Nông dân "khóc" vì ớt

Những kỳ vọng, toan tính sau khi thu hoạch ớt cay đã tan thành khói mây khi hàng chục hecta ớt đã chín nhưng người nông dân không biết bán cho ai. Đây là thực trạng đáng buồn của người dân các xã miền núi huyện Anh Sơn (Nghệ An). Hiện người dân chỉ biết nhìn ớt rồi “khóc” vì đến thời điểm này, doanh nghiệp không mua như đã cam kết khiến nhiều hộ dân phải ngậm ngùi nhổ bỏ.

nong-dan-khoc-vi-ot

Người dân ở Hoa Sơn chỉ biết “khóc” khi chứng kiến ớt rụng cả ruộng. Ảnh: H.Hồ

Nhà nhà trồng ớt…

Năm 2014, cũng như nhiều hộ dân khác, ông Nguyễn Văn Minh (trú tại xóm 5, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) vui mừng, háo hức vì 3 sào ớt của gia đình ông thắng lợi lớn, cho thu hoạch hơn 7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Từ niềm vui của gia đình ông Minh, nhiều hộ dân xã Hoa Sơn bắt đầu thử nghiệm trồng ớt cao sản và khi đó được Công ty Nông sản Thanh Hóa thu mua đầy đủ. Tiếp đến, đầu năm 2015, Công ty này mang giống cây về tận xóm ươm trồng, rồi cung cấp cho bà con và nhận bao tiêu sản phẩm. Nhận thấy lợi nhuận mang lại, hơn 100 hộ dân tại xã Hoa Sơn đã chuyển đổi diện tích hoa màu sang trồng ớt với mong muốn thoát nghèo.

Tuy nhiên, sau vài lần buôn bán thuận lợi thì không thấy ai chịu thu mua nữa, số tiền bán ớt cũng chưa lấy được hết. Theo hợp đồng, khi thu mua đợt 2 thì phía công ty sẽ trả tiền mua đợt thứ nhất, mua đợt 3 sẽ trả tiền đợt 2 nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền của đợt 3. “Họ chỉ bảo là không có đầu ra nên cắt đứt liên lạc luôn, chúng tôi chờ mãi không thấy phía công ty hồi âm gì”, ông Minh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mến - Trưởng xóm 4 (xã Hoa Sơn) cho biết, hiện xóm có 12ha diện tích trồng ớt cao sản. Công ty Nông sản Thanh Hóa thu mua một lần với giá 5.500 đồng/kg rồi không quay trở lại nữa. Sau đó, người dân được Công ty CP Nông sản La Giang thu mua 2 lần tiếp theo, nhưng rồi công ty này cũng bỏ đi. Đến thời điểm hiện tại, do không có ai mua nên người dân đã phải chấp nhận trắng tay phá bỏ gần hết để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. “Bao mồ hôi, nước mắt của người nông dân đã đổ xuống những mảnh ruộng trồng ớt, vậy mà giờ đây họ phải tự tay nhỏ bỏ vứt đi. Nhìn xót xa lắm”, bà Mến tâm sự.

Rồi buồn vì ớt

Vội vàng nhổ bỏ ruộng ớt hơn 1 sào đã bị hư khá nhiều do không được thu hoạch, ông Minh cho biết, năm nay 3 sào trồng ớt của ông đầu tư hết hơn 10 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi lại được số vốn bỏ ra. Để có những vườn ớt quả sum suê, chín đỏ, ít ai biết được người trồng ớt đã phải kỳ công, vất vả thế nào. Vất vả nhất là khâu chăm bón để sai quả. “Chưa tính đến công chăm sóc cây ớt, chỉ tính riêng tiền mua phân, mua giống chúng tôi cũng đã lỗ rồi”, ông Minh chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Sen (cũng ở xóm 5) ngậm ngùi: “Không có người mua nữa thì đành phải phá bỏ để mà trồng cây khác, chứ chờ công ty về thì biết khi nào. Nhìn những quả ớt chín đỏ lựng có nguy cơ khô héo, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối cho một mùa ớt đắng cay của bà con nơi đây”.

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết, sau nhiều lần liên lạc với Công ty Nông sản Thanh Hoá nhưng không được, xã đã quyết định mời Công ty CP Nông sản La Giang về thu mua. Công ty này tiếp tục ký hợp đồng với người dân là sẽ thu mua 100 tấn ớt cho người dân nhưng mới thu mua được 20 tấn thì Công ty cũng không thu mua nữa. “Chờ mãi không thấy ai về thu mua, trong khi đó ớt này cũng không thể phơi được nên người trồng đành phải vứt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác”, ông Thọ nói.

Đây cũng là thực trạng chung của hàng trăm hộ dân trồng ớt khác tại các xã: Tường Sơn, Bồi Sơn, Hội Sợn, Long Sơn, Minh Sơn trên địa bàn huyện Anh Sơn.

Những khó khăn đang đón chờ người nông dân phía trước, mong rằng các cấp chính quyền tích cực vào cuộc nhằm giúp đỡ những người nông dân có được “đầu ra” để cho họ đỡ thiệt thòi.

Ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết, toàn huyện có 30ha trồng ớt, việc doanh nghiệp dừng thu mua ớt khiến người dân rơi vào cảnh lao đao, phải phá bỏ các diện tích trồng ớt khi đang thu hoạch.

Theo H.Hà - P.Ngọc/Báo Gia đình & Xã hội