Mặc đà giảm sút, "xe ngoại" về Việt Nam sẽ tiếp tục bị siết chặt

Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam có khả năng tiếp tục giảm khi Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

'Mặc đà giảm sút,

Ô tô nhập khẩu sẽ tiếp tục bị siết chặt quản lý nhập khẩu. Ảnh minh họa: H.Đ

Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian tới cơ quan này sẽ tăng cường kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Theo thông tin từ cổng thông tin Hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin, nắm chắc tình hình. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng đã được Bộ Công Thương đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ (thuế tự vệ); các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ KH&ĐT.

Đồng thời, kiểm soát các mặt hàng được các Bộ quản lý chuyên ngành đưa vào diện quản lý bằng Giấy phép nhập khẩu hoặc phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trái phép hàng hóa. Nhất là tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường bộ, đường sắt liên vận, đường hàng không, đường biển,... sau đó tìm cách thẩm lậu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ.

Như vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới lượng ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống khi bị cơ quan hải quan tăng cường kiểm soát nhập khẩu bởi mặt hàng này nằm trong danh mục hàng hóa, phương tiện trong nước đã sản xuất được (ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ KH&ĐT). Trong đó, có ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, các loại ô tô tải, và ô tô tải chuyên dụng.

Con số ước tính từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4 vừa qua ước đạt 8.000 chiếc, giảm tới 4.000 chiếc so với trước đó.

Khi xu hướng nhập khẩu ồ ạt các dòng xe giá rẻ về thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn, Chính phủ cũng đã tính đến bài toán áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với xe sản xuất trong nước. Cụ thể, trong một cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.

Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật này để bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý đánh giá lại toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc).

Dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực; đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...

Tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế; nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.

Rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế; rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.

Theo ICTNews