Thoát bữa ăn bẩn độc từ chuyện công sở buôn rau thịt

Chúng ta nhắc mãi về chuyện thực phẩm mất an toàn mà quên rằng có nhiều thực phẩm an toàn được sản xuất nhưng không đến tay người dân.

Theo quan điểm của TS. Vũ Thế Long, Thư ký Câu lạc bộ Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam chắc chắn có kẽ hở, bất cập về mọi vấn đề từ khâu sản xuất tới tiêu dùng. Người trồng rau sạch không biết bán cho ai, người muốn mua rau sạchlại phải chấp nhận mua rau bẩn vì "tìm đỏ con mắt không ra".

Kẽ hở quản lý về thực phẩm

TS. Vũ Thế Long nêu ví dụ: Tại Mỹ có cơ quan Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration FDA) là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. Cơ quan này chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng thông qua các quy định và giám sát an toàn thực phẩm.

FDA cũng thực thi các quy định khác về dịch vụ y tế công cộng và các yêu cầu về vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh trên các sản phẩm khác nhau hoặc từ vật nuôi hộ gia đình.

Người đứng đầu FDA là Cục trưởng thực phẩm và dược phẩm, do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm sau khi tham vấn và sự chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ. Cục trưởng có trách nhiệm báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.

Như vậy, vấn đề an toàn thực phẩm ở nước họ chỉ có 1 cơ quan chuyên trách quản lý. Luật pháp chặt chẽ và thực thi pháp luật tới mức cao khiến vấn đề này luôn nằm trong tầm kiểm soát của 1 người đứng đầu duy nhất.

Trong khi đó, Luật pháp của nước ta còn chồng chéo từ các bộ phận quản lý, cơ quan quản lý, nhiều quyền hành ngang nhau dẫn tới khó xử lý nếu xảy ra sự cố. Việc quản lý không thu về một mối như vậy sẽ dẫn đến khó giải quyết triệt để vấn đề. Đây là một điều oái oăm và cũng là một kẽ hở trong quản lý về thực phẩm của nước ta.


3 Bộ cùng quản lý một lĩnh vực như ngôi nhà có 3 cái cửa.

"Lỗi hệ thống của chúng ta ở đây là chưa phân định được trách nhiệm và chức năng quản lý cụ thể. Anh sai đâu tôi sẽ phạt đó mà cuối cùng không rút ra được vấn đề cần phải giải quyết với anh là gì. Vấn đề quyền lực và hình thức xử phạt không nhất quán gây khó khăn trong dân và không giải quyết được tận cùng vấn đề. Một ngôi nhà có 3 cái cửa thì quản lý cũng khó và xử phạt cũng khó", ông Long nhận định.

"Một vấn đề tôi muốn nhắc tới là những người có kiến thức chuyên ngành về y, dược chắc hẳn họ biết những loại chất nào được dùng để làm gì, dùng với con gì thì sẽ ảnh hưởng thế nào. Chất nào được phép dùng ở đâu, không được phép dùng cho ngành gì. Song thực tế cho thấy, anh cho phép người ta nhập hàng vào nhưng anh không quản lý được. Đến khi có lực lượng thanh tra kiểm tra mới phát hiện ra. Không chỉ đổ lỗi anh thanh tra không kiểm tra thường xuyên mà rõ là anh không quản lý được thì anh cũng phải xem xét lại”, TS. Vũ Thế Long nhận định. 

Thực phẩm an toàn ở đâu ra?

Ông Long khẳng định: "Tôi thấy một thực tế khi thực phẩm bẩn, độc tràn lan trên thị trường, nhiều gia đình đã sử dụng cách bán hàng từ quê gửi ra thành phố từ những người quen thân.

Đây là một hình thức tự sản tự tiêu, một cách ứng phó tự phát của người Việt Nam. Ban đầu là chỉ ở mức gia đình. Ví như bố mẹ gửi rau lên cho con, người thân. Sau này, đây trở thành một phong trào bán rau ở quê lên thành phố theo đường người thân. Công sở cũng bán rau, kinh doanh từ bán rau cho các mẹ, các chị làm thêm tăng thu nhập nườm nượp.

