Sẽ bỏ quy định gây tranh cãi: "Nam khám sinh dục, nữ vòng 1 trên 75cm mới được lái tàu"



Theo kết luận Hội đồng thẩm định, các nội dung đang được dư luận xã hội rất quan tâm như số đo vòng ngực, răng vẩu không được gác ghi (có thổi còi)… sẽ được bãi bỏ.

Ngày 3/4, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Luật học Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Thông tư tiêu chuẩn sức khoẻ giành cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu là do phía Cục Y tế (Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra để xin ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của Thông tư.

Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu hướng tới 3 nhóm: Lái tàu, phụ tàu; trưởng tàu, trưởng dồn, trực ban chạy tàu ga, nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; và nhóm nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm, nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Sẽ bỏ quy định gây tranh cãi:
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Ngay khi mới được đưa lên để xin ý kiến, Dự thảo Thông tư đã nhận được nhiều góp ý, phản biện của truyền thông, dư luận.

Thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, TS Quang khẳng định, Dự thảo Thông tư này còn các bước thẩm định của Vụ Pháp chế và Hội đồng thẩm định rồi mới trình lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành.

Được biết, trong chiều 2/4, Vụ Pháp chế đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định với sự tham gia của Đại diện Bộ GTVT, Trung tâm y tế đường sắt, đai diện các bệnh viện chuyên khoa (có liên quan đến các nội dung quy định trong dự thảo như: Nội tiết, Răng hàm mặt…), và đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

“Hội đồng thẩm định dựa trên nguyên tắc tiêu chuẩn sức khoẻ phải an toàn cho hành khách, nhân viên lái tàu và nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu” – TS Quang nói.

Sẽ bỏ quy định gây tranh cãi:
Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo áp dụng tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT BYT-BGTVT ngày 21/8/2015.

Tiêu chuẩn thứ hai, theo TS Quang, tiêu chuẩn sức khoẻ phải thể hiện được đặc thù của ngành Đường sắt và bảo đảm sự thuận lợi, rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, cần phải bảo đảm được khả thi và phù hợp thực tiễn.

Dựa trên các tiêu chuẩn đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, Hội đồng thẩm định nhận thấy sức khoẻ lái tàu không khác nhiều so với tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe ô tô (thuộc nhóm người hành nghề vận chuyển hành khách và hàng hoá).

“Hội đồng đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo (Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Y tế (Bộ GTVT) áp dụng tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT BYT-BGTVT ngày 21/8/2015. Tiêu chuẩn này được người lái xe, xã hội đã và đang áp dụng với tinh thần đồng thuận. Bên cạnh đó, Hội đồng đề nghị Bộ GTVT đề xuất các tiêu chuẩn đặc thù của lái tàu khác với lái ô tô để có quy định bổ sung” – TS Quang cho hay.

Theo đó, có ý kiến tại cuộc họp đề xuất, vì đặc thù nghề nghiệp nên người lái tàu không được mắc bệnh tiết niệu sẽ ảnh hưởng quá trình lái tàu (ví dụ liên tục đi tiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp quá trình chạy tàu), khác với việc người lái ô tô có thể chủ động dừng xe.

TS Quang thông tin, hiện cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ soạn lại nội dung Dự thảo thông tư theo hướng này. Theo như kết luận Hội đồng thẩm định, các nội dung đang được dư luận xã hội rất quan tâm như số đo vòng ngực, răng vẩu không được gác ghi (có thổi còi)… sẽ bãi bỏ. Cụ thể, hiện nay các chuyên gia y tế đánh giá bằng dung tích thở sống chứ không đo bằng vòng ngực.

Theo quy định trong Thông tư số 24 năm 2015 về bảng tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe sẽ bao gồm 9 chuyên khoa gồm: Tâm thần; Thần kinh; Mắt; Tai mũi họng; Tim mạch; Hô hấp; Cơ xương khớp; Nội tiết; Sử dụng chất có cồn, ma tuý và các chất hướng thần. Những quy định này đơn giản hơn nhiều so với Dự thảo Thông tư gây tranh cãi vừa qua.

Theo GiaDinh