Thu nhập người Singapore gấp 28 lần Việt Nam từ 2014

Con số về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam được đề cập trong bản cáo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Sáng 21/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 -2020, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Tổng kết những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản bảo đảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% vào năm 2015.

Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng đô-la, vàng trong giao dịch thanh toán. “Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nền kinh tế cũng còn rất nhiều hạn chế khi cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khoảng cách phát triển của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9%/năm, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%). 

Dẫn số liệu báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận "khoảng cách phát triển của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn". Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam là 2.052 USD, trong khi đó Singaporelà 56.287 USD, Malaysia là 10.830 USD, Thái Lan là 5.561 USD, Indonesia là 3.515 USD.

Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh.

Đặc biệt, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tiết lộ về con số nợ công/GDP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nợ công tính tới cuối năm 2015 khoảng 62,2%. Tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP và nợ nước ngoài của quốc gia/GDP chiếm tỷ trọng cao, lần lượt tương ứng 50,3% và 43,1%.

Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí”- Phó Thủ tướng đánh giá.

Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế tăng chậm. Doanh nghiệp quy mô lớn còn ít. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Chưa huy động được cao nhất các nguồn lực của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển.

Đề cập tới quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, báo cáo của Chính phủ đánh giá, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mới thực hiện được giai đoạn đầu. “Chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng cải thiện còn chậm. Cơ cấu tín dụng chưa thật phù hợp với yêu cầu phát triển. Năng lực tài chính, quản trị, kiểm tra, giám sát nội bộ của một số tổ chức tín dụng còn yếu, nợ xấu còn cao. Sở hữu và hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, có mặt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc tăng vốn điều lệ của một số tổ chức tín dụng chưa đạt mục tiêu đề ra. Nợ xấu đã được xử lý một bước nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của một số ngân hàng”- trích theo báo cáo.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn ở một số doanh nghiệp chưa đạt tiến độ. Tỷ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước thấp, chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực; thất thoát, lãng phí còn lớn.

Doanh nghiệp nhà nước có lợi thế về tiếp cận các yếu tố sản xuất, nhưng chưa thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Hoài (Infonet)