Thế chiến thứ ba đã bắt đầu?

Tác giả Peter Van Buren, người từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ trong 24 năm, đã có cái nhìn tổng quan về cuộc chiến của Washington tại Iraq.

Dưới đây là bài phân tích của nhà ngoại giao Peter Van Buren đăng trên blog của hãng tin Reuters:

Cái chết gần đây của một lính thủy đánh bộ Mỹ tại Iraq đã phơi bày một sự thật rằng Mỹ đã thiết lập một cơ sở vững chắc ở đây, đồng thời cũng cho thấy Lầu Năm Góc đã không trung thực khi nói rằng chỉ có khoảng 2.000 binh lính Mỹ ở Iraq. Thực tế một cơ sở thứ hai của Mỹ có thể được thiết lập trên nền tảng của việc điều chuyển quân lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq.

Các lực lượng đặc biệt của Washington cũng được bố trí khắp Iraq và Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch cho việc triển khải thêm quân. Đây có thể không còn là một cuộc chiến ngôn từ nữa và thực sự Mỹ đã đặt chân lên Iraq.

Bức tranh toàn cảnh trong khu vực Trung Đông đang rất ảm đạm. Tại Syria, các phiến quân do CIA "chống lưng" lại đang chiến đấu chống lại lực lượng do Lầu Năm Góc đào tạo. Các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, Anh và Jordani cũng đang chiến đấu với nhiều kẻ thù khác nhau ở Libya.

Tuy nhiên, theo như Quốc vương Jordan Abdullah từng nói Iraq vẫn là trung tâm của "Thế chiến thứ ba". Đó là nơi tổ chức khủng bố IS sinh ra và là nơi mà Mỹ chắc chắn sẽ còn dấn sâu trong một thời gian dài.

Thế chiến thứ ba đã bắt đầu?
Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq vừa tốn kém, kéo dài lại không có hiệu quả.

Câu chuyện về IS, Iraq và Mỹ bắt đầu từ năm 2003 khi Mỹ đưa quân vào Iraq và tạo ra các lực lượng giờ đây đang tỏa ra khắp Trung Đông. Chiến lược hậu phái binh của Mỹ đã hình thành một lực lượng người Shi’ite chiếm ưu thế so với người Sunni.

Cuộc chiến bè phái và tệ nạn tham nhũng ở chính phủ trung tâm khiến số lượng người thất nghiệp ngày càng nhiều, cuốn theo đó là những kẻ cuồng tín sinh sôi nảy nở. Những kẻ quá khích tôn giáo và những kẻ phi tôn giáo nhưng lại vô công rồi nghề tụ tập lại, tạo nên một mối quan hệ vô cùng nguy hiểm. Và những chính sách vụng về lại càng củng cố thêm cho mối quan hệ đó.

Một thủ lĩnh cấp cao của IS từng nói, nhà tù ở trại Bucca do Mỹ quản lý, phải chịu trách nhiệm chính cho sự trỗi dậy của tình trạng bạo lực ở Iraq, một quốc gia "chính trị thần quyền" cổ hủ và chia rẽ. "Chính nó (nhà tù ở Bucca) đã tạo nên tất cả, nó đã xây dựng lý tưởng của chúng ta. Và Baghdad chính là nơi chúng ta có tất cả mọi thứ chứ không phải ở bất kỳ đâu khác", thủ lĩnh của IS nói.

Như vậy, đầu tiên là al Qaeda ở Iraq, và tiếp theo là "hậu bối" của tổ chức này, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Chỉ trong vòng hơn một năm với các cuộc tấn công của "những con sói đơn độc" cũng như các vụ khủng bố liên tiếp vào Paris và Brussels, công cuộc đưa quân quay trở lại Iraq của Mỹ nhanh chóng chuyển từ nhiệm vụ giải cứu Yazidi sang nhiệm vụ cố vấn, tiếp đó là hỗ trợ không quân cho tới chỉ huy chiến đấu và giờ đây đã thành triển khai quân đổ bộ mặt đất.

Kể cả khi IS bị tiêu diệt (như tất cả các nhà lãnh đạo trong quá khứ và tương lai của Mỹ hứa hẹn) thì những vấn đề ở Iraq, Syria và các nơi khác ở Trung Đông vẫn sẽ đem đến phiền phức cho phần còn lại của thế giới.

IS là một câu trả lời và sự vắng mặt của nhóm khủng bố này có lẽ chỉ là một chỗ trống sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi một tổ chức khác mà thôi. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc mất cân bằng quyền lực ở Trung Đông do sự sụp đổ của một vài thể chế khiến tình hình thay đổi quá nhiều.

Lực lượng tiền đề mà Mỹ đang hỗ trợ để chiến đấu chống IS trên lãnh thổ của người Sunni ở Iraq là các phiến quân Shi’ite. Mặc dù đã được gắn một tên gọi mới là các đơn vị dân quân PMU (Popular Mobilization Units) nhưng điều đó vẫn không thay đổi bản chất họ là ai.

Washington hy vọng rằng lực lượng phiến quân này và quân đội Mỹ sẽ hợp tác hiệu quả để chống lại một kẻ thù chung, đó là những người Sunni trong IS. Iran và đồng minh ở Baghdad lại nhìn nhận đây là một cuộc chiến chống lại người Sunni nói chung.

Nếu như 170.000 binh lính Mỹ không thể giải quyết được vấn đề trong khoảng thời gian gần 9 năm thì việc "tái xuất" với một thời gian biểu eo hẹp hơn cùng những nguồn tài trợ ít hơn thì khả năng thành công sẽ cực kỳ ít.

Chưa rõ quân đội Mỹ sẽ dùng phương pháp nào để tạo ra đột phá ở Iraq nói riêng và Trung Đông nói chung nhưng rất nhiều lực lượng khác cũng sẽ "song hành" trong cuộc đua sức mạnh với Washington cho tới cuối cùng.

Với tương lai mịt mờ phía trước, dường như người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama vẫn sẽ phải thừa hưởng một "chiến lược liều lĩnh kéo dài hàng thập kỷ" với những thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nếu như cuộc chiến ở Iraq trước đây không có hiệu quả thì liệu trong tương lai cuộc chiến này có thể đi đến hồi kết?.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới. 

Theo tintuc