Thực phẩm nào đang bị làm giả tràn lan?

Theo ông Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, hiện nay bất cứ cái gì cũng có thể làm giả, thậm chí cả tiết canh.

Ông Trần Đáng cho biết các loại thực phẩm đều có thể được làm giả.

Làm giả từ tiết canh đến thực phẩm chức năng

Ông Đáng cho biết hiện nay thực phẩm giả đang trở thành vấn đề nhức nhối của cả xã hội. Vì lợi nhuận, người ta làm giả nhãn hiệu hàng hóa của người khác, giả kiểu dáng công nghiệp, sở hữu trí tuệ, giả về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa (nơi sản xuất, nơi đóng gói), giả mạo tên hàng hóa, bao bì, địa chỉ thương nhân, mã số.

Ông Đáng cho biết, làm giả về thành phần và giá trị của protein vô cùng nguy hiểm. Nếu làm giả hàm lượng đạm trong các sản phẩm chúng ta sẽ cho cả một thế hệ còi cọc. Chính vì thế, có những cháu bé dù uống sữa nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng, còi xương vì đó là sữa được làm giả thành phần protein. 

Hiện nay theo quy định thực phẩm có thành phần thấp hơn 30% so với quy định (ví dụ protein công bố tại cục là 35% nhưng thực tế thấp hơn 30% của 35% đó thì phải xử lý luôn) nhưng hiện nay vấn đề này đang còn bỏ ngỏ. 

Theo ông Đáng hiện nay, sản phẩm hay bị làm giả là rượu bia, nước giải khát, kem, nước mắm, nước chấm, thực phẩm tươi sống, thịt quay. Thậm chí tiết canh cũng bị làm giả.

Các sản phẩm thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều là sữa ong chúa, đông trùng hạ thảo, collagen. 

Tại sao phải chết người mới xem là nghiêm trọng?

Thực phẩm giả có thể chứa các chất độc (do cố ý thêm vào để bảo quản tạo màu hoặc do thực phẩm để quá hạn phải sử dụng chất bảo quản độc hại). Nếu hàm lượng cao gây ngộ độc cấp tính, hàm lượng thấp gây ngộ độc mạn tính.

Ông Đáng cho biết đối với thực phẩm chức năng làm giả càng nhiều, càng tinh vi. Và tác hại của nó thì vô cùng nghiêm trọng.

“Với 10 tấn thực phẩm chức năng giả nếu tung ra thị trường sẽ có 2.000.000 người sử dụng (mỗi người 5g sử dụng 10 ngày) sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Nhưng thực tế, ở Việt Nam, phải chờ khi có chết người mới xem là hậu quả nghiêm trọng.

Còn ảnh hưởng tới sức khỏe của 2.000.000 người, ảnh hưởng tới phát triển giống nòi thì chưa phải là nghiêm trọng. Điều này hết sức sai lầm, vì tác hại âm thầm này sẽ gây ra các bệnh về lâu dài".

Nguyên nhân thực phẩm giả phát triển vì lợi nhuận của nó quá cao kích thích lòng tham lam của con người. 

Ông Đáng cho rằng các cơ quan kiểm soát giá cần xem xét về giá. Ví dụ một lượng đông trùng hạ thảo có giá bao nhiêu sẽ cho lãi bao nhiêu. Không thể để giá quá đắt vì càng đắt càng làm giả. Giá là sự thỏa thuận của người mua và người bán nhưng chính phủ có thể kiểm soát giá bằng chính sách, đừng thả nổi giá thực phẩm chức năng.

Quản lý còn yếu kém cũng là khâu dẫn tới hàng giả, hàng nhái tràn lan. Hiện nay ở Việt Nam, chế tài không có cơ chế răn đe, giáo dục. 

Một nguyên nhân nữa, ông Đáng cho rằng đó là do thiếu một chương trình giáo dục về an toàn thực phẩm và thực phẩm chức năng trong giáo dục ở trường học. Ở Việt Nam không có nội dung này vì ngay cả bác sĩ cũng không hiểu nhiều về thực phẩm chức năng vì không được đào tạo chính khóa. 

Theo Phương Thúy (Infonet)