Lai Châu lấy đâu ra 8.000 tỷ để xây sân bay?

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An lần đầu tiên tiết lộ những thông tin chưa công bố về dự án sân bay Lai Châu 8.000 tỷ đồng cũng như nguồn tiền dự kiến triển khai.

Trao đổi riêng với Zing.vn, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, sân bay sẽ được xây dựng ở khu vực huyện Tân Uyên.

“Ở thành phố Lai Châu, máy bay không thể hạ cánh được do địa hình núi non hiểm trở lại có sương mù. Còn ở khu vực Tân Uyên, địa hình tương đối bằng phẳng. Hơn nữa đặt sân bay ở đó còn gắn với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh", ông An cho biết.

lai-chau-lay-dau-ra-8000-ty-de-xay-san-bay

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết, đã có những đơn vị quan tâm đến dự án sân bay 8.000 tỷ. Ảnh: Kiều Vui

Trước việc nhiều người quan tâm Lai Châu lấy ở đâu ra 8.000 tỷ đồng để xây sân bay, Chủ tịch UBND tỉnh này cho hay, 8.000 tỷ đồng không phải là vốn Nhà nước mà là vốn tư nhân hay còn gọi là vốn xã hội hóa.

Theo ông An, các doanh nghiệp của tỉnh và cả nhà đầu tư ngoài tỉnh rất tích cực ủng hộ dự án này.

Chủ tịch tỉnh Lai Châu điểm danh một vài nhà đầu tư lớn của dự án. Chẳng hạn, về du lịch có doanh nghiệp Hoàng Nhâm, về đầu tư và phát triển nông nghiệp có Công ty CP Chè Tam Đường, doanh nghiệp sản xuất thủy sản nước lạnh… Ngoài ra, theo ông An, một số doanh nghiệp ở lĩnh vực đầu tư khác như Tập đoàn Hưng Hải (thủy điện), các công ty thành viên của Tập đoàn sông Đà… cũng quan tâm đến dự án. 

“Đó là các doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng là họ có uy tín, có năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và công nghệ để xây dựng sân bay – tạo cú hích cho sự phát triển của tỉnh”, ông An nói.

Thừa nhận thực tế rằng du lịch không phải một sớm một chiều có thể thu hồi lợi nhuận ngay, huống chi Lai Châu hiện nay gần như chưa có gì, ông An thông tin, tỉnh đang phải từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch. Đồng thời, địa phương cũng đang quy hoạch đồng bộ phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế.

“Nhà đầu tư, khi tham gia dự án, trước hết họ tìm kiếm lợi nhuận và chỉ khi nào có lợi nhuận thì họ mới đầu tư. Thứ nữa, họ đầu tư phải được thuận lợi. Hiện nay, chúng tôi đang tạo điều kiện thuận lợi cho họ và phối hợp với họ tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa các hạng mục đầu tư có hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng có chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về các cơ chế ưu đãi khác cho họ”, ông An khẳng định.

Mới đây, trong báo cáo làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm ở đây như Đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai với thành phố Lai Châu, đặc biệt sân bay Lai Châu.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I hết khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là loại sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng.

Trước đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của việc xây dựng sân bay dành cho các loại máy bay nhỏ ở đây.

Cùng thời điểm xin triển khai dự án trên, Lai Châu cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Thành phố Lai Châu. 

Ngoài ra, tỉnh cũng xin triển khai hàng loạt dự án giao thông khác bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ như đường liên kết huyện Sìn Hồ với huyện Tân Uyên kết nối với QL 32, đường nối QL279 đến trung tâm xã Tà Mít, 3 cầu và hệ thống đường ngang phía Tây Sông Đà...

Trong khi đó, Lai Châu vừa đưa vào sử dụng đường giao thông liên vùng - đường tỉnh 107 (đoạn Pá Ngừa - Khau Riềng) với mức đầu tư 990 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 

Theo Kiều Vui (Zing)