Nghịch lý 'chuối chờ giải cứu' và bài học thu lãi lớn tại Long An



Hiện nay, câu chuyện “giải cứu” chuối cho nông dân tỉnh Đồng Nai đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Thế nhưng, cũng loại chuối đó, ở tỉnh Long An, có nông trại đang lo không đủ chuối để bán. Điều gì đang tạo ra sự khác biệt?

Từ “giải cứu” chuối ở Đồng Nai…

Những năm gần đây, Đồng Nai nổi tiếng với trái chuối có chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Đặc biệt, khi nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng, người dân ồ ạt trồng chuối và lượng chuối xuất khẩu cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, sang năm 2017, các tỉnh phía Nam Trung Quốc phục hồi được diện tích trồng chuối đã chết trước đây. Ngoài ra, xuất khẩu chuối của Philippines sang thị trường này cũng khơi thông trở lại. Do đó, thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá chuối tại thị trường Việt Nam rớt thê thảm và không tiêu thụ được, mở màn cho hoạt động “giải cứu” chuối như đã thấy thời gian qua.

Nghịch lý 'chuối chờ giải cứu' và bài học thu lãi lớn tại Long An
Chuối nông trại của ông Võ Quang Huy được sản xuất theo tiêu VietGgap

Tại Tọa đàm “Giải pháp tiêu thụ chuối bền vững cho người dân Đồng Nai” được tổ chức mới đây, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng cho biết: Đồng Nai hiện có hơn 700ha trồng chuối già hương và đang vào vụ chín, mới tiêu thụ được hơn 300 tấn. Từ nay đến hết tháng 3/2017, còn gần 11.000 tấn chuối cần được tiêu thụ nếu không sẽ đổ bỏ.

... đến “khát” chuối xuất khẩu ở Long An

Theo ông Võ Quang Huy - ấp Mỹ Bình, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - cuối năm 2014, gia đình ông mua đất trồng chuối với mục đích xuất khẩu. Thời gian đầu, chuối chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, ông Huy quyết định trồng chuối già hương theo tiêu chuẩn VietGap (sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh) để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khi chuyển hướng xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc sang Nhật Bản và Hàn Quốc, ông phải điều chỉnh lại quy trình trồng và thu hoạch chuối. Nếu xuất sang Trung Quốc, các nông trại không quá chú tâm đến khâu bảo quản sau thu hoạch vì chỉ cần 2-3 ngày là có thể giao hàng, còn xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, trái chuối từ khi thu hoạch đến lúc tiêu dùng phải qua một quá trình khoảng 3-4 tuần. Do đó, không đảm bảo được khâu này sẽ không thể xuất khẩu.

Ông Võ Quang Huy chia sẻ thêm, trước khi ký hợp đồng, phía đối tác đã cử một số kỹ sư, chuyên gia đến nông trại tham quan quy trình trồng chuối. Sau khi tham quan và nhìn thấy quy mô nông trại, họ không ký hợp đồng ngay, mà lấy mẫu đất và nước về phân tích với 230 tiêu chí khác nhau. Sau khi có kết quả đúng tiêu chuẩn, hợp đồng mới được ký kết.

Cách làm này đã giúp nông trại của ông Huy tránh được những gì đang diễn ra ở Đồng Nai hiện nay. Sản lượng chuối của nông trại ước khoảng 8.000 tấn, tăng gấp hai lần sản lượng năm 2016. Giá chuối hiện khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tính sơ, chuối xuất khẩu đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho ông Võ Quang Huy.

Từ mô hình nông trại của ông Võ Quang Huy, có thể thấy, nếu nông dân thay đổi cách làm (sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh), trái chuối của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đứng vững ở các thị trường khó tính. Riêng với ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, liệu đã sẵn sàng thay đổi, hướng dẫn nông dân phương thức sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường như cách làm lâu nay? Còn nếu không thay đổi, câu chuyện “giải cứu” chuối chắc sẽ còn lặp lại...

Theo Lê Cương/Báo Công thương