Là lạ bánh canh vịt

Bánh canh là món ăn dân dã khá phổ biến. Mỗi vùng miền có một kiểu chế biến bánh canh khác nhau với nguyên liệu khác biệt: thịt, tôm, cá…, nhưng lạ nhất là bánh canh vịt miền Tây.

Bánh canh vịt miền Tây có xuất xứ từ hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Người dân xứ này thường gọi giản dị là bánh canh bột xắt hay bánh canh bột gạo. Chỉ cần nghe qua tên gọi là biết ngay sợi bánh canh được làm từ… gạo. Để làm ra sợi bánh canh trắng muốt dẻo thơm, phải tốn khá nhiều công. Đầu tiên là lựa loại gạo thơm, vo sạch, ngâm mềm, xay thành bột, cho vào túi vải để ráo nước.

Kế đến, trải bột đã ráo ra mâm, dùng nước sôi tưới đều lên bột rồi nhồi thật đều tay, sao cho bột không bị khô cũng không bị nhão. Bột nhồi xong ngắt từng cục nhỏ, dùng chai thủy tinh cán dẹp cho bột dính vào chai. Người nấu vừa cầm chai xoay vừa xắt miếng bột thành những sợi dài vào nồi nước đang sôi. Công đoạn cuối đơn giản vậy, nhưng nếu không đều tay, sợi bánh canh sẽ không đẹp, nhìn mất ngon.

Bên cạnh sợi bánh canh mềm mại, cắn vào cảm nhận độ dai và thơm ngọt vị gạo rất đặc trưng, bánh canh bột xắt còn hấp dẫn người ăn ở nồi nước dùng trong veo được nấu từ vịt. Thịt vịt vốn nặng mùi nên việc nấu nước dùng không đơn giản như cách nấu bằng các nguyên liệu khác. Vịt phải chọn loại vịt cỏ, được nuôi thả trên những cánh đồng, thịt săn chắc, ngọt thơm và không có mỡ.

Làm sạch vịt, chà xát với rượu và gừng cho hết mùi hôi, đây là khâu quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm của đầu bếp, mới cho ra nồi nước dùng với vị ngọt dịu tự nhiên và thơm thoang thoảng. Vịt đem luộc chín vớt ra, nước dùng nêm lại gia vị, tuy không đậm đà màu sắc, bắt mắt như những loại nước dùng khác nhưng hương vị rất riêng.

banhcanhvit

Tùy người nấu, bánh canh được cho vào nước dùng theo hai cách. Có người cho sợi bánh vào nấu chung, nồi bánh canh vì vậy có màu trắng đục sền sệt. Người kỹ tính hơn đem sợi bánh luộc chín để riêng, nên nước dùng vẫn trong vắt, khi ăn mới cho sợi bánh vào tô, làm nóng, xếp thịt vịt, hành phi, hành ngò rồi chan nước dùng vào. Nhìn tô bánh thấy không có gì đặc sắc, nhưng thưởng thức rồi mới cảm nhận hết hương vị ngọt thơm hấp dẫn, cùng vị cay của tiêu, mùi thơm của hành phi, hành ngò và đặc biệt là sợi bánh tươi và dai, càng ăn càng thấm.

Ăn bánh canh bột xắt nhiều người còn mê cái món huyết nếp đặc sắc và lạ miệng. Khi cắt tiết vịt, người ta không quên thả một nhúm nếp vào đĩa đựng huyết. Huyết sau khi đông lại, đem thả vào nồi nước sôi luộc chín, nhiều người thả luôn vào nồi nước dùng để luộc vịt. Có điều, huyết vịt phải luộc hơi lâu, tùy theo số lượng, thường phải cả tiếng đồng hồ, hạt nếp chín dẻo mềm, ăn mới ngon miệng.

Loại nước chấm không thể thiếu khi ăn bánh canh bột xắt là nước mắm gừng. Chấm một miếng thịt vịt hay huyết vịt với nước mắm gừng đưa vào miệng, vị gừng cay ấm thơm nồng lan tỏa xuống tận cổ họng, kích thích bao tử… ăn nhiều cho đã.

Món bánh canh vịt chưa phổ biến lắm ở Sài Gòn. Nếu không có dịp về miền Tây, ghé thăm hai tỉnh Tiền Giang hay Bến Tre để thưởng thức món bánh canh vịt, bạn có thể thưởng thức loại đặc sản này tại quán bánh canh vịt Cai Lậy, 572 Lạc Long Quân, Q.11 hay 604-606 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM.

Theo Dương Thảo (PNO)