Phần mềm anti-virus: nhu cầu lớn, hiểm họa cao

Cùng với sự gia tăng chóng mặt lượng người dùng Internet tại Việt Nam, việc sử dụng những phần mềm anti-virus để bảo đảm an toàn, bảo mật trở nên hết sức cần thiết.

phan-mem-anti-virus

Tuy nhiên, với tình trạng trên thị trường xuất hiện “la liệt” các phần mềm anti-vius như hiện nay, liệu rằng quyền lợi của người tiêu dùng có được bảo đảm?

Khó tự bảo vệ mình

Lượng người dùng Internet tại Việt Nam những năm qua không ngừng tăng nhanh. Nếu như ăm 2003, lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam mới chỉ đạt hơn 3 triệu người (tương ứng 3,8% dân số) thì đến năm 2013, con số này đã lên hơn 33 triệu người (tương ứng 37% dân số). Theo báo cáo của ComScore (hãng nghiên cứu thị trường), Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, có một thực trạng đó là phần lớn người sử dụng Internet rất thiếu kiến thức về bảo mật an toàn thông tin. Càng đáng lo ngại hơn khi trong những năm gần đây, thanh toán điện tử và kinh doanh trực tuyến đang nở rộ tại Việt Nam. Với sự bất cẩn của người sử dụng, không khó để các hacker và những phần mềm gián điệp, virus máy tính lấy được thông tin tài khoản của họ.

Anh Hoàng Quốc Vũ, một người có nhiều kinh nghiệm về thương mại điện tử chia sẻ: “Tôi là người ít nhiều có kinh nghiệm trong việc bảo mật, nhưng vẫn bị các hacker tấn công, lấy cắp thông tin cá nhân. Vậy thì, những người dùng bình thường, ít có kiến thức về công nghệ rất khó để tự bảo vệ mình”.

Hầu hết số người dùng đều chọn giải pháp trang bị phần mềm diệt virus cho máy tính. Nhưng dường như điều đó vẫn là chưa đủ, khi mà ngay trong chính thị trường bản quyền những phần mềm này cũng tồn tại không ít bất ổn.

Các hãng phần mềm anti-virus đều có trang web hỗ trợ người dùng và công bố giá bán cụ thể cho từng sản phẩm. Tuy nhiên, không khó để người dùng có thể tìm thấy những địa chỉ cung cấp bản quyển của những phần mềm trên với giá rẻ hơn nhiều so với giá chính thức của hãng.

Nằm ngoài tầm kiểm soát

Chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google, đã có thể tìm thấy hàng loạt địa chỉ cung cấp bản quyền các phần mềm anti-virus phổ biến với mức giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá của hãng sản xuất công bố.

Ví như, bản quyền phần mềm Internet Security 2015 1pc/1năm của hãng Kaspersky, được đại diện phân phối của hãng tại Việt Nam công bố giá 300.000 đồng, nhưng trên nhiều trang web như enbac.com, rongbay.com, shopkeykis.com... bản quyền phần mềm cùng loại được bán với giá 150.000 đồng, thậm chí chỉ 100.000 đồng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách Nghiên cứu và Phát triển - Tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết: “Với key lậu, bản quyền không hợp pháp, không được cung cấp chính hãng từ nhà sản xuất, người mua sẽ không nhận được phần mềm với đầy đủ tính năng, không được nhà sản xuất công nhận bản quyền và không được hỗ trợ trong các tình huống xảy ra lỗi hay tranh chấp bản quyền.

Cung cấp phần mềm ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán các giá trị về sở hữu trí tuệ, chất lượng dịch vụ, chất lượng của sản phẩm để đưa ra một mức giá hợp lý cho sản phẩm. Trừ các trường hợp giá rẻ trong chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối, các trường hợp có giá rẻ bất thường so với giá gốc của nhà sản xuất, thì người sử dụng cần hết sức đề phòng vì khả năng cao đây là key lậu, key giả…”.

Sử dụng bản quyền phần mềm anti-virus giả, không chỉ khiến người dùng chịu thiệt vì kém chất lượng, mà nó còn gây ra nguy cơ cao trong việc bị đánh cắp thông tin cá nhân, thậm chí tài khoản ngân hàng trong giao dịch điện tử. Bởi vậy, không chỉ các hãng sản xuất, các công ty đại diện, mà còn cả các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh tay để chấm dứt tình trạng hỗn loạn của thị trường bản quyền phần mềm.

Theo Ngọc Sơn - Thanh Tú (THCL)