Nhà thơ Dương Kỳ Anh: tiết lộ “thâm cung bí sử” bên trong “phòng khám hoa hậu“

Một mùa Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (HHHVVN) lại bắt đầu. Bên cạnh nhiều nhan sắc nổi bật “nghiêng nước nghiêng thành” thì cũng có không ít thí sinh sở hữu ngoại hình chỉ tầm hạng trung, thậm chí là kém hơn rất nhiều thí sinh còn lại.

PV đã có cuộc trao đổi thú vị xung quanh câu chuyện nhan sắc Việt dưới con mắt của “cha đẻ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam”, “ông trùm hoa hậu Việt” - nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh.

Hoa hậu không được khen "đẹp" là... "hỏng"!

*Ông đánh giá thế nào về ngoại hình của các thí sinh HHHVVN năm nay? Có thí sinh bị chê là xấu (mặt xấu), song lại lọt vào top 35 người đẹp nhất khu vực miền Bắc khiến nhiều người bàn tán. Phải chăng tiêu chí chọn lựa thí sinh đã thay đổi so với những năm ông làm giám khảo?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Tôi không theo dõi cụ thể cuộc thi này nên không thể đánh giá chất lượng thí sinh. Vả lại, muốn đánh giá chính xác phải trực tiếp theo dõi họ như những thành viên ban giám khảo, theo sát các thí sinh trong quá trình tập luyện, chứ nhìn qua ảnh nhiều khi không chuẩn.

Tôi, trước sau như một, vẫn cho rằng đã là hoa hậu, hoa khôi là phải đẹp, mà trước hết là vẻ đẹp hình thể. Tất nhiên, phải là vẻ đẹp hài hòa giữa các chỉ số nhân trắc học, giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp về đạo đức, ứng xử, sự hiểu biết... Nghĩa là phải có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức như ta vẫn thường nói.

Với người Việt Nam, người phương Đông, vẻ đẹp gương mặt rất quan trọng. Đã là hoa hậu, hoa khôi mà bị người ta chê là xấu (về hình thức, nhất là gương mặt khi xem qua ảnh, qua truyền hình) thì thường không thể chấp nhận.

Người ta thường nói “đẹp như hoa hậu”. Nếu hoa hậu, hoa khôi mà không được khen “đẹp” là “hỏng”, không thể biện minh gì được.
Tôi không biết ở các cuộc thi sắc đẹp hiện nay người ta chọn hoa hậu, hoa khôi theo tiêu chí nào, nhưng ngay từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong tổ chức, tiêu chí lựa chọn hoa hậu Việt Nam cũng gần giống như các cuộc thi sắc đẹp thế giới, nhất là cuộc thi Hoa Hậu thế giới - cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh hiện nay - được tổ chức hàng năm.

*Trong những mùa thi hoa hậu mà ông làm giám khảo, ai là người để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất? Và thí sinh nào mà ông cho là đẹp nhất?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Trong các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam và cả các cuộc thi quốc tế mà tôi làm giám khảo, thường thì người đẹp nhất cuộc thi sẽ là hoa hậu. Tôi nói “thường” là vì có cuộc thi người đẹp nhất mà không trở thành hoa hậu.

Như cuộc thi hoa hậu năm 1992, người đẹp nhất cuộc thi qua mấy vòng đầu sau đó phát hiện đã có con (vi phạm quy chế cuộc thi nên bị loại). Năm đó, Hà Kiều Anh đăng quang hoa hậu.

Hay cuộc thi hoa hậu 1996, Hồng Yến (Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long) là người đẹp nhất, nhưng vì ứng xử chưa đạt nên cũng không trở thành hoa hậu.

Với tôi, Hồng Yến là người đẹp nhất mà tôi đã gặp. Nếu cô ấy ứng xử tốt chắc chắn sẽ trở thành Hoa hậu Việt Nam và đi thi cũng có thể trở thành Hoa hậu Thế giới. Ở đời nhiều khi buồn nhất là chữ “nếu” và “nhưng” này...

