Thương mại điện tử Khung pháp lý còn nhiều bất cập

Bảo vệ người tiêu dùng trong Thương mại điện tử (TMĐT) là một vấn đề nóng và được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả, ngoài ghi nhận các quyền của người tiêu dùng, còn có trách nhiệm của tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh; pháp luật về hành chính, dân sự và hình sự quy định các chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền của người tiêu dùng.

Khắc phục “lỗ hổng” pháp lý

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để TMĐT phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.

Thương mại điện tử Khung pháp lý còn nhiều bất cập
Hình minh họa.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 cùng Thông tư số 47/2014/TT- BCT quy định về quản lý website TMĐT, khung pháp lý cho hoạt động này có những thay đổi đáng kể, khắc phục những lỗ hổng pháp lý thời điểm trước như thông tin đăng ký, thiếu quy phạm quản lý kinh doanh TMĐT trên các mạng xã hội... Ngoài ra, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm khác nhau.

Thương mại điện tử Khung pháp lý còn nhiều bất cập
Hình minh họa.

 Còn nhiều bất cập đang bỏ ngỏ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nghị định 52/2013/NĐ-CP sau gần 2 năm thực hiện (Nghị định này có hiệu lực từ 1/7/2013) đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo TS. Hồ Ngọc Thúy, Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC): Một số các bất cập này đã được khắc phục qua Thông tư 47/2014/TT-BCT. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ. Cụ thể như: Thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh TMĐT qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động. Quy định chưa rõ ràng đối với danh sách các website TMĐT khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng. Thiếu hướng dẫn tiết chi về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến.

Thương mại điện tử Khung pháp lý còn nhiều bất cập

Hình minh họa.

Bên cạnh website TMĐT, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Hiện số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng gia tăng. Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh TMĐT cũng như nền tảng di động cũng không kém phần cấp thiết. Hiện nay chưa có quy định quản lý TMĐT trên nền tảng di động cũng như chế tài tương ứng với hành vi vi phạm. Thông tư quy định việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nhưng lại không có các chế tài cụ thể cho hành vi vi phạm đối với kinh doanh trên mạng xã hội tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Hơn nữa, Điều 63 của Nghị định cho phép Bộ Công Thương công khai trên cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT danh sách các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Vấn đề đặt ra là điều kiện quản lý cho hoạt động kinh doanh như “Cần quy định nhãn tín nhiệm như một điều kiện kinh doanh trong TMĐT” có tạo thuận lợi hay đó chỉ là cơ sở để cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện? Điều 63 không giới hạn những người có quyền phản ánh website có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng không quy định chi tiết quy chế xác thực, dẫn tới rủi ro các đối thủ cạnh tranh lợi dụng phản ánh lẫn nhau. Nhiều website kinh doanh TMĐT không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng...

Theo các chuyên gia của Cục Quản lý Cạnh tranh thì nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về công nghệ thông tin cũng như về TMĐT còn hạn chế nên quyền lợi của họ bị xâm hại khi tham gia giao dịch. Thực tế, nhiều gian lận trong TMĐT xảy ra, trong đó có việc người mua đã chuyển tiền cho người bán nhưng lại không nhận được hàng do bên bán lừa đảo, hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo sai sự thật, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng... là những vấn đề đang tồn tại phổ biến trong giao dịch TMĐT. Do TMĐT là phương thức giao dịch được thiết lập từ xa, thông qua phương tiện truyền thông, khi giao kết hợp đồng TMĐT người bán và người mua không biết mặt nhau, người tiêu dùng lo lắng giao dịch sẽ bị lợi dụng bởi những hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp thanh toán không bảo đảm, bị mất hoặc tiết lộ thông tin cá nhân khiến đời sống riêng tư của họ bị xâm phạm...

Mặc dù, Pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT ở nước ta còn nhiều hạn chế, song việc phát triển và khai thác hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này là một xu thế tất yếu.

Hiệp hội TMĐT (VECOM) đã phối hợp với Trung tâm phát triển TMĐT (EcomViet) thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch TMĐT với tên gọi là Safeweb. Các website TMĐT thuộc phạm vi cấp nhãn tín nhiệm Safeweb bao gồm B2C (bán hàng tới tay người tiêu dùng), sàn giao dịch TMĐT và nhóm mua. Nên chăng sử dụng Safeweb như một điều kiện để kinh doanh TMĐT cho các website TMĐT?

 Theo Phan Lương (NTD)