Những "mánh" gian lận tinh vi của các cây xăng

Bằng một số thủ đoạn tinh vi, nhiều cây xăng đang âm thâm "ăn cắp" tiền của khách...

Sử dụng hệ thống chip điện tử

Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng, các chủ cây xăng có thể dễ dàng tậu một con chip điện tử về để “ăn cắp” tiền của khách hàng đến mua. Được cài đặt hoặc giấu trong máy bơm xăng, chip điện tử đấu nối với một hệ thống dây chôn ngầm dưới mặt đất dẫn vào phòng điều hành bên trong. Thông thường, hệ thống chip điện tử được nhân viên điều khiển bằng máy tính trung tâm phía trong phòng điều hành nên khách hàng không thể phát hiện ra.

Mỗi khi đoàn kiểm tra đến, các nhân viên sẽ rút sợi dây nối từ cột bơm xăng vào phòng điều hành. Chỉ cần làm như vậy, máy bơm xăng sẽ trở về chế độ hoạt động chuẩn. Khi đoàn kiểm tra đi, hệ thống chip điện tử sẽ được đấu nối trở lại để tiếp tục “móc túi” khách hàng.

Khuếch đại điện áp để thay đổi chỉ số

Cũng giống như mô-tơ nước, hệ thống bơm xăng cũng có một thiết bị đo gắn trên đường ống gọi là cảm biến. Bộ điều khiển chuyển tín hiệu từ cảm biến tới bo mạch bằng điện áp, dòng điện hoặc số xung. Sau đó, bộ vi xử lý sẽ hiển thị thông số trên màn hình. Thông qua màn hình, người tiêu dùng có thế biết khối lượng xăng đã bơm và giá tiền.

Để gian lận tiền của khách hàng, các cây xăng sẽ lắp thêm một thiết bị ngay trên đường chuyển điện áp về bo mạch. Tác dụng của thiết bị này là khuếch đại điện áp để tác động vào thiết bị đo lường làm thay đổi chỉ số trên màn hình tự động.

Nhiều cây xăng gắn chíp điện tử để gian lận lượng xăng của khách.

Chú ý khi người đổ xăng “bấm cò”

Chiêu ăn gian này chuyên áp dụng cho những khách hàng đổ xăng theo số tiền chẵn như 30.000, 40.000, 50.000 đồng…

Nếu khách hàng vào cây xăng yêu cầu đổ 50.000 đồng thì khi đổ tới 30.000 đồng, nhân viên bán xăng chỉ cần bấm cò hai cái sẽ nhảy lên 50.000 đồng liền. Cách phòng tránh chiêu gian lận này là: đổ xăng theo lít, còn nếu đổ xăng theo tiền thì tránh đổ chẵn tiền, số dễ ăn gian nhất là 35.000 đồng còn số khó ăn gian nhất là 31.000, 32.000, 45.000, 65.000 đồng.

Xe tay ga rất dễ bị ăn gian bằng cách "đổ chồng"

“Đổ chồng” thường áp dụng với xe tay ga, đặc biệt là các khách vừa đổ xăng vừa cầm điện thoại nhắn tin hoặc ngơ ngác không tập trung.

Với cách này, sau khi đổ xăng, đáng lẽ nhân viên phải reset máy trở về 0. Nhưng họ không làm mà đổ đè lên số lượng xăng của xe vừa đổ. Giả dụ một khách hàng vừa đổ 30.000 đồng, sau khi đổ xong, tiếp tục có một khách hàng đổ 100.000 đồng, nhân viên sẽ kéo luôn dây và bấm cò cho xăng chạy tiếp tới 100.000 đồng thì ngừng chứ không phải là 130.000 đồng.

Lỡ khách có phát hiện thì nhân viên bơm xăng sẽ xin lỗi và cho rằng người bên trong quên chưa bấm số. Với cách này, trung bình một ngày mỗi nhân viên ở đây có thể ăn lãi tới 300.000 đồng.

Cách phòng tránh: Nên nhìn kỹ đồng hồ xăng.

Nếu khách hàng vào cây xăng yêu cầu đổ 50.000 đồng thì khi đổ tới 30.000 đồng, nhân viên bán xăng chỉ cần bấm cò hai cái sẽ nhảy lên 50.000 đồng liền. (Ảnh minh họa).

Trả lại tiền thừa cho khách bị thiếu

Một cư dân mạng bức xúc chia sẻ thủ đoạn thối tiền gian của nhân viên cây xăng: “Đổ xong 100 ngàn xăng, mình đưa tờ 500 ngàn. Anh chàng nhân viên cầm một cọc tiền bên tay phải, cố ý đếm và tách rõ ràng cho mình thấy 1, 2, 3, 4 tờ tiền 100 ngàn qua tay trái để thối lại rồi nhanh chóng định quay đi đổ xăng cho người khác. Theo phản ứng tự nhiên mình kiểm tra lại thì chỉ còn 3 tờ. Bị lật tẩy ngay nên hắn lặng lẽ đưa thêm một tờ.”

Chiêu bài ở đây là cố ý đếm rõ ràng cho khách thấy số tiền thối lại, nhưng khi đưa tiền thối cho khách thì dùng ngón tay làm trò ảo thuật kéo giữ lại một tờ gộp chung vào cọc tiền. Vì tai nghe, mắt thấy nên khách cứ thế yên tâm nhét tiền thối vào túi mà không biết mình bị lừa.

Một nhân viên bơm xăng, một nhân viên tranh thủ bấm

Một trong những chiêu thức gian lận được nhiều nhân viên của các cây xăng áp dụng là bấm số “ảo” nhằm qua mắt người tiêu dùng. Trong lúc một nhân viên đổ xăng, một nhân viên khác sẽ đứng áp sát khu vực đồng hồ điện tử để quan sát, khi có cơ hội thuận tiện sẽ bấm thật nhanh cho đồng hồ chạy lên con số mà khách hàng muốn đổ.

Khách hàng cần lưu ý khi thấy cây xăng có đến hai nhân viên tại một trạm , mà một nhân viên chỉ đứng không làm việc thì nên cẩn thận đề phòng, nếu không muốn mất tiền oan.

Gian lận về chất lượng 

Còn về chất lượng, ngoài việc pha trộn từ đầu nguồn, các cây xăng cũng có thể áp dụng tại chỗ bằng cách dùng hệ thống 2 ống chìm từ 2 bể chứa khác nhau nhưng cùng dẫn vào một trụ bơm. Khi muốn bán một loại xăng nào, chỉ cần động tác đổi đường dẫn là xong.

Mánh khác:

- Hai nhân viên cùng đứng tại một trụ bơm, một người đổ xăng lợi dụng khi khách hàng sơ ý thì rút vòi bơm ra và người kia liền nhấn nút reset tiền về 0.

- Hay như khi có khách hàng đổ 20.000 đồng, thì khi đến 16.000 đồng, nhân viên sẽ bấm ngắt cần bơm ngay chỗ tay cầm, cho dòng xăng chảy ngược trở vào trong. Sau đó bấm bơm lại thì chỉ có hơi tống ra, đồng hồ vẫn chạy nhưng không có xăng chảy ra.

Với 2 mánh này, đôi khi rất khó để phát hiện ra. Nên khi đổ xăng bạn hãy chú ý kĩ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì phải lên tiếng.

Theo Ngọc Anh (ĐSPL)