nhỏ, không đủ lực hấp dẫn để lôi kéo, thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất linh kiện phụ kiện tại Việt Nam.

Từng trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) bày tỏ, giấc mơ ô tô Việt hãy bắt đầu từ con ốc.

"Điểm mấu chốt của công nghiệp ô tô là sự phát triển của kỹ thuật và công nghiệp phụ trợ. Việt Nam có thể chấp nhận gia công ở công nghiệp phụ trợ để hiểu biết sâu sắc hơn, đào tạo nhân lực và vật lực để nghiên cứu.

Đối với công nghiệp ô tô ở các nước tiên tiến trên thế giới, nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất từng con ốc rất tinh vi. Chỉ riêng công nghệ về túi hơi đã luôn phát triển, chỉ cần 1 tai nạn xảy ra, người ta có thể nghiên cứu được điểm yếu nhất của công nghệ túi hơi là gì. Thà chấp nhận đi từ những thứ nhỏ nhất như thế còn hơn mơ mộng cố tạo ra 1 sản phẩm khi chưa có đủ nguồn lực, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển".

Theo Minh Thái (BDV)