"Thuốc bổ não, canh thông minh" cho mùa thi

Áp lực về thành tích, phải dẫn đầu mới có cơ hội thăng tiến trong tương lai khiến nhiều học sinh Hàn Quốc chạy theo điểm số và chịu nhiều sức ép.

Kinh tế càng phát triển, phụ huynh càng lo lắng tìm cách tăng năng lực “cạnh tranh” cho con. Vòng xoáy học hành - thi cử - áp lực cuốn cả người lớn lẫn trẻ nhỏ vào cuộc đua không điểm dừng. Những dịch vụ ăn theo nhờ thế càng ăn nên làm ra. Mới đây, nhiều đứa trẻ bị biến thành “chuột bạch” với những mũi tiêm giúp bổ não rất tốn kém nhưng lại… tầm phào.

Nhiều phụ huynh đăng ký dịch vụ để tiêm bằng được mũi thuốc “thần kỳ” cho con mình. Theo quảng cáo, mũi tiêm trị giá từ 50-100 USD là hỗn hợp chiết xuất từ lá bạch quả và nhiều loại vitamin. Cứ 10 trung tâm y tế tư nhân ở Daechi-dong (khu Gangnam, thủ đô Seoul) thì hết bảy trung tâm cung cấp dịch vụ này. Một số bác sĩ còn thuyết phục phụ huynh rằng ngoài việc có lượng chất bổ thiết yếu, mũi tiêm trên còn tạo áp lực cho dòng chảy của máu, tăng cường máu lên não, kích thích não bộ làm việc!

Một bà mẹ của bé trai tám tuổi cho biết, vì con chị chuẩn bị cho kỳ thi toán quốc gia sắp tới nên chị cho con tiêm liên tiếp ba mũi trong ba ngày liền với mong muốn con tăng khả năng tập trung. Người mẹ (đáng thương hơn đáng trách) vẫn nhắm mắt làm liều, nhìn con khóc thét, cố chịu đựng những mũi kim đau đớn chẳng vì lợi ích thực sự nào. Nhiều phụ huynh hoài nghi về tác dụng của loại thuốc chích bổ não nhưng vẫn cho con tiêm để chính họ được yên tâm.

Học sinh ngủ thiếp trong lớp vì quá kiệt sức tại một trường học ở Gangnam - Ảnh: NETEASE INTERNATIONAL NEW

Một bà mẹ có con trai 13 tuổi chia sẻ: “Tôi không chắc thuốc có tác dụng gì nhưng do muốn con đỡ vất vả trong kỳ thì, tôi phải thử xem sao”. Theo các chuyên gia y tế, không có nghiên cứu y học thực chứng nào khẳng định những mũi tiêm trên đem đến tác dụng tốt, mà đó chỉ là liệu pháp đánh lừa tâm lý phụ huynh và HS.

Nhiều chuyên gia tâm lý học đường chỉ biết thở dài. Trước đây, khi tới gần kỳ thi, HS được bố mẹ đưa đi truyền dịch, chủ yếu là truyền đường, tăng cường sức khỏe để vượt qua giai đoạn thi cử căng thẳng. Truyền đường cũng là một trong những cách phổ biến, quen thuộc với nhiều HS Trung Quốc.

Năm 2012, truyền thông Trung Quốc đăng tải loạt ảnh gây sốc về một lớp học tại trường trung học có tiếng Hubei Xiaogan. Đã chiều tối nhưng HS không được về nhà, một tay các em hí hoáy làm bài tập, một tay bất động với mũi kim găm vào để… truyền đường. Cách này được cho là tiện cả đôi đường, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho các em nhanh hồi phục sức khỏe, vừa tiết kiệm thời gian di chuyển đến trung tâm y tế (để tận dụng thời gian làm bài tập).

Phong trào tiêm thuốc kích thích não đang rộ lên ở Hàn Quốc được dự báo không lâu sau sẽ lan sang những quốc gia mà HS vẫn phải vật vã với việc học.

Đứa bé bị chích mũi bổ não trong nước mắt - Ảnh: KOREA TIMES

Nếu Hàn Quốc có mũi tiêm bổ não thì Trung Quốc có canh giúp phát triển trí thông minh. Được quảng cáo là canh thần kỳ với những bài thuốc gia truyền tẩm bổ thể lực và trí óc, món canh trên gần như “cháy hàng” khi đến mùa thi.

Tuy nhiên, dù là những vị thuốc quý, đảm bảo chất lượng thì theo các thầy thuốc, cần có thời gian để trẻ hấp thu chất bổ, chưa kể trường hợp cơ thể không hấp thu được trọn vẹn dưỡng chất. Phụ huynh thậm chí không tiếc tiền mua cho con thịt cá mập, đuôi chuột túi… để tẩm bổ.

Truyền thông Trung Quốc không ít lần đăng tải những tấm ảnh khiến nhiều người chết lặng, về cảnh HS xé sách tung lên không sau khi thi xong, như trút bỏ gánh nặng “ngàn cân”, hay hình ảnh HS đang tuổi phát triển nhưng còi cọc, ốm yếu vì phải học quá nhiều.

Hơn 80% HS Hàn Quốc đạt trình độ đại học, cao đẳng, nghĩa là đầu vào đại học, cao đẳng là ước mơ được “cài đặt” từ tấm bé. Mặt trái là, HS bị quá tải, cảm thấy việc học hành vô cùng nặng nề, nhiều em tìm đến cái chết để tự giải thoát. Số HS tự tử ở Hàn Quốc mỗi năm tăng dần.

Gangnam được ví như “trung tâm học thuật” của Hàn Quốc, trẻ em sinh ra ở đây ngay từ khi lọt lòng đã chịu áp lực vô hình, là phải có thành tích học tập vượt trội.

Điều này lý giải vì sao liều thuốc bổ não đầu tiên xuất hiện ở Gangnam. Kênh Journeyman Picture năm ngoái thực hiện một phóng sự tìm hiểu thực trạng của HS tại Gangnam. Cảnh tượng họ bắt gặp nhiều nhất là những HS thiếu sức sống, sẵn sàng ngã gục trên bàn vì mệt mỏi. Bộ Y tế Hàn Quốc năm 2015 công bố số liệu chỉ ra HS nước này nằm trong nhóm thanh thiếu niên kém hạnh phúc nhất thế giới.

Cơn sốt thi cử là nỗi ám ảnh ở rất nhiều quốc gia, nhất là những nước mà cánh cổng vào đại học đang ngày càng khép chặt vì “dư thầy, thiếu thợ”. Dù đã được các nhà xã hội, giáo dục học cảnh báo nhưng cơn sốt chạy theo thành tích vẫn không hạ nhiệt và ngày càng tạo ra hệ lụy khiến người trong cuộc (cả phụ huynh lẫn HS) chỉ còn cách “nhắm mắt đưa chân” với các loại “thuốc thử”.

Theo Thiên Như (Phunuonline)