Không ai, không cơ quan nào chứng minh thực phẩm qua kênh này có an toàn hay không song nhiều người tiêu dùng vẫn tin tưởng nó và mua hàng từ đó. Bởi vì nó nhấn vào niềm tin của những người tiêu dùng sản phẩm. Dựa vào niềm tin và những mối quan hệ thậm chí không thân thiết vẫn có thể chọn mua rau củ quả, hay trứng cua, thịt trên mạng.

Câu chuyện trên cho ta thấy một thực tế là những "địa chỉ tin cậy" này ít có đầu ra để tới tay được người tiêu dùng. Thực tế xét trên một cách vĩ mô, nguồn rau sạch được trồng cấy theo hình thức VietGAP đã được thực hiện nhưng không chuẩn bị được đầu ra và gặp thất bại, bán giá rẻ bằng rau được trồng cấy thông thường, không có sự đảm bảo bằng. Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thì rất lớn nhưng không tiếp cận được".

Vì vậy, theo vị chuyên gia, việc cần làm là tăng cường những khu chợ tin cậy. Cư dân ở đô thị mà những người bán và người mua quen biết và tin cậy lẫn nhau và tạo mọi điều kiện để người tiêu dùng gặp gỡ người bán hàng, người sản xuất để tìm hiểu, thấu hiểu nhau dẫn tới tạo sự tin cậy trong dân chúng. Để cho người tiêu dùng tự quản lý được thức ăn, sản phẩm của mình, tăng vai trò của người tiêu dùng lên.


Thực phẩm sạch chưa được tiếp cận tối đa tới tay người tiêu dùng. Ảnh minh họa: baobinhdinh

Bên cạnh đó, chức năng và trách nhiệm của cơ quan truyền thông cần phải làm rõ ràng.

“Tôi nhận thấy có những phóng viên còn thiếu kiến thức nên cách họ viết về vấn đề không chính xác, không phản ánh được tính hai mặt của vấn đề. Họ phản ánh về trường hợp người dân phun thuốc bảo vệ cho thực phẩm nhưng ghi chung chung ở làng này, xã kia… Phải nêu cụ thể kẻ vô lương tâm ấy, không thể quy chụp cho cả làng ấy, cả cánh đồng ấy toàn những người nông dân chỉ biết cái lợi trước mắt mà không chú ý tới lương tâm của mình” - ông Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, có những trường hợp không phải họ cố tình mà bản thân họ cũng không nhận thức được việc phun thuốc này có ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe của người khác. Ví dụ: Có những chai thuốc trừ sâu dùng hết rồi rửa qua, tráng qua lại mang ra đựng nước.

“Cái gì khen nên khen, cái gì chê nên chê, không đánh đồng 2 chiều thông tin ấy, gây nên sự hoang mang cao độ trong dân chúng về thông tin. Đặc biệt là thông tin về an toàn mà sai sự thật lại càng nguy hiểm”, ông Long nhận định.

Đặc biệt mới đây, thông tin từ Báo điện tử Chính phủ cho hay về thực trạng thực phẩm nhiễm bẩn, độc hiện nay không đến mức nguy hiểm như các báo đã đang trước đó. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Qua kiểm tra cho thấy hiện nay chỉ có khoảng 7-8% thực phẩm bẩn và hơn 90% thực phẩm an toàn nhưng người dân không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn”.

Do đó, công tác truyền thông dù thế nào vẫn phải đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, minh bạch, cung cấp thông tin sao cho chính xác. Những thông tin về an toàn thực phẩm nếu không chính xác thì sẽ ảnh hưởng tới những người sản xuất chân chính cũng như người tiêu dùng.

"Trước đây, có thông tin cốm làng Vòng ở Hà Nội được nhuộm phẩm. Tôi đồng ý có thể có gia đình làm điều đó song một thực tế là các gia đình khác làm ăn lương thiện lại bị vạ lây. Món ăn truyền thống của dân tộc lại bị ảnh hưởng. Rồi nhiều thông tin không chính xác khác về ẩm thực: Như bánh phở có phóc môn, bún có chất độc… gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống và du lịch...", ông Long phân tích.

Theo Lê Na ( BĐV )