Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Nghiêm minh và bền bỉ

Theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai và Gia Lai sẽ triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm.
thi-diem-thanh-tra-chuyen-nganh-an-toan-thuc-pham-nghiem-minh-va-ben-bi

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội Vía Bà Chúa Sứ, Châu Đốc, An Giang. Ảnh: TL

9 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm

Việc triển khai sẽ thực hiện tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; tại 7 tỉnh, thành phố còn lại, sẽ có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, từ 10/6/2019 – 10/6/2020.

Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, từ ngày 10/7 đến ngày 10/7/2020, thành phố mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn để phân loại rõ nơi nào có nguy cơ cao cần tập trung thanh tra, kiểm tra. Theo ông Hiền, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thực chất. Cụ thể, tuyến quận, huyện, thị xã phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường, thị trấn phải kiểm tra ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Tại Đồng Nai, sau khi có công văn hướng dẫn của Bộ Y tế, đầu tháng 5/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm tại 2 địa phương cấp huyện và các xã trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ, 2 địa phương sẽ triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm là TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Ở TP Biên Hòa, sẽ triển khai tại các phường Thống Nhất, Long Bình, Quyết Thắng và xã Tam Phước. Ở huyện Long Thành sẽ triển khai tại thị trấn Long Thành và 2 xã Long Đức, Phước Thái. Thời gian thực hiện thí điểm trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 10/7.

Đối tượng triển khai thí điểm là UBND cấp huyện, UBND cấp xã được chọn làm thí điểm; các cơ quan quản lý chuyên ngành về An toàn thực phẩm; công chức phòng y tế, phòng kinh tế, viên chức trung tâm y tế; công chức văn hóa - xã hội; công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế, công an; viên chức trạm y tế; công chức, viên chức khác được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm ở cấp huyện, cấp xã được chọn làm thí điểm và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thanh tra không được gây khó cho doanh nghiệp

Trước đó, Hà Nội là một trong hai địa phương thí điểm việc này (từ 2015-2016), tại 5 quận, huyện (với 10 xã, phường). Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mô hình thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm tuyến cơ sở đã giúp tăng hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Tại huyện Đông Anh, Hà Nội, năm 2016 đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm ở xã Kim Chung và xã Uy Nỗ. Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ, ban đầu khi bắt tay triển khai, huyện vấp phải nhiều khó khăn.

Cán bộ chuyên trách về An toàn thực phẩm thiếu, trong khi các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra. "Hơn nữa, cán bộ ở cấp xã còn tâm lý "tình làng, nghĩa xóm", vì đa phần các hộ kinh doanh là người quen biết nên khi kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở, chứ không xử phạt. Huyện đã phải bố trí lực lượng hỗ trợ cho các đoàn thanh tra của xã để việc thanh tra, xử lý vi phạm được nghiêm minh", bà Tám nói.

Rút kinh nghiệm từ đợt đầu thí điểm, ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra viên. Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã có đủ lực lượng để thành lập từ 1 - 2 đoàn thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm.

Về phía Bộ Y tế, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, đây là mô hình rất cần thiết trong bối cảnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, các địa phương cần làm quyết liệt, tăng cường thanh tra trên tất cả các tuyến, nhưng tránh chồng chéo và không được gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Ông Nhiên đánh giá, tại Hà Nội sau khi thực hiện mô hình này, những chuyển động trong hoạt động thanh tra cũng như trong công tác an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả khá rõ nét. Chất lượng an toàn thực phẩm của hàng nghìn cơ sở tại các xã, phường triển khai thí điểm đã được kiểm tra qua hoạt động nghiệp vụ của hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, theo ông Nhiên, mục đích cuối cùng của hoạt động thanh tra không chỉ dừng ở con số cơ sở, hay số tiền xử phạt. Về lâu dài, hoạt động này, mô hình này phải hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh thực phẩm tôn trọng luật pháp, lành mạnh.

"Muốn như vậy, hoạt động thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm phải đáp ứng hai yêu cầu: Nghiêm minh và bền bỉ!", ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết thêm.

“Việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn”, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Theo GiaDinh