Nhà nghèo đừng mơ “có cửa” đi thi hoa hậu

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 vừa kết thúc, nhưng đằng sau nó là cả một quá trình dài dằng dặc mà không phải thí sinh nào cũng đáp ứng được.

thi_hoa_hau

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 bắt đầu từ đầu tháng 6.2014 và đến ngày kết thúc là vừa tròn 6 tháng. Trong cả 6 tháng đó, từ vòng loại, vòng sơ khảo hay Chung kết thì các thí sinh đã phải mang theo mình những chuyên gia trang điểm, làm tóc, tư vấn hay những nhà thiết kế hàng đầu để "cạnh tranh"cùng các người đẹp khác. Chưa kể đến những bộ trang phục mà thí sinh phải mang theo. Nếu "được loại" càng sớm thì các chi phí sẽ đỡ hơn rất nhiều, nhưng càng đi vào vòng trong, sự tiêu tốn về tiền bạc tỷ lệ thuận với mỗi bước đi của các thí sinh đang ngấp nghé vị trí cao nhất.

Chia sẻ sau khi trở về từ cuộc thi Hoa hậu 2014, người đẹp H.T cho rằng: Tốn nhất vẫn là tiền thuê các trang phục và những người đi theo mình, vì mỗi lần chụp ảnh thay váy áo là mỗi một bộ khác nhau, lại phải dặm lại phấn son và tạo nên những hình thái khác biệt so với những bức hình trước. Chính vì thế, nếu để thí sinh một mình tự làm thì hoàn toàn không được, mà người của ban tổ chức thì... không có nên các thí sinh toàn phải tự thuê hoặc được "người khác" tài trợ trước cuộc thi.

H.T là thí sinh không được may mắn bước sâu vào các vòng trong, nhưng riêng tiền thuê chụp ảnh, thuê thợ trang điểm, váy vóc hay phải mua vé máy bay cho những người đi theo giúp đỡ mình cũng lên tới hơn 200 triệu. "Chính vì thế nên mình nghĩ những người đạt giải cao ở các cuộc thi càng tầm cỡ cao thì làm gì có chuyện... con nhà nghèo. Bước vào chung kết phải tốn gấp mấy lần con số mà mình đã bỏ ra trước đó" - Người đẹp H.T khẳng định.

Các thí sinh ở các cuộc thi sắc đẹp, thấp nhất vẫn là những gia đình kinh doanh, buôn bán, còn không thì phải là con cái của những cán bộ cấp cao đủ sức chi trả cho con cái mình tham gia những cuộc thi sắc đẹp có sức.. tiêu tiền lớn. Chưa kể đến là phải có tý "máu mặt" hoặc "có tiếng nói" trong cuộc thi để biết thí sinh đấy là "con cái" hoặc "gà" của ai. Các cuộc thi sắc đẹp nói chung, khán giả cứ đoán già đoán non thí sinh ấn tượng hoặc có khả năng nhất, nhưng ngay ở trong ban tổ chức đã có cuộc "dàn xếp sẵn", ở các vòng thi sơ khảo, chung khảo các thí sinh có "tiềm năng" đã là đích đến cho BTC sắp đặt sẵn để lựa chọn.

thi_hoa_hau

Các cuộc thi sắc đẹp vẫn luôn trở thành "điểm hút" các thí sinh có cơ hội chờ đổi đời

Ngay cả đến những cuộc thi người đẹp ở các tỉnh, các thí sinh tham dự cũng không thể nào là "giới bình dân" được. Bởi lẽ, các thí sinh trước đó muốn thi đã phải lobby những người khác để có những tấm "vé" vào sâu hơn, thậm chí phải lobby cả ban giám khảo hay ban tổ chức cuộc thi đó. Chưa kể đến, những phần thi hỏi - đáp, thí sinh có điều kiện hơn sẽ được chuẩn bị những câu hỏi và đáp án từ trước để ... học thuộc ra sân khấu trả lời thêm phần tự tin. Tuy vậy, những "kiến thức" được trang bị sẵn không phải lúc nào cũng được các thí sinh đi thi hoa hậu hay người đẹp áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Vậy nên, vẫn có những thí sinh với câu trả lời ngô nghê đã trở thành trò cười của khán giả và giới truyền thông dè bĩu. Thế nên dù có nói "người đẹp nhưng óc ngắn" cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ họ đã đẹp và chỉ trau chuốt cho phần đẹp ở hình thể, còn kiến thức thì... luôn là cái đẹp... để sau.

Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã và đang được đầu tư đúng mức để trở thành "ngành công nghiệp mũi nhọn" như yêu cầu của Bộ văn hóa, thế nhưng với những vụ lùm xùm cộng thêm những "chọn lọc" khá gắt gao giữa các thí sinh mà những người đẹp nhà không có điều kiện thuê đồ hoặc thuê người thiết kế, trang điểm riêng thì có lẽ các cuộc thi nhan sắc chỉ dành cho những thí sinh là "gà cưng" của các công ty người mẫu, hoặc là của các gia đình đại gia. Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế lại là một chuyện khác, vậy nên cái mục tiêu đó mãi mãi vẫn nằm trên giấy thì cũng chẳng lấy gì làm khó hiểu.

Theo Minh Khuê (MTG)