Ngân hàng "ôm" công ty tài chính: "Miếng mồi" béo bở?

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng ra sức thâu tóm các công ty tài chính, bởi muốn tận dụng triệt để lợi ích mà các công ty này sẽ mang lại. Tuy nhiên, “miếng mồi” này có thực sự béo bở hay không thì vẫn còn là một ẩn số.

Cả hai đều không thiệt

Ngân hàng “ôm” công ty tài chính: “Miếng mồi” béo bở?
Ngày càng nhiều các công ty tài chính về chung một nhà với các ngân hàng.

 Bên cạnh làn sóng sáp nhập, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thời gian gần đây thị trường tài chính diễn ra dồn dập các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng và công ty tài chính (CTTC). Tính từ đầu năm 2015 đến nay đã có 4 thương vụ M&A gồm: MaritimeBank mua lại CTTC Dệt may; Techcombank mua lại CTTC Hóa chất; MBBank nhận sáp nhập CTTC Sông Đà, SHB nhận sáp nhập CTTC Vinaconex - Viettel.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập CTTC như: BIDV trình cổ đông kế hoạch lập CTTC với 3 phương án: Mua lại một CTTC trên thị trường hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có thành CTTC tiêu dùng hoặc sẽ thành lập mới. VietinBank cũng có ý định chuyển một phần PGBank thành công ty tài chính PG Finance. ACB, Sacombank, NamA Bank… cũng đã trình cổ đông kế hoạch thành lập CTTC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng...

Chưa khi nào việc thành lập, mua lại các CTTC được các ngân hàng thương mại (NHTM) sốt sắng như thời gian gần đây. Việc này diễn ra khi ngành ngân hàng đang gặp nhiều thách thức, môi trường kinh doanh có nhiều biến động; cầu tín dụng khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng gần như không có sự phát triển vượt trội trong những năm gần đây. Điều này khiến ngân hàng ngày càng có xu hướng tập trung cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân được xem là chủ yếu hơn cả khi cách đây không lâu NHNN đã lấy ý kiến Dự thảo thông tư về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong đó có quy định ngân hàng không còn được cho vay tín chấp, tiêu dùng mà phải chuyển hoạt động này sang các CTTC.

Theo Ban soạn thảo từ vụ chức năng của NHNN, đây là động thái để phân cấp trách nhiệm, hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi cho vay tiêu dùng. Cũng theo cơ quan quản lý này, dự thảo nhằm mục đích muốn cơ cấu lại các CTTC yếu kém, đáp ứng được nhu cầu thành lập CTTC của các tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước. Với xu hướng phát triển tín dụng tiêu dùng như hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới, sẽ còn nhiều nữa CTTC được thành lập.

Trước những yếu tố trên, một số ngân hàng đã đi trước đón đầu bằng việc mua, thành lập các CTTC, chuyển hoạt động cho vay tiêu dùng sang các công ty này với kỳ vọng đem lại nguồn lợi lớn cho ngân hàng. Bởi cho vay tiêu dùng tuy quy mô nhỏ nhưng “năng nhặt chặt bị”, hơn nữa lãi suất ở phân khúc này khá cao. Trong khi đó, CTTC cũng không thiệt, khi trở thành công ty của các ngân hàng, từ chỗ đang hoạt động yếu kém lại được hưởng hoàn toàn công nghệ, cơ sở hạ tầng, nhân sự, có trình độ... của ngân hàng.

Có thực sự béo bở?

Bên cạnh nhiều thuận lợi mà ngân hàng có được khi “ôm” các công ty tài chính thì cùng với đó sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro. Cụ thể, vấn đề được xem là thế mạnh của các CTTC là cho vay tiêu dùng cá nhân, thì thời gian vừa qua hình thức này lại ghi nhận không ít bất cập.

Ngân hàng “ôm” công ty tài chính: “Miếng mồi” béo bở?
Các ngân hàng thực hiện triệt để lợi ích mà các công ty tài chính mang lại.

Các ngân hàng thương mại tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn về điều kiện cấp tín dụng (có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt) và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn (chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, mua ôtô; chi tiêu qua thẻ…) nên rủi ro thấp và dĩ nhiên lãi suất cũng thấp.

Trong khi đó, các CTTC hướng đến thị trường ngách gồm nhóm đối tượng "dưới chuẩn", hay còn nói là không đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng (người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập; chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp...). Đồng thời, họ cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… thủ tục lại phải rất nhanh chóng, thuận tiện.

Chính lợi thế thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh, một bộ phận rất lớn người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng, góp phần tạo nên mức lợi nhuận cho các tổ chức này. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận và đang tạo ra rất nhiều bức xúc cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Lan (Gò Vấp - TP.HCM) cho biết chị cảm thấy hơi hoang mang khi sử dụng vay tiêu dùng ở CTTC. Chị kể lại, vì đặc thù công việc nên chị cần mua một chiếc laptop nhưng vì không có đủ tiền nên chị đã sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng ở một CTTC. Trong quá trình vay, chị Lan nhận thấy thủ tục rất nhanh chóng và đơn giản.

Nhưng bản thân chị lại không hiểu vì sao lãi suất lại cao quá như vậy. Điều này chị Lan cũng không được giải thích rõ ràng từ phía nhân viên tư vấn. Như chiếc laptop của chị Lan mua trị giá ban đầu là 12 triệu đồng, chị trả góp trong vòng 1 năm. Đến khi hết hạn thanh toán, chị Lan ngã ngửa khi số tiền chị phải trả gần 19 triệu đồng.

Chính vì lãi suất quá “chát”, và chất lượng dịch vụ kém nên người dùng sau khi sử dụng một lần rồi thì rất đắn đo tái sử dụng dịch vụ này thêm một lần nữa. Như vậy, mảng cho vay tiêu dùng mà các ngân hàng nhắm đến khi thâu tóm các CTTC liệu là miếng béo bở?

Theo Mai Trinh(NTD)