Người đẹp rơi lệ cũng cứ... "phép công mà làm"

*Là một nhà thơ, tâm hồn thi sĩ lãng mạn, có khi nào ông “đặc biệt thích” một thí sinh nào đó, nhưng không thể “châm chước” bởi những tiêu chí và quy định mà Ban tổ chức cuộc thi đặt ra?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: (Cười) - Cái khó là khi mình thích một thí sinh nào đó, thích theo tiêu chuẩn, theo tiêu chí của một nhà thơ, nhưng khi đó, mình là Trưởng Ban giám khảo, nên phải theo các tiêu chí chấm điểm của cuộc thi.

Như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992, cả tôi và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất thích thí sinh Mạc Lê Đan Thanh, nhưng chúng tôi vẫn phải tuân thủ các quy định theo tiêu chí hoa hậu mà ban tổ chức đặt ra. Đó là năm Hà Kiều Anh là hoa hậu (như tôi đã chia sẻ ở trên) chứ không phải Mạc Lê Đan Thanh... Đó là điều nói như các cụ ngày xưa “Yêu nhau thì để trong lòng/ Việc công ta cứ phép công ta làm”.

*Chuyện ở phòng “đo đạc” thí sinh luôn hấp dẫn và là bí mật đối với khán giả. Ông có thể tiết lộ một chút về chuyện “phòng khám hoa hậu”?

Có thí sinh nào vòng eo hơi to, chiều cao hơi kém, cân nặng hơi lớn... “xin” thêm hay bớt hay không? Khi người đẹp rơi lệ, ông có bối rối?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Trong phòng “đo đạc” chỉ có các nữ bác sĩ và nữ giám khảo phụ trách nhân trắc học được phép có mặt, chứ chúng tôi không bao giờ được vào. (Cười)

Nếu như có vấn đề gì, chúng tôi chỉ được các nữ bác sĩ và nữ giám khảo về nhân trắc học truyền đạt lại thôi... Nếu biết được điều gì đó cần biết thì cũng chỉ qua điểm nhân trắc hoặc được nghe kể lại thôi... Nên chắc chuyện thí sinh vòng eo hơi to, chiều cao hơi kém, cân nặng hơi lớn... “xin” thêm hay bớt hay không thì tôi cũng khó lòng mà biết được.

Còn người đẹp mà rơi lệ, thì chắc ai cũng bối rối thôi. Huống chi tôi là một nhà thơ. (Cười)

Dân gian có câu “Hơn nhau tấm áo, manh quần/ Cởi ra người trần ai cũng như ai”. Còn nhớ, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, có một người đẹp nhìn trên sân khấu, thậm chí nhìn tận mắt ngoài đời ai cũng sẽ chấm là Á hậu, thế nhưng đã không lọt vào top 10. Nhiều khi, chính Ban giám khảo cũng không biết được những khuyết tật vô cùng kín đáo rất khó nhận ra. Không ai biết rằng, thí sinh đó chỉ có 9 ngón chân. Ngay cả vòng ngoài, ở khu vực sơ khảo, kíp đo do các nữ bác sĩ đảm nhiệm cũng không biết.

Cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1992, có một thí sinh rất đẹp, số đo rất chuẩn, gương mặt, dáng đi, ứng xử đều rất tự nhiên, thông minh... Điểm thi ở khu vực của thí sinh này rất cao. Vào vòng chung kết, đêm đầu tiên Ban giám khảo cho điểm tuyệt đối, bỏ xa Hà Kiều Anh. Thế nhưng, sau đó ban tổ chức nhận được đơn tố cáo thí sinh đã có con.

Vì là việc vô cùng tế nhị, cuối cùng một nữ bác sĩ phải có sự quan sát riêng mới nhận ra những vết rạn ở da bụng dù rất mờ... Câu chuyện liên quan đến thí sinh này khá buồn nên tôi cũng không tiện kể kỹ lại đây.

*Ông có từng khó xử trong việc tuyển chọn người đẹp cho ngôi vị cao nhất?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Nhiều lần chúng tôi phải đau đầu vì có hai nhan sắc có thể trở thành hoa hậu mà ban giám khảo phải cân nhắc kỹ. Có khi ý kiến ban giám khảo chia làm hai phần ngang nhau, chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu năm 1990 có hai ứng cử viên sáng giá là Diệu Hoa và Vân Anh.

Các giám khảo phía Nam ủng hộ Vân Anh, các giám khảo phía Bắc ủng hộ Diệu Hoa, hai bên không bên nào chịu bên nào... Tôi là Trưởng ban giám khảo đứng giữa, phải đưa ra quyết định. Cuối cùng, Diệu Hoa được chọn là hoa hậu.

Điều đặc biệt là qua thời gian, các quyết định của ban giám khảo Hoa hậu Việt Nam thời tôi làm đều được chứng minh là chuẩn xác.
"Máy quét" cũng chẳng thể thay thế con người

*Năm nay, rộ thông tin về việc BTC sử dụng “máy quét” để “đo”, để phát hiện đồ giả? Ổng nghĩ gì về việc này?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: (Cười) - Tôi chưa biết cụ thể nên chưa thể hình dung về loại “máy” này. Nhưng theo tôi, chọn cái đẹp, chọn người đẹp, chọn hoa hậu thì chỉ có con người chọn là chuẩn nhất, chứ máy móc dù hiện đại đến đâu cũng không thay thế được. Tất nhiên phải là ban giám khảo công tâm và có con mắt tinh đời.

*Chuyện “đi đêm”, “mua giải” hầu như năm nào cũng được đồn đại sau khi mùa thi kết thúc. Ông chắc cũng nghe nhiều?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Tôi cũng nghe đồn thổi nhiều chuyện này. Trong các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt thời tôi làm Trưởng Ban tổ chức hay Trưởng Ban giám khảo, chúng tôi có những quy định rất chặt chẽ trong quy chế nên có thí sinh nào muốn “mua”, muốn “chạy” cũng không làm được...

*Nhiều ý kiến cho rằng, chọn hoa hậu nên chọn “nụ” để dần chín và bung tỏa hương thơm. Trong khi đó, những hoa hậu “nụ” ở tuổi đời khá trẻ nên có những non kém trong hành xử khiến người hâm mộ chỉ trích. Theo ông, tuyển chọn một thí sinh đủ tiêu chuẩn làm hoa hậu “tài sắc vẹn toàn” và có thể “làm nguồn” cho các đấu trường sắc đẹp quốc tế cần những gì?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Nói đúng hơn là chọn hoa hậu trong giai đoạn thí sinh đó còn có độ phát triển, trưởng thành. Chứ như một bông hoa “nở hết cỡ” rồi thì khi trở thành hoa hậu và sau đó khó mà có được vẻ đẹp rực rỡ. Quy luật là vậy mà.

Còn kiến thức thì theo thời gian mà phát triển. Không thể đòi hỏi các cô gái mới tốt nghiệp phổ thông cũng “già dặn” về hiểu biết như một người đã đi làm, đã tốt nghiệp đại học.

Chọn cái gì cũng phải nhìn tới tương lai, nhất là con người, lại là người đẹp. Cho nên ban giám khảo ngoài sự công tâm phải có kinh nghiệm và có con mắt tinh đời nữa...

Chọn hoa hậu để sau đó đi thi quốc tế theo tôi ngoài tiêu chí sắc đẹp, còn vấn đề ứng xử rất quan trọng, ứng xử phải tự tin, tự nhiên và có tầm, có những hiểu biết ngang tầm quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Nhật Minh (MTG)